ĐHCĐ VPBank: Nóng chuyện cổ tức và xử lý nợ xấu

ĐHCĐ VPBank: Nóng chuyện cổ tức và xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Chiều nay, tại Metropole, Hà Nội, VPBank tổ chức ĐHCĐ 2015 thông qua kết quả kinh doanh năm 2014 và kế hoạch kinh doanh 2015. 

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thay cho biết, so với năm 2013, tổng tài sản đạt 163.241 tỷ đồng, tăng trưởng 35%; huy động khách hàng đạt 108.354 tỷ đồng, tăng trưởng 29%; dư nợ cấp tín dụng đạt 91.535 tỷ đồng, tăng trưởng 39%, trong đó quy mô cho vay khách hàng đạt 78.379 tỷ đồng, tăng trưởng 49%... 

Lợi nhuận trước thuế đạt 1.608 tỷ đồng, tăng trưởng 19%; các chỉ tiêu sinh lời và hiệu quả sử dụng tổng tài sản ROE đạt 15%, ROA giảm nhẹ xuống 0,88%. Đồng thời, kiểm soát tốt các chỉ số an toàn hoạt động với tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức an toàn, chiếm 2,54% trên tổng dư nợ vào cuối năm 2014. Trong đó, VPBank đã bán 4.000 tỷ đồng khoản nợ cấu trúc và nợ xấu cho VAMC.

"VPBank là 1 trong 3 ngân hàng TMCP có lợi nhuận lớn trên thị trường", ông Vinh nói.

Về quy mô và chất lượng vốn, tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, ông Vinh cho biết, trong năm 2014, VPBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 6.347 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia sổ phiếu thưởng lấy nguồn từ lợi nhuận để lại của năm 2012 và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ lũy kế đến hết năm 2012. Theo phương án đã được ĐHCĐ phê duyệt, trong năm 2014 còn thực hiện đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2013 và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của năm 2013 là 977 tỷ đồng.

“Năm 2014, VPBank dự kiến thực hiện phương án tăng vốn bằng cách chào bán cho cổ đông chiến lược, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài tối đa đến 30%, nhưng vì nhiều lý do của điều kiện thị trường nói chung và các lý do khách quan khác mà việc đàm phán chưa thành công. Do đó, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2014 của VPBank đạt 8.754 tỷ đồng, chưa đạt kế hoạch đề ra”, ông Vinh nói.

Về kế hoạch năm 2015, ông Vinh chia sẻ, VPBank chưa phải là ngân hàng có số lượng khách hàng lớn nhất, dư nợ lớn nhất…, nhưng tổng tài sản sẽ đạt 204.000 tỷ đồng, huy động khách hàng 140.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 118.996 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 101.892 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, nâng cao vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ là nhiệm vụ lớn của 2015 với dự kiến có thêm 5-6.000 tỷ đồng và song song với đó là chấn chỉnh các hoạt động cốt lõi của ngân hàng.

Trong phần thảo luận, vấn đề liên quan đến việc bán nợ cho VAMC được các cổ đông rất quan tâm.
ĐHCĐ VPBank: Nóng chuyện cổ tức và xử lý nợ xấu ảnh 1

Về vấn đề này, ông Vinh cho biết, nợ xấu không phải là vấn đề lớn của riêng hệ thống ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế. Nền kinh tế khó khăn, không thể nói là các ngân hàng nợ xấu ít. NHNN hiện có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là VAMC mua nợ xấu của NHTM. Việc này không phải là để chuyển nợ sang một địa chỉ khác, mà bán nợ xấu giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn tái đầu tư vào nền kinh tế.

Đối với VPBank, nợ xấu hạch toán chính thức theo báo cáo của kiểm toán là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tổng số nợ VPBank đã bán cho VAMC từ năm 2013 đến cuối năm 2014 là hơn 4.300 tỷ đồng. Trong số này, VPBank đã thu được hơn 1.000 tỷ động nợ từ khoản đã bán cho thấy, dù đã bán nợ xong, thì trách nhiệm của ngân hàng vẫn còn.

Kế hoạch năm 2015, dự kiến sẽ thu hồi hơn 2.000 tỷ đọng nợ xấu tiếp cộng với hơn 300 tỷ đồng lãi treo. Nếu kế hoạch này được thực hiện đến cuối năm 2015, VPBank sẽ giảm nợ xấu bao gồm hạch toán cấu trúc từ hơn 6.000 tỷ, xuống hơn 4.000 tỷ đồng. Nhưng cũng không thể tránh được các nợ xấu mới phát sinh và cơ chế của VPBank trong việc kiểm soát rủi ro để đảm bảo nợ xấu phát sinh ở mức thấp nhất.

Đúng như dự đoán, ngoài xử lý nợ xấu, vấn đề cổ tức cũng được các cổ đông rất quan tâm và đặt câu hỏi, nhất là việc Ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, bên cạnh định hướng của NHNN trong việc hạn chế chia cổ tức để tăng cường năng lực tài chính, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt là việc cần thiết phải làm để có nguồn vốn cho việc phát triển. Thực tế, Ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng hình thức cổ phiếu, do vậy, qua các năm, số lượng cổ phiếu của cổ đông tăng dần lên. Dự kiến năm 2015, nếu mời được cổ đông chiến lược tham gia, sẽ hiện thực hóa việc chia cổ tức phần nào bằng tiền mặt.

Đầu tư vào ngân hàng là đầu tư mang tính chất dài hạn, lợi nhuận từ việc đầu tư đã chuyển vào cổ phiếu và tôi cho rằng, số lượng chia lợi nhuận này những năm qua khá tốt so với mặt bằng chung của thị trường. Nếu cổ đông muốn hiện thực hóa lợi nhuận có thể bán cổ phiều thông qua công ty chứng khoán của ngân hàng để nhận tiền mặt.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT chia sẻ thêm: “Rất khó cho ngân hàng, không thể tạo ra sự lớn mạnh sau 5 năm nếu năm nào cổ đông cũng đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt”.

Tin bài liên quan