ĐHCĐ SMC: 6 tháng ước lãi 50 tỷ đồng, giảm 33%, tự tin kế hoạch lãi 120 tỷ đồng

(ĐTCK) Năm 2020, SMC đặt kế hoạch tiêu thụ 650 ngàn tấn thép dài và 600 ngàn tấn thép dẹp, giảm nhẹ 5%. Doanh thu 15.200 tỷ đồng, giảm 10% nhưng lãi sau thuế 120 tỷ đồng, tăng 20%. Cổ tức dự kiến 10%.
ĐHCĐ SMC: 6 tháng ước lãi 50 tỷ đồng, giảm 33%, tự tin kế hoạch lãi 120 tỷ đồng

Tại ĐHCĐ CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) diễn ra sáng nay (20/6), ông Đặng Huy Hiệp Tổng giám đốc SMC cho biết, nửa đầu năm 2020, sản lượng ước tính 602 ngàn tấn, bằng 48% kế hoạch nhưng giảm 6% cùng kỳ.

Doanh thu ước đạt 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 33%. Đây là kết quả mà ban lãnh đạo SMC cho là tích cực khi mà toàn ngành thép giảm khoảng 12% và diễn biến dịch bệnh phức tạp trong nửa đầu năm 2020.

Năm 2020, SMC đặt kế hoạch tiêu thụ 650 ngàn tấn thép dài và 600 ngàn tấn thép dẹp, giảm nhẹ 5%. Doanh thu 15.200 tỷ đồng, giảm 10% nhưng lãi sau thuế 120 tỷ đồng, tăng 20%. Cổ tức dự kiến 10%.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT SMC cho biết, kế hoạch được xây dựng vào cuối năm 2019 khi chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19, triển vọng tiêu thụ thép năm 2020 cũng khá tốt. Nhưng thực tế thì mọi người đã biết, vô vàn khó khăn, đặc biệt trong quý 2 vừa qua.

Trước đây, SMC thuần là đơn vị thương mại nên lượng dự trữ tồn kho không nhiều. Hiện nay, 3 mảng hoạt động chính của SMC bao gồm thương mại, gia công (coil Center) thép dẹt, sản xuất.

Sau khi chuyển dịch dần sang gia công và sản xuất, tồn kho cũng tăng lên – đặt ra thách thức cho công ty trong công tác quản trị tồn kho. Trong quý 1/2020, giá thép cuộn cán nóng biến động giảm từ mức 500 USD/tấn xuống 400 USD/tấn tỏng tháng 3-4, thậm chí còn 380-390 USD, đây là mức giảm giá rất lớn trong ngành thép. 

Dù vậy, sau khi cân nhắc các yếu tố, SMC vẫn quyết định trình cổ đông kế hoạch đã vạch ra ban đầu, trong đó sẽ tập trung vào chất lượng, không đặt nặng chỉ tiêu sản lượng.

Trong tháng 3/2020, SMC đã hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy Gia công thép SMC Đà Nẵng  với công suất dự kiến 50.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; hoàn tất đưa vào vận hành 4 máy sản xuất ống thép mới; sẽ nâng công suất nhà máy Sendo lên 200.000 tấn/năm…

Trong năm 2019, SMC chuyển nhượng 65% vốn tại coil center Hà Nội cho Tập đoàn Hanwa - Nhật Bản, mục đích là để cùng đón đầu nhu cầu sản phẩm thép dẹt của dòng dịch chuyển sản xuất FDI tiềm năng tại khu vực miền Bắc.

Hoạt động chính của nhà máy là gia công và kinh doanh các sản phẩm thép lá cán nguội, thép cán nóng, thép không gỉ và các loại thép phủ mạ cao cấp cho ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, ô tô, xe máy…Hanwa với việc tham gia chi phối điều hành SMC Hà Nội, hướng đến mục tiêu mở rộng hơn nữa mảng thép lá dùng trong ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ ở Việt Nam - tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai. SMC cũng kỳ vọng việc bắt tay với Hanwa sẽ gia tăng sức mạnh cạnh tranh, tiếp cận công nghệ Nhật Bản để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đại hội cũng tiến hành miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông NakaJima Junichi và bầu bổ sung  ông Kondo Makoto (do cổ đông công ty Hanwa đề xuất thay người đại điện phần vốn). Ngoài ra, công ty cũng miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Đặng Huy Hiệp và bẩu bổ sung với ông Võ Hoàng Vũ.

Tin bài liên quan