Chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh Covid tác động khiến giá dầu thô giảm hơn 80% so với thời điểm đầu năm, xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua khiến giá dầu trong nước giảm mạnh. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh khoảng 20%.
“PVOIL chịu tác động kép từ hai yếu tố trên”, ông Đỗ Mạnh Bình, Trưởng ban Kế hoạch PVOIL trình bày trước đại hội.
Theo ông Bình, hiện giá bán lẻ đang ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Giá bán lẻ giảm tới 50% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, trong khi PVOIL vẫn phải duy trì lượng hàng tồn kho theo quy định. Phải mua vào khi giá cao và bán ra khi giá thấp, dẫn đến khoản lỗ tồn kho nặng nề, cùng với sản lượng kinh doanh sụt giảm tới 20% so với kế hoạch, dẫn đến giá thành tăng, nên lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất bị âm 435 tỷ đồng.
Số lỗ này là không nhỏ, nhưng nếu đưa về mặt bằng chung của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cả nước, thì số lỗ này chỉ tương đương với hơn 50% số lỗ của doanh nghiệp có cùng quy mô và sản lượng kinh doanh.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL phân tích, PVOIL hạn chế tối đa tổn thất giai đoạn vừa qua do quản lý rất tốt hàng tồn kho, thực hiện mua nhanh bán nhanh tồn kho hợp lý nên lỗ tổn khó giai đoạn vừa qua khá thấp.
“Chúng tôi cũng có kế hoạch gia tăng tồn kho khi giá lên nhưng cũng phải rất thận trọng để tránh việc bắt đáy thành bắt dao rơi. Tồn kho vẫn phải ở mức hợp lý để trường hợp giá dầu đảo chiều thì thiệt hại có thể kiểm soát được”, ông Dương cho biết.
Với phương châm “thắt lưng buộc bụng”, PVOIL xây dựng và thực hiện triệt để kế hoạch tiết giảm chi phí: giãn, giảm các chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tất cả lãnh đạo và người lao động cùng đồng thuận giảm lương tháng tới 25% nhằm chia sẻ khó khăn với công ty. Sau 4 tháng, Công ty mẹ - Tổng công ty tiết giảm được gần 100 tỷ đồng, tương đương với 24% kế hoạch chi phí. Đây là mức tiết giảm vượt xa so với mục tiêu đặt ra là giảm 16%.
Năm 2020, PVOIL trình ĐHĐCĐ kế hoạch doanh thu 32.200 tỷ đồng tạm tính theo giá dầu thô 60 USD/thùng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, bằng 88% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 2%/vốn điều lệ.
PVOIL đặt ra các giải pháp tổng thể nhằm vượt khó và tìm cách phục hồi sau dịch. Cụ thể, tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu đến đông đảo khách hàng về giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu. Đây vừa là sản phẩm dịch vụ mang tính cạnh tranh riêng có của PVOIL, vừa là giải pháp giúp cho khách hàng hạn chế tiếp xúc tiền mặt, cũng là hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do đó, mặc dù sản lượng bán hàng qua các kênh tiêu thụ bị sụt giảm, nhưng PVOIL vẫn khai thác hiệu quả các thế mạnh kinh doanh của mình. Sản lượng bán hàng cho khách hàng công nghiệp trong quý I/2020 đạt 109% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng qua PVOIL Easy (thanh toán điện tử sử dụng mã QR trên điện thoại di động cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân) trong tháng 3/2020 vẫn đạt trung bình 146 m3, tăng gần 12% so với tháng 12/2019 (132 m3).
Theo PVOIL, trong tháng 4, tháng kinh doanh tệ hại nhất, thì sản lượng bán qua kênh PVOIL Easy không thấp hơn tháng 12, khoảng 135 m3. Sang tháng 5, sản lượng bán qua kênh này tăng vọt đạt 174 m3.
Đây là cơ sở để PV OIL tập trung gia tăng sản lượng và tỷ trọng bán vào các kênh tiêu thụ trực tiếp (cửa hàng xăng dầu và khách hàng công nghiệp).
Ông Cao Hoài Dương chia sẻ, trong tháng 5, khi giảm giãn cách xã hội, PVOIL đã ghi nhận sự phục hồi sản lượng, nhưng vẫn chưa lấy lại được phong độ như trước đó, nên tháng 5 sản lượng sụt giảm khoảng 7%. Dự báo cả quý II, sản lượng giảm khoảng 12%.
PVOIL xây dựng 2 kịch bản: Nếu dịch bệnh ổn định trở lại trong quý III thì sản lượng tiêu thụ phục hồi dần trở lại. Đặc biệt, du lịch ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ xăng dầu bởi lượng bán cho các xe chở khách du lịch sụt giảm rất mạnh. Nếu du lịch hồi phục thì tiêu thụ tích cực, nhưng dự báo sản lượng cả năm vẫn giảm 8-10%.
Trong kịch bản xấu, nếu dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, thì sản lượng PVOIL giảm 18%.
"Đây là con số rất kinh khủng", ông Dương nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc PVOIL sẽ thoái vốn khỏi PETEC, ông Dương cho biết, Tổng công ty đang ở trong giai đoạn trao đổi thông tin với PV GAS - bên muốn mua vốn góp của công ty tại PETEC. Quá trình thoái vốn sẽ tuân thủ quy trình thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần.
PVOIL và PV GAS đang rất khẩn trương để chốt lại thương vụ này, nhưng theo đúng thủ tục, các bước đấu giá thì giao dịch này có thể kết thúc vào cuối năm nay. Giao dịch thành công sẽ mang lại khoản thu không nhỏ cho công ty.
Cổ đông hỏi về việc giao khoán chỉ tiêu cho cây xăng? Ông Dương cho biết, PVOIL có giao chỉ tiêu khoán cho các cây xăng về chi phí, sản lượng và lợi nhuận. tuỳ đặc thù thị trường mỗi địa phương có mức khoán khác nhau.
Cổ đông khác chất vấn, năng lực của Tổng công ty còn lớn, có vẻ như chưa khai thác hết để gia tăng hiệu quả. Ông Dương trả lời, để tận dụng tiềm năng của PVOIL liên quan đến cơ cấu sở hữu. Trong phương án cổ phần hoá được Nhà nước phê duyệt, thì sở hữu nhà nước tại PVOIL giảm xuống dưới 35%. HIện nay, PVOIL vẫn đang trong quá trình thoái vốn nhà nước do quyết toán cổ phần hoá vẫn chưa xong.
Để phát huy năng lực kinh doanh của công ty thì cần cởi trói về sở hữu nhà nước để linh hoạt hơn. Ngoài ra, PVOIL đang trình kế hoạch tái cấu trúc các công ty con, gộp một số công ty nhỏ lại để giảm chi phí, giảm đầu mối tránh chống lấn về thị trường. Từ 21 đầu mối là công ty con kinh doanh xăng dầu sẽ giảm xuống chỉ còn 13 công ty con.
Đáng lưu ý, tại ĐHĐCĐ lần này, PVOIL trình sửa đồi điều lệ để kinh doanh nhiên liệu hàng không. Ông Dương cho biết, thời gian qua, thị trường nhiên liệu hàng không tăng vọt do có nhiều hãng hàng không tham gia trong khi mới chỉ có 2 nhà cung cấp chính của Vietnamairline và Petrolimex, nên vẫn còn dư địa cho PVOIL.
PVOIL có nhiều kho xăng trải khắp cả nước, nhiều kho thuận lợi cho cung cấp xăng đến sân bay. Hơn nữa, PVOIL có “anh em một nhà” là nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn, nhà cung cấp nhiên liệu hàng không lớn. Tuy nhiên, việc xin giấy phép kinh doanh ngành nghề này cũng không đơn giản.
Một khó khăn trong thực hiện kế hoạch năm 2020 là nhà máy Bình Sơn dừng bảo dưỡng định kỳ. PVOIL đã có kế hoạch tăng tồn kho, tìm đấu mối cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng cho hoạt động kinh doanh.