ĐHCĐ Viglacera: Nhà nước sẽ thoái hết vốn vào năm 2022

ĐHCĐ Viglacera: Nhà nước sẽ thoái hết vốn vào năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản chấp thuận việc Nhà nước sẽ không còn nắm giữ vốn tại Tổng công ty Viglacera (VGC) và việc thoái vốn này có thể diễn ra vào năm 2022”, đại diện Bộ Xây dựng tham dự ĐHCĐ thường niên 2021 của VGC sáng 27/4 cho biết.

Theo đánh giá của Đại diện Bộ Xây dựng, VGC là doanh nghiệp hàng đầu mà Bộ đang đại diện vốn nhà nước nắm giữ. Mặc dù Bộ Xây dựng chỉ còn nắm giữ 38% vốn VGC, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty luôn phát triển ổn định, chi trả cổ tức cao.

VGC cũng là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách Bộ Xây dựng nắm giữ tổ chức thành công ĐHCĐ đúng thời hạn và cũng là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện niêm yết trên HOSE. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì công tác thoái vốn đã hoàn tất trong năm 2020, tuy nhiên, do dịch bệnh nên công tác này đang chậm lại.

Ngoài thông tin được quan tâm về thoái vốn nhà nước, Đại hội của VCG còn được chú ý về công tác nhân sự. ĐHCĐ đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Luyện Công Minh về việc thôi tham gia HĐQT và thôi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT công ty theo nguyện vọng cá nhân; chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Phạm Ngọc Bích, thôi tham gia Ban Kiểm soát và thôi giữ chức vị Trưởng Ban kiểm soát của Tổng công ty.

Đại hội đã bầu bổ sung ông Nguyễn Trọng Hiền vào vị trí thành viên HĐQT độc lập và ông Trần Mạnh Hữu vào vị trí ban kiểm soát.

Cổ đông đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt 750 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, cao hơn 2% và 19% so với năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2020. Công ty dự kiến trình cổ đông chia cổ tức 2021 tỷ lệ 12%. Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư hướng đến 2 lĩnh vực chính là Bất động sản và Vật liệu xây dựng.

Với mảng bất động sản, Tổng công ty tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các Khu công nghiệp, tăng cường phát triển quỹ đất, phát triển đồng bộ hạ tầng, tiện ích và phát triển các dịch vụ phụ trợ, nâng đẳng cấp và thương hiệu các khu công nghiệp của Viglacera, khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất.

Viglacera cũng hướng tới lựa chọn khách hàng là các nhà đầu tư, các nhà sản xuất thân thiện với môi trường, vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng.

Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera đầu tư vào chiều sâu, hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao, tính thẩm mỹ, giá trị gia tăng của sản phẩm và thân thiện môi trường. Đối với các đơn vị kém hiệu quả tại nhóm gạch đất sét nung, Tổng công ty sẽ chủ động thoái vốn.

Giai đoạn 2021-2025, Viglacera định hướng xây dựng trở thành tập đoàn kinh tế mạnh ở cả hai lĩnh vực vật liệu xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản, đưa thương hiệu Viglacera trở thành thương hiệu mạnh quốc gia và là thương hiệu quốc tế.

Để hiện thực hóa được kế hoạch trên, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư trong 5 năm tới với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng với toàn Tổng công ty, trong đó riêng Công ty mẹ là 13.300 tỷ đồng.

Tin bài liên quan