ĐHĐCĐ 2024 TPBank (TPB): Chia cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu, quý I/2024 lãi hơn 1.800 tỷ đồng

ĐHĐCĐ 2024 TPBank (TPB): Chia cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu, quý I/2024 lãi hơn 1.800 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã TPB - sàn HOSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thông qua mục tiêu lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, tăng trưởng 34%, đặc biệt là kế hoạch dự kiến chia cổ tức lên tới 25%.

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, Ngân hàng đã bước qua 2023, năm kinh doanh vượt “cơn gió ngược”, bền bỉ tiến lên và vững mạnh ghi dấu nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tổng tài sản năm 2023 của TPBank tăng lên hơn 350.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm, tăng 9% so với năm 2022; cho vay khách hàng vượt mốc 200.000 tỷ đồng - tăng 27%; tổng thu nhập hoạt động năm qua vượt 16.000 tỷ đồng, với đóng góp chính từ thu nhập lãi thuần gần 12.500 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế hơn 5.600 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ ROE gần 14%.

"Đồng hành thiết thực chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, TPBank đã chủ động giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với tổng giá trị hỗ trợ gần 2.000 tỷ đồng", Chủ tịch TPBank cho biết.

Bên cạnh đó, TPBank cũng đạt được các mốc tăng trưởng ấn tượng vào hàng kỷ lục về quy mô. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng tới 34%, vượt mức 47.000 tỷ đồng, góp phần cho việc tăng trưởng 7% về tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Đây vừa là cơ sở để ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn, vừa minh chứng cho năng lực đảm bảo các giao dịch liên tục và thông suốt để khách hàng yên tâm lưu trữ phục vụ hoạt động thanh toán tiêu dùng.

Cũng nhờ chiến lược ngân hàng số sáng tạo và toàn diện, số lượng khách hàng của TPBank năm 2023 đã tăng ở mức kỷ lục trên 3,5 triệu, nâng tổng số khách hàng phục vụ vượt mốc 12 triệu. Chỉ trong 3 năm, TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, gấp đôi tổng số lượng khách hàng của cả 12 năm trước đó.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 đạt hơn 1.800 tỷ đồng

Chia sẻ bên lề Đại hội, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, mục tiêu lợi nhuận năm 2024 của Ngân hàng tăng 34% so với năm trước, tương ứng khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, cũng như các ngân hàng thương mại khác, tín dụng vẫn là một trong những nguồn thu chủ yếu của TPBank. Tuy nhiên, TPBank có lợi thế có được các khoản thu dịch vụ tương đối tốt dù lãi suất thời gian qua hạ nhiều khiến margin giảm nhưng CASA của Ngân hàng tăng giúp TPBank gia tăng được biên lợi nhuận.

Kế hoạch cụ thể, năm 2024 TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước; tổng tài sản TPBank dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng. Với gia tốc và năng lực đáp ứng khách hàng trên nền tảng số, TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng, đạt mốc 15 triệu trong năm 2024.

“Năm 2023 bối cảnh chung xấu hơn so với các năm trước khiến nợ xấu tăng cao, nhưng TPBank trích lập dự phòng gần như đầy đủ giúp gánh nặng nợ xấu giảm bớt trong năm 2024; phần lớn phân khúc rủi ro nhất phần lớn đã trích lập dự phòng đầy đủ, khả năng phát sinh thêm nợ xấu không nhiều, tự tin quản lý chất lượng tín dụng nên khả năng năm nay đạt được lợi nhuận cao và nhiều hơn các năm trước là khả thi”, Tổng giám đốc TPBank nhận định.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Hưng cho biết, các dịch vụ thanh toán của TPBank gần như miễn phí góp phần mang lại lượng khách hàng hoạt động ổn định cho Ngân hàng, phần nào giúp tỷ lệ thu ngoài lãi của Ngân hàng chiếm khoảng 30%, tỷ lệ cao trong số các NHTM.

“Cơ sở khách hàng lớn, khách hàng có lượng tiền gửi nhiều là nền tảng cho lượng CASA lớn góp phần giảm giá vốn tăng nguồn thu ngoài lãi”, ông Hưng nói.

Hiện thực hóa mục tiêu 2024, ngay tại báo cáo tài chính quý I/2024, kết quả kinh doanh của TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 4.700 tỷ đồng. Đặc biệt, bằng sự nhạy bén và nắm bắt tốt thị trường, mảng đầu tư chứng khoán đã mang về lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng khi thu nhập từ mảng này tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch chia cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu

Một trong những điểm đáng chú ý và bất ngờ tại ĐHCĐ là việc thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Là một trong số những ngân hàng tiếp theo thực hiện việc chi trả cổ tức với giá trị cao trong năm 2024, nhưng đây không phải là lần đầu tiên TPBank đem tin vui tới cho cổ đông của ngân hàng. Trước đó, vào tháng 4/2023, TPBank đã chi gần 4.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Tiếp đó, cũng trong năm 2023, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 39,19% từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 là 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 2.561 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Tin bài liên quan