Tại đại hội, cổ đông Cholimex đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 662 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 202 tỷ đồng, đồng loạt tăng nhẹ so với năm 2024.
Cholimex nhận định, năm 2025, kinh tế trong nước sẽ có nhiều tín hiệu tích cực với xuất khẩu tăng mạnh, khu vực sản xuất, chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm căng thẳng địa chính trị kéo dài, nguy cơ Mỹ mở rộng chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu và các đối tác thương mại chính, lãi suất theo đó có thể phải neo ở mức cao dưới áp lực của đồng đô la tăng mạnh.
Chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2025, ông Huỳnh An Trung, Tổng giám đốc CLX cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 166,1 tỷ đồng, hoàn thành 25,09% kế hoạch năm và tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2024; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 56,5 tỷ đồng, hoàn thành 25,22% kế hoạch năm, tăng 8,67% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động đầu tư dự án, trong thời gian tới, Công ty sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện các dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng (56ha), Khu dân cư tái định cư (44ha), Cao ốc 629B-631-633 Nguyễn Trãi. Ngoài ra, Công ty cũng thường xuyên làm việc với các cơ quan nhà nước có liên quan, để thực hiện công việc liên quan đến các dự án khác của Công ty.
Trước lo ngại cổ đông về vấn đề thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Cholimex, ban lãnh đạo CLX giải đáp, hiện nay, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là từ CTCP Thực phẩm Cholimex - Cholimex Food (mã CMF), sang thị trường Nhật Bản. Năm 2024, doanh thu của CMF đạt khoảng 3.850 tỷ đồng, trong đó 30% đến từ xuất khẩu và 70% từ thị trường nội địa; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 8% giá trị xuất khẩu, tương đương 80 tỷ đồng (khoảng hơn 3 triệu USD). Đây là nhóm sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng, dành trực tiếp cho người tiêu dùng. Hiện nay, Công ty đang chờ đàm phán chính sách thương mại kéo dài khoảng 90 ngày, tuy nhiên với quy mô chỉ khoảng 80 tỷ đồng, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ không ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của CMF.
“Về thuế nhập khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ, mức thuế hiện hành là khoảng 10% nhưng không gây tác động lớn đến kết quả hoạt động của mảng CMF, cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn”, ông Trung cho biết.
Cổ đông nêu câu hỏi, Cholimex có mong muốn tăng sở hữu CMF không? Ban lãnh đạo cho biết, hiện tại CMF có nhiều cổ đông lớn, bao gồm: Cholimex chiếm 40,72%, Masan Consumer nắm 32,83%, Nichirei Foods Inc (Nhật Bản) chiếm 19%. Do đó, phần cổ phiếu còn lại bên ngoài thị trường là chưa tới 8% - rất cô đặc.
Hiện tại, tình hình hoạt động của mảng CMF đang rất tích cực. Dự kiến trong năm nay, doanh thu sẽ đạt hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng hơn 300 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng đang triển khai xây dựng nhà máy mới, cho thấy định hướng phát triển dài hạn và bền vững.
“Chính vì vậy, các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu hiện không có xu hướng bán ra. Bên cạnh đó, các cổ đông lớn cũng không thực hiện chuyển nhượng cổ phần ra bên ngoài, nên khả năng tăng tỷ lệ sở hữu là rất hạn chế. Đơn cử như Masan Consumer – hiện đang nắm 32,8% cổ phần – dù rất mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 35%, nhưng nhiều năm qua cũng không thể gia tăng thêm”, ông Trung giải thích.
Một vấn đề khác mà ban lãnh đạo cũng đề cập là hiện nay, Công ty chưa được hoàn tất quyết toán giai đoạn doanh nghiệp nhà nước, bàn giao tài sản chính thức cho công ty cổ phần.
Theo đại diện Cholimex, doanh nghiệp đã hoàn tất toàn bộ thủ tục liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay quá trình cổ phần hóa vẫn chưa khép lại do còn vướng mắc ở các đầu việc thuộc thẩm quyền xử lý của các sở, ngành TP.HCM.
Cụ thể, các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ gồm: đánh giá lại các khoản đền bù liên quan đến đất đai, đánh giá các khoản đầu tư tài chính ra bên ngoài, xác định chi phí cổ phần hóa và ký kết hợp đồng thuê đất đối với các tài sản đã bàn giao sau cổ phần hóa.
Hiện tại, cổ phiếu CLX đang giao dịch tại UPCoM, cổ đông quan tâm việc Cholimex có kế hoạch đưa cổ phiếu trên sàn niêm yết không? Ông Trung giải đáp, theo quy định các doanh nghiệp muốn chuyển sàn phải đáp ứng một số điều kiện bắt buộc, trong đó có quy định báo cáo tài chính được kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên, hiện tại báo cáo kiểm toán của Cholimex đang có hai điểm bị đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Thứ nhất là do quyết toán điều thể đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất. Khi việc quyết toán này hoàn thành, chắc chắn các số liệu trong báo cáo tài chính sẽ có sự thay đổi – có thể phải nộp thêm, điều chỉnh tăng hoặc giảm.
Thứ hai là một số đơn vị có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hợp nhất, như Cholimex Food, chưa kịp hoàn tất báo cáo kiểm toán đúng thời hạn. Tuy nhiên, điểm này có thể khắc phục được và không quá nghiêm trọng.
Tóm lại, với những ý kiến loại trừ trong báo cáo kiểm toán hiện nay, cùng với việc chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc khác, việc chuyển sàn trong giai đoạn này là khó thực hiện.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình được cổ đông thông qua.