ĐHĐCĐ Hoá chất Cơ bản Miền Nam (CSV): Hoàn tất di dời 3 nhà máy về Nhơn Trạch vào cuối 2029

ĐHĐCĐ Hoá chất Cơ bản Miền Nam (CSV): Hoàn tất di dời 3 nhà máy về Nhơn Trạch vào cuối 2029

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vấn đề được cổ đông của CTCP Hoá chất Cơ bản Miền Nam (mã CSV) quan tâm nhất trong đại hội sáng 23/04 là việc di dời 3 nhà máy CSV từ KCN Biên Hòa về KCN Nhơn Trạch 6, Đồng Nai. 

Ông Lê Thanh Bình, Tổng giám đốc CSV cho biết, trong năm nay, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hợp nhất đạt 1.640 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 261 tỷ đồng (không tính cổ tức từ công ty con là 15 tỷ đồng), lần lượt tăng 3% và 13% so với kết quả năm 2023.

Ban lãnh đạo CSV cho rằng, một số khó khăn trong năm nay sẽ đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất. Giá bán các sản phẩm NaOH, HCl trên thị trường tiếp tục giảm thời gian qua dự kiến sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác của Công ty như H3PO4, H2SO4... cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu giá rẻ và các công ty sản xuất trong nước. Một số ngành sản xuất trong nước chưa có dấu hiệu hồi phục như ngành thép, chitin... Mặt khác, do nhu cầu tiêu dùng giảm nên các ngành hóa mỹ phẩm và hóa chất khác cũng giảm sản xuất. Xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

Năm nay, Công ty có kế hoạch phát hành 66,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 150 cổ phiếu phát hành thêm). Tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 663 tỷ đồng. Nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc VCSH (theo BCTC kiểm toán 2023) và một phần quỹ đầu tư phát triển trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2023.

Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng từ 442 tỷ đồng lên 1.105 tỷ đồng, tương ứng tăng 150% vốn điều lệ.

Ông Lê Thanh Bình, Tổng giám đốc CSV

Ông Lê Thanh Bình, Tổng giám đốc CSV

Phần thảo luận do ông Nguyễn Tuấn Dũng, Chủ tịch HĐQT CSV và ông Lê Thanh Bình, Tổng giám đốc giải đáp

Với việc di dời 3 nhà máy của Công ty từ KCN Biên Hòa sang KCN Nhơn Trạch 6, tỉnh Đồng Nai, Công ty có kế hoạch gì để duy trì hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng?

Ông Lê Thanh Bình: Chúng tôi xây dựng kế hoạch từng bước, di dời từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ đưa rời trước dây chuyền 20.000 tấn về Nhơn Trạch, trong khi đó nhà máy tại Biên Hoà 1 vẫn còn 30.000 tấn tiếp tục hoạt động. Đến khi nhà máy Nhơn Trạch đi vào hoạt động thì chúng tôi sẽ tiếp tục di dời để khi nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ chấm dứt nhà máy cũ. Làm như thế hoạt động sản xuất của Công ty mới liên tục và có nguồn tiền nuôi nhà máy mới đạt hiệu quả.

Để giảm rủi ro và tăng tính cạnh tranh, Công ty có dự định thay đổi công nghệ hay đầu tư mới?

Ông Lê Thanh Bình: Công nghệ sản xuất xút hiện là công nghệ mới nhất, chưa có công nghệ mới nào để thay thế công nghệ đó. Khi nhà máy Nhơn Trạch ổn định, sẽ căn cứ vào thị trường xem xét để nâng công suất.

Đối với CTCP Phốt Pho Việt Nam, Công ty có thoái vốn năm 2024?

Ông Lê Thanh Bình: Hiện nay, hoạt động kinh doanh đang thuận lợi, nên Công ty chưa có ý định thoái vốn. Cổ tức của Công ty Phốt Pho cũng đóng góp rất lớn. Nguồn tiền chuẩn bị cho dự án di dời cũng có nên vấn đề thoái vốn công ty con CSV chưa có nhu cầu.

Thời gian dự án Nhơn Trạch dự kiến đi vào hoạt động? Dự án đang vướng mắc về quy hoạch, Công ty có thể chia sẻ cụ thể?

Ông Lê Thanh Bình: Theo như tính toán, dự kiến 31/12/2029 mới có thể di dời xong 3 nhà máy về KCN Nhơn Trạch. Chúng tôi đã báo cáo kế hoạch với UBND tỉnh Đồng Nai, đang chờ lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này.

Về vướng mắc quy hoạch, từ năm 2016 Công ty đã xác định buộc phải xác định di dời, nếu ở lại thì chúng tôi không có cơ hội mở rộng và phát triển các sản phẩm mới. Năm 2016, Công ty tìm được thuê đất KCN Nhơn Trạch 6, trong quá trình làm không vướng mắc về thủ tục nhưng khi bắt tay vào làm quy hoạch 500 mới phát sinh lỗi từ các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai và huyện Nhơn Trạch do họ không thống nhất, cập nhật quy hoạch mới.

Sau quá trình làm việc với các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, vừa rồi, quyền Chủ tịch tỉnh đã có công văn gửi các sở ban ngành dựa trên ý kiến, đề xuất của Công ty, nếu quá thời gian, thời hạn thì coi như đồng ý với vấn đề đó nên vấn đề đó sớm muộn được giải quyết nhanh.

Phương án sử dụng vốn trong kế hoạch tăng vốn của Công ty?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Công ty có dự án lớn là Nhơn Trạch, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Làm dự án cần phải vay tiền và lượng vốn đối ứng lớn 30%, tương ứng khoảng 600 tỷ đồng trở lên. Càng nhiều vốn tự có thì càng tốt hơn, nên vốn tăng lên sẽ dùng toàn bộ vốn phục vụ cho việc di dời. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tương đối tốt, vốn cho sản xuất kinh doanh đủ nên chỉ cần vốn cho các dự án đầu tư phát triển, cụ thể là vốn cho dự án di dời nhà máy.

Dự án Nhơn Trạch khi di dời nhà máy sẽ được đền bù một phần, giá trị CSV được đền bù là bao nhiêu?

Ông Lê Thanh Bình: Theo đề án UBND tỉnh, hiện số tiền dự kiến đền bù cho các doanh nghiệp khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng UBND tỉnh đang xin ý kiến, sau đó có những buổi làm việc với doanh nghiệp thì CSV mới biết được hỗ trợ bao nhiêu.

Theo tính toán sơ bộ của CSV từ diện tích đất, hỗ trợ người lao động thì Công ty được đền bù 100 – 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đền bù như vậy không đủ chi phí di dời, lãnh đạo Tập đoàn sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 tương đương năm 2023, với tình hình hiện tại, giá nguyên liệu đang tốt, vì sao kế hoạch thận trọng?

Ông Lê Thanh Bình: Chúng ta xây dựng kế hoạch rất thận trọng tùy nhu cầu và biến động thị trường. Trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh nếu giá lên để tối đa hoá lợi nhuận, chia cổ tức cao cho cổ đông.

Hoá chất Đức Giang (mã DGC) có một số sản phẩm tương tự với CSV, vậy việc phân chia thị phần như thế nào với DGC hay cạnh tranh trực tiếp?

Ông Lê Thanh Bình: Đối với các sản phẩm của Hoá chất Đức Giang, nếu cạnh tranh trực tiếp thì chỉ có sản phẩm axit photphoric. Công ty có nhà máy Đồng Nai làm axit photphoric sản xuất chất lượng cao, hướng đến những khách hàng sử dụng sản phẩm chất lượng cao, còn với với sản phẩm cấp công nghiệp như Hoá chất Đức Giang thì áp lực cạnh tranh không lớn.

Với phốt pho vàng, ngoài thị trường có đến 7 nhà máy sản xuất lớn, bây giờ khách hàng mua phải đi 1 vòng xem xét, nhưng không ai dám phá giá, bán theo mặt bằng giá chung.

Chia sẻ thêm với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bình cho biết, sau khi hoàn tất di chuyển nhà máy, CVS sẽ có cơ sở để phát triển thêm các sản phẩm mới đóng góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Công ty đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ chia sẻ đến cổ đông khi có thông tin mới.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Tin bài liên quan