Theo đó, năm 2022 Sacombank dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
HĐQT nhiệm kỳ mới có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới gồm ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Phong (sinh năm 1962), ông Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1981), ông Phan Đình Tuệ (sinh năm 1966), bà Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1962) và ông Vương Công Đức (sinh năm 1971).
Phần thảo luận
Vấn đề xử lý khoản nợ chiếm 32,5% vốn cổ phần Sacombank từ VAMC đến đâu?
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank: Ngân hàng cũng đã có kiến nghị với NHNN và trình Chính phủ cho phép thì Sacombank mới giải quyết được khoản nợ này.
Cũng như khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, Ngân hàng cũng đang nỗ lực kiến nghị với UBND TP.HCM để có thể sớm được đấu giá.
Hiện UBND TP.HCM đã có văn bản tạm dừng đấu giá tài sản đảm bảo là Khu công nghiệp Phong Phú và HĐQT Sacombank đã từng bước kiến nghị, làm việc với UBND TP.HCM để có thời hạn, thời gian đấu giá trong năm 2022, thu hồi nợ.
Ngoài ra, các khoản nợ tồn đọng khác cũng đã được Sacombank sớm nỗ lực hoàn tất xử lý. Trong gần 5 năm qua, Ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu.
Khi nào ngân hàng Sacombank sẽ chia cổ tức cho cổ đông, vì đã quá lâu sau nhiều năm không được nhận cổ tức?
Ông Dương Công Minh: Lũy kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Ngân hàng tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.
Lãnh đạo Ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.
Dự kiến, năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.
Cổ tức chia chưa cũng còn đó, hay nói cách khác “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, nên mong cổ đông thông cảm và chờ đợi sau tái cấu trúc.
Vì sao giá cổ phiếu STB của Sacombank giảm trong tháng 3/2022?
Ông Dương Công Minh: Đây là diễn biến chung của thị trường cũng như giá cổ phiếu của Ngân hàng nói riêng.
Đến cuối năm 2021, lãi dự thu của Sacombank khoảng 6.000 tỷ đồng, khi nào thì Ngân hàng sẽ thoái lãi dự thu này?
Trong quý vừa qua, Sacombank đã trích lập cho khoản dự thu này là 2.600 tỷ đồng và phần còn lại sẽ được trích lập, hoàn tất trước trong quý III/2022.
Cuối năm 2021, Sacombank đã tái ký hợp tác với đối tác là công ty bảo hiểm, không biết doanh thu có gia tăng?
Con số doanh thu của hợp đồng này rất lớn, song do các điều khoản bảo mật nên Ngân hàng không thể thông tin.
Tuy nhiên, nếu theo dõi báo cáo tài chính của Sacombank trong năm qua thì có thể thấy rõ, nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng đem lại doanh thu lớn, đóng góp tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của Ngân hàng.
Hiện cho vay bất động sản chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng dư nợ của Sacombank? Khoản nợ liên quan đến FLC?
Dư nợ cho vay bất động sản của Sacombank hiện nay chiếm khoảng 22% trong tổng dư nợ của Ngân hàng. Trong đó, có đến 60% là cho vay mua nhà.
Sacombank đã cho vay FLC tầm trên 5.000 tỷ đồng (trong đó FLC là 3.200 tỷ đồng và đã thu hồi được 2.600 tỷ đồng). Phần còn lại là của Bamboo Airways.
Trong tình hình dịch bệnh đồng hành cùng với hàng không, du lịch, Ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp, khoản vay tốt. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là một số dự án và cổ phiếu của Bamboo Airways.
Đến nay, Sacombank đã xử lý, thu hồi được khoảng 2.600 tỷ đồng và đều có tài sản đảm bảo, nên cũng không có gì đáng lo ngại. Trong vòng 1 tháng nữa sẽ hoàn tất các khoản nợ của FLC và phía đối tác rất hợp tác với Ngân hàng trong việc trả nợ.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Sacombank đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%.
Đặc biệt nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu.
Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, theo bà Diễm, Sacombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu.