Theo lãnh đạo ngân hàng này, sớm nhất cũng phải đến 2016, VIB mới triển khai rốt ráo.
Các cổ đông của VIB tỏ ra khá sốt ruột về tiến độ của kế hoạch niêm yết, thậm chí có cổ đông còn trích dẫn nhiều văn bản, công văn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để chứng minh cho quan điểm rằng, hiện nay việc niêm yết không phải là ý chí của nhóm cổ đông nào mà là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, kế hoạch niêm yết đã được VIB đề cập trong vài năm trở lại đây nhưng chưa thực hiện được. Lý do là để niêm yết trên thị trường chứng khoán thì khối lượng công việc thực hiện trước vào sau khi niêm yết là rất lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, hiện VIB có rất nhiều công việc phải làm như: Mở rộng chi nhánh, phát triển sản phẩm, đảm bảo đạt các mục tiêu kinh doanh đề ra, quản trị rủi ro…
“Việc niêm yết được VIB xác định là một trong những kế hoạch quan trọng, nhưng nhiều mục tiêu khác còn cấp thiết hơn mà VIB phải thực hiện ngay”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cho biết thêm, mặc dù năm nay việc niêm yết tiếp tục được nhắc đến, nhưng nhiều khả năng là sẽ không thực hiện được mà sẽ phải đưa vào năm 2016.
Trước ý kiến của cổ đông cho rằng, họ chưa thỏa mãn với phần trả lời của ông Vũ, ông Đặng Khắc Vĩ, Chủ tịch HĐQT VIB đã bổ sung thêm rằng, việc niêm yết trên TTCK là quan trọng.
“Tuy nhiên, tôi muốn nói là việc chọn thời điểm niêm yết còn quan trọng hơn. Khi niêm yết rồi kết quả kinh doanh phải bền vững và muốn làm được như vậy thì VIB còn phải tiếp tục hoàn thiện mình”, ông Vĩ chia sẻ . Hơn nữa, việc này còn phụ thuộc vào ý chí của các cổ đông chứ không phải ngân hàng muốn là được. HĐQT có thể đưa ra đề xuất tuy nhiên quyết định cuối cùng thuộc về các cổ đông của VIB.
Đại diện của CBA, đối tác chiến lược nước ngoài của VIB, ông Graham Putt, thành viên HĐQT nêu quan điểm rằng, sớm hay muộn VIB cũng phải niêm yết để đảm bảo quản trị tốt và minh bạch, tuy nhiên thời điểm cần được cân nhắc kỹ vì sau niêm yết, ngân hàng phải có kế hoạch sử dụng vốn huy động từ TTCK và đảm bảo có lợi nhuận tốt, bền vững. Muốn vậy, VIB phải củng cố hoạt động thêm nữa.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc VIB có ý định sáp nhập với một ngân hàng khác trong thời gian tới không? Ông Đặng Khắc Vĩ cho biết: Ý định về mua bán sáp nhập để mở rộng quy mô và thị phần luôn thường trực trong định hướng phát triển của VIB. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng có quan điểm phải tìm được ngân hàng nào thật sự minh bạch về tài chính thì từ đó mới có thể tạo tao một ngân hàng mới mạnh hơn, tốt hơn. Vì nếu sáp nhập vào một ngân hàng mà tình hình tài chính không mình bạch thì rất dễ đi vào “vết xe đổ” do chính mình tạo ra và rủi ro lúc đó là rất cao.
ĐHCĐ VIB đã thông qua các nội dung HĐQT đệ trình, trong đó có kế hoạch tăng tổng tài sản 9% lên 88.251 tỷ đồng; huy động vốn tăng 8% lên 53.000 tỷ đồng. Chia cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt 9% và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 14%.