ĐHĐCĐ MSB: FCCOM tiếp tục lại được "chào hàng" đối tác nước ngoài mới

ĐHĐCĐ MSB: FCCOM tiếp tục lại được "chào hàng" đối tác nước ngoài mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên quan đến phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết, với lợi nhuận hợp nhất 5.088 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ trích 5% quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% quỹ dự phòng tài chính, tỷ lệ chia cổ tức là 30%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức sáng 25/4, trước câu hỏi liên quan đến tiến độ bán công ty tài chính FCCOM hiện nay như thế nào, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong năm 2021, ĐHĐCĐ ngân hàng đã thông qua việc thoái vốn tại FCCOM. MSB đã làm việc với một đối tác Nhật Bản và ký kết giai đoạn đầu với giá trị thương vụ là trên 2.000 tỷ đồng.

“Song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu đều bị ảnh hưởng. Do đó, đối tác nước ngoài đã xem xét lại thương vụ này. Hiện tại, MSB đang tiếp xúc với hai đối tác nước ngoài khác có quan tâm. Giá trị thương vụ tại thời điểm hiện tại không khác nhiều so với đối tác Nhật Bản dự kiến trả cho Ngân hàng”, ông Linh cho biết.

Được biết, FCCOM có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của FCCOM là 358 tỷ đồng, doanh thu đạt 151 tỷ đồng trong năm. Lợi nhuận trước thuế là 1,97 tỷ đồng, lãi sau thuế là 0,98 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề hợp vốn FCCOM với MSB, ban lãnh đạo Ngân hàng tiết lộ, trong năm 2021, FCCOM đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm giấy phép hoạt động ngoài chức năng tiêu dùng cá nhân. Do đó, FCCOM có thêm 30% tổng dư nợ để phát triển sang các mảng khác và cần bộ phận quản trị của MSB rà soát. Các hoạt động cho vay ngoài giao dịch tiêu dùng cần MSB quản trị rủi ro nên có phần hợp tác của MSB trong các hoạt động đó.

Thông tin tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo MSB cho biết, Ngân hàng không có bất kỳ dư nợ nào đối với FLC tính đến thời điểm này, kể cả một số tên tuổi khác như Tân Hoàng Minh cũng không có.

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2022 như phương án tăng vốn điều lệ, phát hành ESOP và đồng thời bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới. Theo đó, Ngân hàng đưa ra kế hoạch mục tiêu tương đối khả quan với kỳ vọng bối cảnh kinh kế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm 2021, tổng tài sản đạt 233 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 25% (tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát với mục tiêu kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.

Được biết, các chỉ tiêu 2022 được xây dựng dựa trên sức mạnh nền tảng chiến lược đã được Ngân hàng củng cố những năm gần đây và đồng thời dựa trên kết quả khả quan của năm trước đó.

Với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo quản trị rủi ro theo các tiêu chuẩn cao nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường ngân hàng và hướng tới vị thế các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, ĐHĐCĐ MSB cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 bằng việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 30%. Theo đó, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng lên gần 20.000 tỷ đồng.

Ngân hàng sẽ phát hành gần 458,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ chia dự kiến là 30%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.582,5 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để chia cổ tức và tăng vốn sau khi trích lập đầy đủ các quỹ theo Báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), dự kiến thực hiện sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 142,5 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành ESOP.

Thành viên Hội đồng quản trị MSB nhiệm kỳ mới 2022-2026

Thành viên Hội đồng quản trị MSB nhiệm kỳ mới 2022-2026

ĐHCĐ đã đồng thuận thông qua số lượng thành viên của HĐQT gồm 7 thành viên gồm: Ông Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Hoàng An, bà Nguyễn Thị Thiên Hương, ông Trần Xuân Quảng, ông Nguyễn Hoàng Linh, bà Lê Thị Liên, ông Tạ Ngọc Đa (thành viên độc lập). Ban Kiểm soát gồm 03 thành viên: Bà Phạm Thị Thành, bà Lê Thanh Hà, bà Chu Thị Đàm.

Năm 2022, MSB tập trung vào 5 chiến lược chính bao gồm: khai thác chuỗi và hệ sinh thái, thấu hiểu khách hàng, tinh gọn và số hoá, nâng cao hiệu suất bán hàng, ứng dụng big data và phân tích tính năng cao. Đặc biệt, dự án Nhà máy số của ngân hàng được đầu tư với nguồn ngân sách 2.000 tỷ đồng cho đến 2025, trong đó dự kiến giai đoạn 2021-2022 sẽ đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.

Tin bài liên quan