Lợi nhận sau thuế 2019 tăng mạnh so với 2018
Theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc trình ĐHĐCĐ, Năm 2019, doanh thu thuần của Dược Cửu Long đạt 752 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 79% so với kế hoạch đề ra, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch và tăng 585% so với năm 2018.
Việc suy giảm doanh thu của Dược Cửu Long được lý giải trước hết đến từ mảng đấu thầu ETC năm vừa qua, điều này nằm trong kế hoạch chủ động của Công ty khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng làm ảnh hưởng tới giá vốn, vì vậy Công ty đã chủ động giảm tỷ lệ bán hàng của các nhóm hàng có lợi nhuận thấp và gia tăng nhóm hàng có lợi nhuận tích cực.
Mảng OTC doanh thu cũng chưa đạt kế hoạch, một phần do sự thay đổi về chính sách quản lý kinh doanh của Bộ Y tế đối với một số nhóm thuốc thuộc diện quản lý đặc biệt nên việc bán các sản phẩm này đến nhà thuốc gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, hoạt động không ổn định của Euvipharm trong hơn nửa đầu năm 2019 cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh chung của Dược Cửu Long. Tuy nhiên, cuối tháng 8/2019, DCL đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn sở hữu tại Euvipharm cho JW Pharmaceutical Corporation (Hàn Quốc).
Theo Ban Tổng giám đốc DCL, việc thoái vốn thành công tại Euvipharm mang lại lợi nhuận cho Công ty, cũng như giúp Công ty hoàn nhập các khoản dự phòng và đem về dòng tiền lớn phục vụ các mảng dược phẩm, sản xuất viên nang rỗng và vật tư y tế.
Đồng thời, trong năm vừa qua, Nhà máy Capsule 3 đi vào hoạt động hết công suất 3 ca, giúp Dược Cửu Long đạt được hợp đồng với những công ty sản xuất thuốc tân dược, đông dược lớn trên cả nước, mang tới sự tăng trưởng đáng khích lệ về mặt doanh thu và lợi nhuận cho mảng Capsule.
Đặt kế hoạch lãi 104,5 tỷ đồng, phát hành thêm cổ phiếu
Năm 2020, DCL trình ĐHĐCĐ kế hoạch mục tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần là 844 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế là 104,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 279 tỷ đồng.
Theo kế hoạch này, Dược Cửu Long sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn, tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển của công ty như như mở rộng nhà máy sản xuất viên nang rỗng giai đoạn 4, dự kiến tặng thêm công suất 2,4 tỷ nang/năm; xây dựng mới nhà máy vật tư y tế thông qua Công ty cổ phần Thiết bị y tế Benovas với công suất 480 triệu sản phẩm/năm.
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Dược Cửu Long sẽ tiếp tục tập trung mở rộng và phát triển hệ thống bán hàng, đào tạo nâng cao nhân sự, tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược, có doanh số lớn và lợi nhuận cao hoặc những dòng sản phẩm khác biệt, ít đối thủ cạnh tranh.
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc ủy quyền và giao HĐQT tìm đối tác thực hiện phát hành tăng vốn điều lệ Công ty thêm 25% bằng phương án phát hành thêm cổ phần với không thấp hơn 45.000 đồng/cổ phần.
Liên quan đến nhân sự, ĐHĐCĐ DCL đã thống nhất thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Đỗ Thế Cao, miễn nhiệm chức danh Trưởng ban và thành viên Ban Kiểm soát của ông Phí Xuân Trường kể từ ngày 24/6, ông Đỗ Thế Cao được bầu làm thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ còn lại 2017-2022.