ĐHCĐ Vietinbank Securities (CTS): Mục tiêu lãi ròng 297,4 tỷ đồng trong năm 2025, tăng vốn lên 2.127 tỷ đồng

ĐHCĐ Vietinbank Securities (CTS): Mục tiêu lãi ròng 297,4 tỷ đồng trong năm 2025, tăng vốn lên 2.127 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 24/4, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities, mã CTS), các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lãi trước thuế 297,4 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức dự kiến là 9%.

Trong đó, tính đến hết quý I/2025, CTS đạt tổng doanh thu gần 465 tỷ đồng, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 132,6 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Với kết quả này, CTS đã hoàn thành 44,6% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2025. Tổng tài sản của CTS tính đến ngày 31/3 là 9.687 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại đại hội, CTS cũng đã thông qua việc phát hành gần 64 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 43% (tỷ lệ thực hiện quyền là 100:43), nhằm tăng vốn điều lệ lên 2.127 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận đã thực hiện sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2024 của Công ty (gần 655 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo VietinBank Securities cho biết, việc tăng vốn nhằm mở rộng các hạn mức trong hoạt động kinh doanh của Công ty, đáp ứng nhu cầu vốn cho các kế hoạch phát triển trong tương lai là vấn đề hết sức cấp thiết và phù hợp với xu thế thị trường. Nguồn vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu lớn cũng sẽ tạo điều kiện cho công ty trong việc tối ưu hóa chi phí vốn, gia tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện thị phần giao dịch và nâng cao hình ảnh, vị thế của công ty tại thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán, CTS cho rằng, chỉ số VN-Index có thể kết thúc năm 2025 trong vùng 1.300 - 1.310 điểm, các điều kiện để kịch bản này xảy ra bao gồm: (1) Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed diễn ra với lộ trình phù hợp, kinh tế Mỹ thực hiện thành công cuộc hạ cánh mềm; (2) Các chính sách dưới thời Tổng thống Trump điều hướng làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác như Việt Nam; (3) Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Pboc) hỗ trợ thị trường bất động sản Trung Quốc dần phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia này bắt đầu hồi phục vào khoảng đầu năm 2026; (4) Lộ trình bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của NHNN diễn ra hợp lý và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP của quốc hội đề ra 6,5%-7% cho năm 2025 và (5) Thị trường nhận được nhiều tín hiệu tích cực trong việc nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Với lợi thế là công ty con của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Vietinbank Securities định hướng tiếp tục tăng cường khai thác hệ sinh thái Vietinbank, tích cực bán chéo các sản phẩm dịch vụ của các mảng môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp và kinh doanh vốn trong hệ thống từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái ngân hàng toàn diện, tối ưu và hiệu quả.

Thành viên HĐQT CTS nhiệm kỳ mới

Thành viên HĐQT CTS nhiệm kỳ mới

ĐHCĐ cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT với ông Đặng Anh Hào và bà Phan Thị Huyền Trang từ ngày 24/4/2025. Hai thành viên HĐQT được bầu bổ sung là bà Bùi Thị Thanh Thúy và ông Phạm Việt Hùng.

Như vậy, danh sách Thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 24/04/2025 như sau:

STT

Họ và tên

Chức danh

1.

Trần Phúc Vinh

Chủ tịch HĐQT

2.

Vũ Đức Mạnh

Thành viên HĐQT

3.

Hồ Thị Thu Hiền

Thành viên HĐQT

4.

Bùi Thị Thanh Thúy *

Thành viên HĐQT

5.

Phạm Việt Hùng **

Thành viên độc lập HĐQT

Phần thảo luận:

Thị trường đang dành mối quan tâm nhiều đến câu chuyện chiến tranh thương mại, thuế quan. Đối với ngành chứng khoán, các ông đánh giá tác động như thế nào?

Ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT CTS: Câu chuyện thuế quan của Mỹ với các đối tác thương mại đã gây bất ngờ, ảnh hưởng rất nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, điều này ảnh hưởng nhiều đến TTCK, phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư trong nước. Hiện các chính sách thuế đối ứng này được tạm hoãn, đã tác động tốt đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đã có những phản ứng tích cực, nhưng đây là ngắn hạn.

Trong trung hạn, đàm phán thuế vẫn là “chìa khóa” để định hướng TTCK Việt Nam trong năm nay. TTCK sẽ có sự phân hóa. Sự phân hoá này vừa tác động đến thị trường nhưng cũng là cơ hội của nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội với các doanh nghiệp ít chịu tác động.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh quá trình nâng hạng thị trường, quyết tâm đưa hệ thống KRX vào hoạt động thì TTCK sẽ có những bước phát triển mới, là cơ hội cho nhà đầu tư cho thời gian tới.

Nhiều nhóm ngành chịu tác động sau “cú sốc” thuế quan. Định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán nói chung và CTS nói riêng đã ở mức hấp dẫn?

Ông Vũ Đức Mạnh, Tổng giám đốc CTS: Chứng khoán vốn là ngành nhạy cảm nhất trên thị trường chứng khoán nên khi có bất cứ thông tin gì, cổ phiếu chứng khoán thường có phản ứng trước thị trường. Tuy nhiên, những biến động này chủ yếu diễn ra trong ngắn hạn.

Những biến động trong giai đoạn vừa qua chủ yếu liên quan đến yếu tố tâm lý nên nhiều cổ phiếu thuộc các ngành nghề không chịu tác động đến thuế quan vẫn bị ảnh hưởng điều chỉnh giảm. Đối với nhóm chứng khoán cũng bị ảnh hưởng gián tiếp nhưng chủ yếu ngắn hạn. Về dài hạn, thị trường điều chỉnh chính là cơ hội cho nhóm cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt là các CTCK có quản trị rủi ro tốt, sau khi điều chỉnh thì có quá trình phục hồi khá nhanh, mang lại giá trị lâu dài cho cổ đông…

CTS có đưa ra dự báo về chỉ số VN-Index có thể đạt 1.300 – 1310 điểm vào cuối năm 2025, nhưng với những yếu tố bất định như ở thời điểm hiện tại, Công ty có định thay đổi lại mức dự báo?

Ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT CTS: Công ty sẽ có sự điều chỉnh dự báo, dựa trên đánh giá lại các ngành nghề trên sàn về mức độ chịu tác động của thuế quan sau quá trình đàm phán.

CTS có chính sách gì để cân đối nguồn vốn trước thách thức và bất ổn từ tác động thuế quan?

Ông Đặng Anh Hào, Phó tổng giám đốc CTS: Năm 2024, tổng hạn mức cấp tín dụng CTS là 23.500 tỷ đồng, song Công ty chưa dùng hết và luôn lựa chọn dùng hạn mức của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Là công ty con của Vietinbank, CTS có thế mạnh đàm phán các tổ chức tín dụng trong ngoài nước, từ đó có thể đa dạng hóa kinh doanh, tối ưu hóa chi phí hoạt động. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh thế mạnh này trong năm 2025.

Kế hoạch phát triển dư nợ margin năm 2025 như thế nào?

Ông Đặng Anh Hào: Dư nợ margin CTS là gần 3.400 tỷ đồng, con số kỷ lục của Công ty trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, lợi nhuận và phí thu được từ mảng này của CTS không thuận lợi. Cộng với diễn biến của TTCK, chúng tôi định hướng phát triển margin nâng cao năng lực cạnh tranh của CTS.

Năm 2025, Công ty sẽ hoàn thành nâng cấp phần mềm và web trading, đồng thời, tăng thêm các thuận tiện cho người sử dụng, trải nghiệm khách hàng. Mục tiêu CTS hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin bài liên quan