ĐHĐCĐ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD): Cổ đông chất vấn về khoản chi phí quản lý 20 tỷ đồng trả cho công ty mẹ

ĐHĐCĐ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD): Cổ đông chất vấn về khoản chi phí quản lý 20 tỷ đồng trả cho công ty mẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 22/04, CTCP Phân phối Tổng hợp Dầu khí (mã PSD) đã tổ chức ĐHĐCĐ và thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 24% so với thực hiện năm 2024.

Ông Vũ Tiến Dương, tân Chủ tịch HĐQT PSD (được bổ nhiệm tại đại hội sau khi ông Trần Quang Huy xin từ nhiệm) thông tin, trong quý I/2025, Công ty ghi nhận doanh thu đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tương ứng khoảng 20% so với kế hoạch cả năm; lợi nhuận đạt 28 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Thực tế, lợi nhuận 3 tháng đầu năm có thể đạt cao hơn, nhưng do Công ty đầu tư khá là nhiều cho cái đội ngũ của Samsung để chuyển đổi mô hình khiến lợi nhuận chưa tăng trưởng mạnh.

Trước đây, PSD hợp tác với Samsung theo mô hình dịch vụ fulfillment – tức là điện thoại được chuyển về kho của PSD, sau đó Công ty đảm nhiệm việc giao hàng cho các nhà bán lẻ và nhà phân phối sỉ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2025, Samsung đã chuyển sang mô hình phân phối (distributor) thực thụ. Theo đó, PSD sẽ trực tiếp mua hàng từ Samsung và bán ra thị trường. Điều này giúp biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi mức độ đầu tư lớn hơn, cả về hệ thống và nguồn lực bán hàng.

“Tuy vậy, đây sẽ là tiền đề tăng trưởng cho các quý và năm sau của PSD. Chúng tôi cũng tự tin cho kế hoạch kinh doanh năm nay của Công ty”, ông Dương nói.

Phiên thảo luận do ông Vũ Tiến Dương giải đáp:

Chia sẻ thêm về cơ cấu doanh thu của PSD trong năm nay?

Về cơ cấu doanh thu theo mảng trong năm nay, lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) chiếm khoảng 55–60%, mảng điện thoại di động chiếm khoảng 30–35%, còn lại mảng điện tử tiêu dùng (CE) đóng góp khoảng 10%.

Trong bối cảnh chính sách thuế quan có thể diễn biến không thuận lợi, mức tiêu dùng trong năm nay nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng. Vậy Công ty có định hướng ứng phó và điều chỉnh chiến lược kinh doanh như thế nào?

Năm nay, Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh mảng B2B, tức mảng dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến đầu tư công. Trong hai năm vừa qua, hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp nhìn chung sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay xu thế chuyển đổi số đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư trở lại, đặc biệt là từ các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp lớn. Đây chính là cơ hội để Công ty mở rộng thị phần trong lĩnh vực dự án.

Mới đây, Công ty đã ký kết một dự án trị giá 42 tỷ đồng, và trong thời gian tới dự kiến sẽ triển khai thêm nhiều dự án lớn, có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên. Đây là nguồn tăng trưởng tiềm năng ngoài mảng B2C. Tùy theo tình hình từng giai đoạn, Công ty sẽ linh hoạt phân bổ nguồn lực và vốn đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả.

Định hướng năm 2025, PSD sẽ tập trung vào phát triển thương hiệu Samsung và mở rộng mảng bán lẻ. Vậy nếu kịch bản thuế quan xấu xảy ra thì định hướng này có bị ảnh hưởng không?

Theo dự báo, nhu cầu của thị trường trong năm 2025 có thể giảm từ 5 - 10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ICT, đặc biệt là IT, có sự sụt giảm, Công ty sẽ tập trung vào việc lấy thị phần từ các nhà phân phối khác. Hiện tại, PSD đã đạt được thị phần trên 30% và con số này dự kiến sẽ tăng lên.

Trong mảng điện thoại, các thương hiệu Trung Quốc đã nổi lên mạnh mẽ trong những năm gần đây (2023 - 2024), dẫn đến việc thị phần của Samsung bị ảnh hưởng. Dù nhu cầu có thể giảm 5% hay 10%, nhưng nếu PSD làm tốt về mặt thị trường, giá cả, định giá và thương hiệu, thì hoàn toàn có thể lấy lại thị phần từ nhà bán Trung Quốc.

Về khoản chi phí quản lý phát sinh 20 tỷ đồng PSD chi trả cho Công ty mẹ Petrosetco (PET) trong năm nay, đây là chi phí gì?

Thực tế, khoản phí quản lý công ty mẹ thu từ các công ty con trong Tập đoàn PET đã được áp dụng từ nhiều năm trước. Riêng năm 2023, do tình hình thị trường khó khăn chung nên PET không thực hiện thu khoản phí này. Tuy nhiên, ở các năm trước đó, Công ty vẫn duy trì việc thu phí quản lý từ các đơn vị thành viên, trong đó có PSD và đây được coi là khoản phí thường niên. Những chi phí này bao gồm, chẳng hạn như: chi phí bảo lãnh ngân hàng, tổ chức team building, chi phí vận hành server chung...

Theo báo cáo thường niên năm 2024, khối kho vận dường như không còn được ghi nhận. Nguyên nhân cụ thể của sự thay đổi này là gì?

Petrosetco đang từng bước vận hành theo hướng chuyên nghiệp hơn, với mục tiêu tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Trước đây, tại PSD, các hoạt động như kho vận, kinh doanh và các mảng khác được tích hợp chung trong một đơn vị. Tuy nhiên, trong mô hình tổ chức của tập đoàn, mảng logistics – bao gồm kho vận, vận chuyển và giao nhận hàng hóa – được tách riêng và giao cho Công ty Dịch vụ Logistics Dầu khí (PSL) phụ trách.

Việc chuyển toàn bộ khối kho vận từ PSD sang PSL nhằm mục tiêu tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính chuyên môn hóa trong từng mảng hoạt động.

Theo kế hoạch, PVN sẽ thoái vốn PET vào năm 2025. Điều này có ảnh hưởng gì đến hoạt động của PSD?

Các cổ đông theo dõi Petrosetco lâu năm có lẽ đều quen thuộc với câu chuyện thoái vốn của PVN khỏi những công ty không thuộc lĩnh vực cốt lõi. Đây là chủ trương đã được đặt ra từ hơn 10 năm trước và Petrosetco cũng đã chuẩn bị cho quá trình này trong thời gian dài.

Năm 2025 có thể sẽ là thời điểm quyết định cho tiến trình thoái vốn này. Petrosetco vốn là doanh nghiệp mang tính thị trường cao, có thể nói là một trong những đơn vị thị trường hóa mạnh nhất trong Tập đoàn. Các hoạt động kinh doanh của công ty phần lớn tập trung vào thị trường bên ngoài, chứ không phụ thuộc nhiều vào các đơn vị trong ngành.

Trong hệ sinh thái PVN, mảng dịch vụ suất ăn là hoạt động có tỷ lệ phục vụ nội ngành cao nhất, tuy nhiên, mảng này không nằm trong phạm vi hoạt động của PSD. Do đó, việc PVN thoái vốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của PSD.

Vừa qua, HĐQT PSD cũng tham gia đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán với tổng số vốn tối đa 50 tỷ đồng. Đến nay Công ty đã giải ngân chưa?

Công ty đã có giải ngân một phần nhỏ cho hoạt động đầu tư tài chính. Tuy nhiên, đây là quá trình được cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên cơ hội cụ thể của thị trường.

Cá nhân tôi không phải là người chuyên đầu tư chứng khoán, nhưng khi nhận thấy thị trường giảm sâu hơn mức bình quân, đó có thể là cơ hội để đầu tư nhằm kiểm soát rủi ro và tối ưu dòng tiền.

Dĩ nhiên, đầu tư chứng khoán luôn tiềm ẩn rủi ro và không thể nói chắc điều gì, nhưng nếu có thể chủ động nhận diện thời điểm phù hợp thì việc tham gia cũng có thể mang lại hiệu quả tốt hơn. Đây không phải là hoạt động diễn ra thường xuyên, nhưng chúng tôi vẫn duy trì một mức độ linh hoạt nhất định để tìm kiếm cơ hội.

Tình hình lãi/lỗ của khoản đầu tư trên tính đến thời điểm hiện tại?

Sau khi thị trường giảm sâu 4 phiên do ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng của Mỹ thì PSD cũng mới tham gia đầu tư, gần như là đáy. Do đó, dù thời điểm đến hiện tại thị trường có suy giảm vài phiên, nhưng tỷ suất lợi nhuận Công ty vẫn còn khá là tốt. Công ty sẽ giải ngân dần khoản đầu tư 50 tỷ đồng này mà không phải giải ngân một lúc.

Tin bài liên quan