Trong phần thảo luận tại ĐHCĐ, trước câu hỏi của cổ đông về chiến lược kinh doanh của LPBank trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thuỵ, Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết, chiến lược của Ngân hàng là phát triển khách hàng bán lẻ đặc biệt tại khu vực nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá hoạt động ngân hàng; tăng tỷ trọng thu phí phi tín dụng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực quản trị rủi ro; gia tăng quyền lợi cho cổ đông và khách hàng.
Tổng giám đốc LPBank, ông Hồ Nam Tiến thông tin thêm, để duy trì tốc độ tăng trưởng, Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính: Tập trung tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ rủi ro, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 0,9%; tăng tiền gửi không kỳ hạn; gia tăng thu từ các mảng phi tín dụng.
Thông qua kế hoạch đổi tên Ngân hàng
Một trong những nội dung quan trọng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của LPBank là việc đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam. Tên tiếng Anh: Loc Phat Vietnam Joint Stock Commercial Bank. Như vậy, tên viết tắt bằng tiếng Anh: LPBank (eo-pi-bank) vẫn được giữ nguyên, không thay đổi.
Ông Hà nói: “Việc đổi tên Ngân hàng đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng”.
Đại diện LPBank cho biết, tên gọi “Ngân hàng Lộc Phát” trong quan niệm của người Á Đông cũng mang ý nghĩa tạo dựng sự phát triển, tài lộc, may mắn, phồn vinh và thịnh vượng. Trong triết lý kinh doanh, LPBank luôn chú trọng mang lại lợi ích cho đối tác, khách hàng, cổ đông, cán bộ nhân viên và cộng đồng. LPBank cam kết khách hàng luôn nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng thông qua những giải pháp tài chính hiệu quả, trong suốt quá trình phát triển.
Mục tiêu của Ngân hàng là tái định vị và nâng tầm thương hiệu LPBank trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn và trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Báo cáo tại Đại hội, HĐQT Ngân hàng cho biết, LPBank đã hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu được Đại hội giao. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.039 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, tín dụng thị trường 1 tăng trưởng 16,8%, đạt 275.453 tỷ đồng, các chỉ tiêu hoạt động Top đầu thị trường (ROAE ~19,16%, CAR ~ 12,24%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các chỉ tiêu an toàn khác đáp ứng theo quy định và thông lệ quốc tế.
Đặt mục tiêu bền vững
Năm 2024 được dự báo với nhiều thách thức, tuy nhiên, trên nền tảng của những thành công đã đạt được, LPBank kiên định với phương châm chiến lược “Tăng trưởng mạnh mẽ - Hiệu quả toàn diện - Phát triển bền vững”.
Với sự đồng thuận cao, ĐHĐCĐ LPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 11% lên 317.380 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Cũng liên quan đến kế hoạch trong năm 2024, LPBank dự kiến chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên hơn 33.576 tỷ đồng.
Theo ông Hà, sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ, ngân hàng hiện tại có 4.236 tỷ đồng lợi nhuận để lại. Tuy nhiên, ngân hàng tăng vốn điều lệ theo phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu chứ không qua chia cổ tức là do đã xác định không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới.
“Việc không chia cổ phiếu nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm”, ông Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Đại hội, lãnh đạo Ngân hàng cho biết để đạt được mục tiêu này, LPBank sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thiện mô hình tổ chức mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đẩy mạnh hoạt động tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng, song song với định hướng chiến lược gắn với phát triển bền vững.