ĐHĐCĐ PVTrans (PVT): Doanh thu quý I/2025 ước tính 2.800 tỷ đồng, tăng 8%

ĐHĐCĐ PVTrans (PVT): Doanh thu quý I/2025 ước tính 2.800 tỷ đồng, tăng 8%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 15/4, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT – sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 4.699 tỷ đồng và tiếp tục kế hoạch mở rộng đội tàu.

Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng giám đốc nhận định, năm 2025, thị trường vận tải dầu thô được kỳ vọng duy trì sự ổn định nhờ nguồn cung tàu tăng trưởng chậm và khả năng OPEC+ nới lỏng hạn ngạch khai thác. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải có thể chịu áp lực từ việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển, trong khi nguồn cung từ các nước ngoài OPEC+ tiếp tục tăng. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số quốc gia xuất khẩu dầu đã khiến nhiều tàu dầu thô bị đưa vào danh sách hạn chế, chiếm khoảng 12% tổng công suất đội tàu toàn cầu. Điều này có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp vận tải.

Thị trường dầu sản phẩm năm 2025 dự báo sẽ đối mặt với áp lực giảm do tăng trưởng đội tàu vượt xa nhu cầu vận chuyển, khiến nguồn cung tàu dư thừa. Bên cạnh đó, nếu căng thẳng tại Biển Đỏ hạ nhiệt, nhu cầu đối với các tuyến vận tải dài có thể giảm, gây áp lực lên giá cước. Các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng tạo ra những biến động trong dòng chảy thương mại, buộc các nhà máy lọc dầu Trung Quốc và Ấn Độ phải điều chỉnh nguồn cung thay thế từ các khu vực khác, dẫn đến những tác động đa chiều lên giá cước.

“Giữ vững thị phần vận tải nội địa, vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu dầu thô đầu vào, sản phẩm đầu ra của nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và các khách hàng khác theo các hợp đồng ký kết; bám sát tình hình biến động của thị trường vận tải để mở rộng quy mô, phát triển thương hiệu vận tải của PVTrans trên các tuyến vận chuyển quốc tế; quản lý, vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả và đảm bảo không để xảy ra sự cố dừng sản xuất tàu FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng và giàn CPP cho Idemitsu tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt”, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT chia sẻ thêm về định hướng kinh doanh trong năm 2025.

Trong năm 2025, PVTrans đặt kế hoạch doanh thu 10.300 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến 960 tỷ đồng, bằng 65,3% so với thực hiện trong năm 2024.

PVTrans vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024

PVTrans vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024

Được biết, PVTrans có lịch sử lên kế hoạch thận trọng và sẽ vượt kế hoạch kinh doanh vào cuối năm. Trong đó, riêng năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 12.302,5 tỷ đồng, hoàn thành 140% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.469,6 tỷ đồng, hoàn thành 193% so với kế hoạch lãi 760 tỷ đồng.

Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2025, PVTrans lên kế hoạch đầu tư 3.551 tỷ đồng. Trong đó, 3.525 tỷ đồng đầu tư tàu; và còn lại 26 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định và đầu tư góp vốn vào đơn vị thành viên.

PVTrans cho biết thêm, Công ty dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp bao gồm đầu tư 1 tàu dầu sản phẩm MR với trọng tải từ 45.000-55.000 DWT hoặc 1 tàu hàng rời với trọng tải từ 25.000 – 75.000 DWT, tổng vốn đầu tư 29 triệu USD; dự án chuyển tiếp đầu tư 2 tàu dầu sản phẩm MR với trọng tải từ 45.000 – 55.000 DWT hoặc 1 tàu dầu Aframax với trọng tải từ 80.000 – 120.000 DWT, tổng vốn đầu tư 52 triệu USD; và dự án đầu tư mới là đầu tư 1 tàu size lớn LNG/VLGC hoặc 1 đến 3 tàu (tầu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hoá chất) với trọng tải từ 19.000 đến 140.000 DWT, tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.

Trong năm 2024, PVTrans đã đầu tư tổng cộng thêm 8 tàu mới, bao gồm các loại tàu dầu sản phẩm, tàu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời. Hiện tại, PVTrans đang sở hữu đội tàu 58 chiếc với tổng trọng tải đạt trên 1,6 triệu DWT, giữ vững vị thế là đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh cho biết, công tác đầu tư rất quan trọng, đúng xu hướng và giá phù hợp thì vài năm sau có thể kiếm lời và trong những năm qua, các tàu Công ty đầu tư có lãi ngay năm đầu tiên khai thác. Trường hợp đầu tư sai thì 5 -10 năm sau vẫn chưa xử lý chưa được dù tiết giảm chi phí tốt mấy cũng không bù đắp được.

"Thời gian qua việc đầu tư các tàu đều tốt, có hiệu quả trong các năm đầu tiên. PVTrans tranh thủ đầu tư tàu từ thời điểm đáy của thị trường vận tải 2019-2020 đến nay", ông Việt Anh nhấn mạnh thêm.

Về kế hoạch trả cổ tức, PVTrans thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2024 với tỷ lệ 32%, tương ứng phát hành thêm hơn 113,9 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 3.569 tỷ đồng lên 4.699 tỷ đồng.

Phần thảo luận:

Chủ tịch Phạm Việt Anh trả lời tất cả câu hỏi của cổ đông tại phần hỏi đáp.

Nếu chính sách thuế quan đối ứng được áp dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Đối với thuế đối ứng từ Mỹ, diễn biến này tác động lên nhiều ngành nghề và có thể gây khủng hoảng toàn cầu, hầu hết doanh nghiệp đều lo lắng suy nghĩ.

Chúng tôi cũng có nghiên cứu, vừa cập nhật vừa điều chỉnh để có giải pháp phù hợp, kiên định với các mục tiêu đầu tư và kinh doanh, công tác kiểm soát rủi ro. Nhưng trong nguy có cơ, trong bối cảnh biến động vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) sẽ hình thành các chuỗi giá trị để các doanh nghiệp thành viên tận dụng chẳng hạn PVTrans sẽ tập trung vận chuyển than cho nhà máy Sông Hậu, dầu cho Nghi Sơn, hay phát triển mảng logistics về cảng cạn/cảng bên ngoài.

Chiến lược đầu tư?

Ngay đầu năm nay, PVTrans có kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, tổng giá trị đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, đầu tư khoảng 3-6 tàu. Tuy nhiên, ngay ra Tết, Công ty đã họp và tìm ra thứ tự ưu tiên, đánh giá triển vọng và đưa ra phân khúc phù hợp. Trong đó, đầu tiên, Công ty có đầu 1-2 tàu Aframax, tiếp theo tàu gas, tàu hoá chất.

Nếu không có gì bất ổn, Công ty có thể đầu tư 7-8 tàu trong năm 2025. Thời điểm hiện tại còn nhiều biến động và không chắc chắn, do đó Công ty thận trọng, bởi nếu vội vàng rất nguy hiểm.

Được biết, đội tàu của PVTrans đang rất đa dạng, tàu chở gas chiếm 31%, tàu hoá chất chiếm 31%, tàu hàng rời chiếm 19%, tàu sản phẩm chiếm 10%, còn lại là các loại khác

Về vấn đề thoái vốn đơn vị thành viên?

Về cơ bản, Công ty không có kế hoạch thoái vốn công ty nào trong năm 2025.

Kế hoạch kinh doanh quý I/2024 của PVTrans?

Quý I/2025, Công ty chưa bị tác động bởi thuế quan, doanh thu ước tính 2.800 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ, lợi nhuận tương đương với cùng kỳ.

PVTrans đã làm gì chuẩn bị kịch bản khó khăn trong thời gian tới?

Đối với ngành vận tải, PVTrans đã dự báo trước giai đoạn 2024-2025 sẽ suy giảm, vì vậy trong giai đoạn gần đây từ năm 2023-2024, Công ty đã rất thận trọng trong đầu tư, cân nhắc dựa trên số lượng tàu đóng mới, lượng tàu thanh lý và cung cầu thị trường.

Trong đó, cuối năm 2024, lượng tàu đóng mới hiện tại đang tập trung vào phân khúc tàu LNG và tàu container nhưng lượng đặt tàu đóng mới các phân khúc tàu chở dầu, hoá lỏng, tàu hàng rời chiếm tỷ lệ không lớn.

“Thị trường vận tải có suy giảm nhưng vẫn ở mức cao và không quá khó khăn. Tất cả doanh nghiệp trong Tập đoàn đang cập nhật tình hình chung, tích luỹ tài chính, cắt giảm chi phí. Trong đó, trước đây đẩy khấu hao nhanh nhưng nếu thị trường khó sẽ giãn thời gian khấu hao để đảm bảo hiệu quả; một số chi phí sửa chữa lớn đã tính trước tới hơn 300 tỷ đồng; Công ty đã dự phòng khó khăn, sắp tới có thể tiết giảm chi phí để thích ứng với khó khăn”, ông Việt Anh nhấn mạnh thêm về các giải pháp đã chuẩn bị trước kịch bản nếu thị trường khó khăn.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình được thông qua.

Tin bài liên quan