ĐHCĐ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCI) diễn ra chiều nay thông qua toàn bộ các tờ trình đại hội.
Năm 2024, doanh thu hoạt động 3.695 tỷ đồng, tăng 49,5% so với 2023, vượt 47% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 1.089 tỷ đồng, tăng 91%, vượt 55,6%. Các khoản cho vay margin đạt 11.222 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng 40% so với cuối năm 2023. ROE ghi nhận bình quân 2024 là 14,8% (sau khi đã loại trừ khoản chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý khỏi vốn chủ sở hữu và VCSH tăng thêm từ đợt phát hành riêng lẻ vào cuối tháng 11/2024), nằm trong nhóm các công ty dẫn đầu thị trường
Năm 2025, VCI đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.325 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2024. Lãi trước thuế đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 30%. Công ty có kế hoạch chia cổ tức theo tỷ lệ 5 - 10%, ủy quyền cho HĐQT quyết định mức chi trả và hình thức chi trả tùy theo tình hình thực tế.
![]() |
Kế hoạch Lợi nhuận 2025 là trong tầm tay nếu Index không biến động giảm quá mạnh |
Theo bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCI, mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc vị thế Top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE nói chung và vị thế dẫn đầu thị phần môi giới khách hàng tổ chức. Đồng thời, tăng quy mô hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư chứng khoán nhằm tối ưu nguồn vốn.
Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, Vietcap sẽ có con số doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động. Đồng thời, lãi trước thuế cũng đạt mức cao nhất 4 năm và cao thứ nhì lịch sử hoạt động của VCI, chỉ thấp hơn con số 1.851 tỷ đồng của năm 2021.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 dựa trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam dự kiến còn nhiều biến số, tiếp tục diễn biến phức tạp và VN-Index dao động quanh 1.400 điểm vào cuối năm 2025.
Trong đó, mảng môi giới, VCI mục tiêu số 1 thị phần khách hàng tổ chức (30%) tiếp tục được duy trì, Với khách hàng cá nhân sẽ được tập trung nhiều hơn vào phân khúc khách hàng cá nhân, thực hiện những sự chuyển biến đột phá xoay quanh hai trụ cột. Bao gồm, Thứ nhất, xây dựng thương hiệu được tin tưởng nhất trong ngành chứng khoán Việt Nam. Vietcap sẽ phát triển một hệ sinh thái sản phẩm tài chính đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của khách hàng, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh, sản phẩm tiền gửi và quản trị gia sản (wealth management).
Thứ hai, tập trung về chuyển đổi số (digital transformation). Trong việc đưa ra các quyết định, chúng tôi sẽ tận dụng phân tích dữ liệu lớn để tăng sự chính xác và hiệu quả. Về vận hành, Vietcap đặt mục tiêu sẽ tự động hóa và nâng cấp nhiều quy trình vận hành từ front office (khối tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) cho đến back office.
Mảng kinh doanh nguồn vốn, VCI định hướng tận dụng nguồn vốn rẻ thông qua các khoản vay hợp vốn nước ngoài để phục vụ cho hoạt động cho vay margin. Vietcap xem hoạt động cho vay ký quỹ là một dịch vụ bổ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, thay vì là trọng tâm trong mô hình kinh doanh. Quyết định đầu tư thêm vốn vào hoạt động này xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng.
Với mảng IB, từ năm 2024, Vietcap đang thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn gồm IPO, các giao dịch M&A, tái cấu trúc và thoái vốn cho danh mục các thương vụ, bao gồm đa dạng các ngành nghề như bán lẻ & tiêu dùng, giáo dục, công nghiệp, vận chuyển hàng hóa. Công ty cho biết đang nỗ lực để hoàn tất một số thương vụ lớn và ghi nhận doanh thu trong năm 2025.
Đồng thời,VCI mở rộng tệp khách hàng bao gồm cả về chiều rộng (đặc biệt là các ngành nghề mới được Chính phủ đưa vào trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới) và chiều sâu (mở rộng loại dịch vụ tư vấn cung cấp cho mỗi loại khách hàng).
ĐHCĐ VCI thông qua phương án phát hành hơn 4,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2025, tương đương 0,627% vốn điều lệ hiện tại, dự kiến thực hiện trong năm 2025.
Đối tượng được mua cổ phần là cán bộ nhân viên đã ký Hợp đồng lao động chính thức với Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap, đáp ứng tiêu chuẩn người lao động tham gia Chương trình ESOP 2025 và được Hội đồng Quản trị phê duyệt trong danh sách tham gia Chương trình ESOP 2025
Cổ phần phát hành sẽ hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tương ứng ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu của người lao động.
Với giá phát hành 12.000 đồng/cp, Công ty có thể thu về hơn 54 tỷ đồng, toàn bộ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay.
Như thường niên hàng năm, phần thảo luận tại ĐHCĐ của đơn vị IB hàng đầu thị trường rất được quan tâm.
Thảo luận tại Đại hội:
Về ESOP thì mức giá phát hành có chiết khấu cao với giá thị trường, kiến nghị xem xét điều chỉnh mức chiết khấu thấp hơn, để tạo giá trị lâu dài.
Đại diện VCI: ESOP liên quan tỷ lệ phát hành không nhiều, chỉ 0,6%, nên các con số này là hợp lý. Bên cạnh đó, công ty đã cân nhắc kỹ các yếu tố về quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh, số lượng nhân viên, sau đó tính discount khoảng 10% so với chính sách ESOP của các công ty khác, để đề xuất ra phương án ESOP trình cổ đông.
Tiến độ áp dụng IFRS tại Công ty, ảnh hưởng như nào với BCTC, đặc biệt với các khoản mục AFS?
Ông Đoàn Minh Thiện, Phó tổng giám đốc VCI: Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về thời điểm áp dụng. Tuy nhiên, BCTC của VCI cũng khá tiệm cận IFRS rồi nên khi có hướng dẫn cụ thể thì VCI áp dụng thôi, và sẽ không khác nhiều với báo cáo hiện tại của công ty.
Công ty chia sẻ về KQKD quý I/2025?
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI: Quý I năm nay lãi gần 400 tỷ đồng trước thuế. Nguồn vốn huy động từ đợt phát hành năm ngoái về tài khoản công ty khoảng tháng 11/2024, nên chưa phản ánh ngay trong lợi nhuận năm 2024, nhưng sang quý I/2025 thì đã phản ánh.
![]() |
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI: dự báo quý 4/2025, thị trường IPO, M&A phục hồi |
Danh mục tự doanh của công ty, có kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư dài hạn như IDP, Napas, trong đó IDP ngành sữa e ngại đà tăng trưởng chậm lại thì việc nằm dài quá sẽ bỏ lỡ cơ hội thoái vốn tốt?
Ông Tô Hải: Công ty sẽ có kế hoạch thoái vốn, còn để thoái vốn thì cần có người mua, cổ đông có thể giới thiệu bên mua trả giá hợp lý thì công ty sẵn sàng.
Nhìn lại thời điểm VCI thành lập, vốn chỉ 360 tỷ đồng, năm 2024 là năm đầu tiên huy động vốn từ thị trường. Nếu tính tới 2023 gồm cả cổ tức, lợi nhuận giữ lại thì VCI từ 360 tỷ đồng trong 24-25 năm, có lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng – rất ấn tượng. Kết quả này nhờ chiến lược khôn ngoan. Mảng môi giới cạnh tranh không có điểm dừng, mảng margin khốc liệt trước các công ty vốn nước ngoài có chi phí rẻ; mảng đầu tư dễ thở hơn một tí nhưng khi vào thị trường vào điểm nóng thì cũng phải cạnh tranh 4-5 bên khác cũng vào đầu tư và tác động đẩy giá lên liên tục. Với VCI, thì mảng đầu tư tới nay làm khá tốt, với IDP, NAPAS là các khoản đầu tư PE – tự hào có đội ngũ nhìn sớm hơn sự di chuyển của thị trường để có được các khoản đầu tư sinh lời rất tốt.
Lãnh đạo có thể chia sẻ về danh mục thương vụ của mảng Ngân hàng đầu tư (IB)?
Ông Tô Hải: Mảng IB có 2 mảng chính mang lợi nhuận cho CTCK nói chung là IPO và M&A, cả 2 mảng này sau COVID, không chỉ tại Việt Nam mà cả thị trường Đông Nam Á, Châu Á trong 2 năm qua, không có deal. Chỉ có thị trường Hongkong đầu năm rồi có đợt IPO lớn nhất của chuỗi trà sữa Mixue vốn hoá 10 tỷ USD, chuỗi cửa hàng ăn tại Malaysia vốn hoá khoảng 200 triệu USD, và một thương vụ IPO khác tại thị trường Philipin. Cả 3 thương vụ gọi là lớn là so với bối cảnh ảm đạm….để nhà đầu tư thấy rằng các deal IPO gần như vắng bóng.
Dù vậy, các thương vụ IPO này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trở lại. Tôi kỳ vọng các Luật mới có thể nới lỏng để IPO thuận lợi, kỳ vọng cuối năm nay sẽ hồi phục trở lại.
Còn với M&A, thị trường Việt Nam không có nhiều DN thực hiện các deal IPO lớn, chỉ có NĐTNN thì với lãi suất như hiện nay thì khó đầu tư. Khi nào tình hình lãi suất thuận lợi và tình hình kinh tế khu vực khả quan hơn thì việc M&A sẽ tốt trở lại.
![]() |
Bà Nguyễn Thanh Phượng: VCI không tham gia tư vấn thương vụ STB. |
Công ty có kế hoạch tăng vốn tiếp theo trong 2025?
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCI: Năm 2024 Công ty đã có 3 đợt tăng vốn. Năm nay Vietcap kế hoạch tăng vốn thông qua ESOP. HĐQT cũng cân nhắc tăng vốn từ vốn chủ sở hữu để nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng và sẽ xin ý kiến ĐHCĐ.
VCI có tìm hiểu tham gia tài sản số không?
Bà Nguyễn Thanh Phượng: trước mắt phải có sàn giao dịch tài sản số, khung pháp lý. Cơ quan quản lý nhà nước đang có chủ trương, hình thành khung pháp lý, sàn giao dịch tài sản số, khi đã có thì VCI sẽ có định hướng.
Thông tin VCI tham gia tư vấn thương vụ bán 32,5% vốn STB tại VAMC?
Bà Nguyễn Thanh Phượng: VCI không tham gia tư vấn thương vụ này.
Mảng kinh doanh nào dẫn dắt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2025?
Ông Tô Hải: Theo cơ cấu quý 1/2025 thì tự doanh giảm một chút, margin tăng một chút. Tỷ lệ đóng góp cân bằng hơn so với năm trước.
Về dẫn dắt, năm 2025 với dấu hiệu tích cực, năm ngoái tôi dự đoán “sẽ” – tình hình tốt hơn thì mảng tư vấn phục hồi, thì cả năm 2024 không phục hồi, năm 2025 thì tôi dự đoán đến cả tháng 9/2025 cũng chưa phục hồi. Nhưng quý 4 phục hồi thì sẽ tạo nền cho 2026.
Kinh doanh chứng khoán như VCI thì tôi vẫn thấy may mắn vì nhiều ngành nghề kinh doanh ngoài kia đang rất thách thức, tăng trưởng khó khăn, thậm chí 2 tháng đầu năm, ngành tiêu dùng được cho sẽ đóng vai trò quan trọng hơn xuất khẩu (trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang) nhưng kì lạ, 2 tháng đầu năm đang tốt thì tháng 3 rất chậm.
Đi các nước trong Đông Nam Á thì hành chính ở chúng ta chỉ thua Singapore, có thể ngang bằng Malaysia, Thái Lan. Nếu đẩy mạnh cải cách như năm nay, cộng với lãi suất giảm thì mảng IB sẽ quay lại. Có những hợp đồng chúng ta đã ký 2 – 3 năm nhưng chưa thực hiện được, dù giá trị hợp đồng lớn mà tôi còn chả buồn xem bao nhiêu vì chưa biết bao giờ thị trường phục hồi. Nhưng tôi đang kỳ vọng, quý 4/2025 phục hồi thì chỉ cần 1 quý là đạt doanh số bằng vài năm trước cộng lại.
Kế hoạch 2025 là kế hoạch thận trọng, trong tầm tay nếu Index không rớt quá sâu.
Bà Phương Tôn, Giám đốc Giám đốc Điều hành IB VCI: hoạt động IB năm 2024 ở thị trường Đông Nam Á chậm, tổng số vốn huy động IPO thấp nhất trong 9 năm, từ quỹ PE, Venture số lượng huy động vốn giảm 50% so với các năm trước. Năm 2025 chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc thị trường tốt hơn.
Quan điểm VCI là bảo toàn vốn cổ đông trước khi mang giá trị vượt trội, nên mảng IB thì khi thị trường không thuận lợi, sẽ khó thu phí tư vấn. Một số hợp đồng tư vấn kéo dài 2 năm, vì nhiều lý do, như chi phí huy động vốn của nhà đầu tư quá cao, thay đổi pháp lý…Các vấn đề này nếu được cải thiện thì doanh thu IB sẽ tăng vọt. Biến động doanh thu IB là theo thương vụ tư vấn, đoán định chuẩn xác điểm rơi doanh thu của IB là rất khó.
Quan điểm VCI luôn đề cao quản trị rủi ro và mang giá trị cho khách hàng. Có thể chưa thu phí khách hàng nhưng Công ty vẫn tư vấn, tương tác với khách hàng, để trong tương lai, khi thị trường thuận lợi và có nhu cầu thì VCI sẽ có cơ hội thực hiện
Hiện VCI đồng hành cùng thương vụ IPO MCH, nhưng khi nào ra chính thức trên thị trường thì phải cân nhắc, và cũng còn tuỳ thuộc vào thời điểm tốt của thị trường.
Cơ cấu lợi nhuận năm 2025?
Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc VCI: Môi giới chiếm 15%, IB chiếm 10 - 20%, 25% là margin, phần còn lại là hoạt động đầu tư. Trong hoạt động đầu tư thì có tạo lập thị trường và phát hành CW chiếm tới 40%.
Kế hoạch giữ đà tăng trưởng thị phần của VCI là gì?
Ông Tô Hải: Trước covid, công ty tập trung vào môi giới khách hàng tổ chức. Tính đến đầu năm 2021, VCI vẫn luôn là một trong những môi giới KHTC lớn nhất, nhưng giai đoạn này, giao dịch của các KHTC chiếm 20-30% giao dịch toàn thị trường.
Từ sau covid, tỷ lệ giao dịch của NDT tổ chức giảm về 10%, có giai đoạn 2022, chỉ từ 5-10% giao dịch toàn thị trường.
Vietcap tới 2023 mới thay đổi thì khá chậm. Vấn đề là chúng ta tập trung quá nhiều vào hiệu quả. Nhiều CTCK có mảng môi giới chiếm tỷ trọng lớn, thì ROE chỉ quanh 8-10%, năm nào tốt thì 11-12% - việc tập trung vào khách hàng cá nhân thì phải chấp nhận, trong khi làm mảng này cần tăng vốn rất mạnh.
Nếu được làm lại, tôi ước tôi sẽ làm sớm hơn. Có nhiều đề xuất của anh em về việc phát triển môi giới cá nhân nhưng tôi luôn hỏi trả lời bài toán cần đầu tư bao nhiêu, thu về hiệu quả bao nhiêu…thì không có câu trả lời. Từ 2021 tới nay, nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều, thị trường có biến chuyển lớn. Tới 2023 ta mới tập trung cho mảng khách hàng này và tôi cũng cảm ơn đội ngũ đã chuyển đổi rất nhanh, chỉ trong 6-9 tháng, thị phần đã liên tiếp tăng trưởng và tương lai vẫn hi vọng tăng trưởng tốt.
Hiện VCI đã đầu tư app không thua công ty chứng khoán nào trên thị trường về mặt nhà đầu tư cá nhân và sẽ tiếp tục đầu tư cho mảng này, dành nguồn vốn tương đối lớn. Dự kiến đến quý 4/2025 thị trường Ipo, M&A mới quay lại, thì từ nay tới đó, sử dụng vốn sẽ uyển chuyển, như thúc đẩy mảng margin cho nhà đầu tư cá nhân, để tăng hiệu quả sử dụng vốn.