ĐHCĐ Saigonbank (SGB): Mục tiêu lợi nhuận tăng 11%, quý đầu năm giảm 35%

ĐHCĐ Saigonbank (SGB): Mục tiêu lợi nhuận tăng 11%, quý đầu năm giảm 35%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 25/4, Saigonbank (mã: SGB) tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024, với chỉ tiêu lợi nhuận tăng 11% so với năm 2023.

Theo kế hoạch, năm 2024, Saigonbank đề ra mục tiêu hoàn thiện phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Saigonbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay đạt lần lượt 27.300 tỷ đồng và 23.000 tỷ đồng, tăng 3% và 12,87% so với đầu năm.

Nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đề ra là 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023.

Trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2024, lãnh đạo Saigonbank cho biết, tính đến hết quý I, tổng tài sản ngân hàng đạt 31.863 tỷ đồng, huy động 27.069 tỷ, cho vay là 19.739 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế gần 68 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Saigonbank, trước tình hình khó khăn trong quý đầu năm 2024, đơn hàng của doanh nghiệp giảm và không ít doanh nghiệp phải rời thị trường. Hoạt động của ngành ngân hàng cũng không thoát khỏi tình trạng chung, nhưng Saigonbank vẫn nỗ lực hỗ trợ, chia sẽ cùng với doanh nghiệp phát triển. Vì thế, nợ xấu bắt buộc phải tăng, nợ xấu có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo của ngân hàng.

Về nợ xấu ngân hàng tăng, Chủ tịch Saigonbank ông Vũ Quang Lãm cho rằng, hoạt động trong ngành ngân hàng khó tránh được nợ xấu và đòi hỏi phải trích lập dự phòng. Dự phòng rủi ro được trích và tất nhiên là thành “của để dành tại ngân hàng”, ông Lãm nói thêm.

Trước đó, kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng đạt 266,8 tỷ đồng. Riêng quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế của Saigonbank đạt 66,9 tỷ đồng, gấp gần 80 lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ mức tăng đột biến trong thu nhập khác và chi phí hoạt động giảm.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SaigonBank tăng 13,7% so với đầu năm, đạt 31.501 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,7%, là kết quả thấp hơn trung bình toàn ngành. Tiền gửi ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn, đạt 14,9% và số dư 23.557 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng chỉ tăng 1,7% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,01%, là mức thấp nhất kể từ quý II/2022. Ngân hàng này cho biết, năm 2023, số tiền thu các khoản nợ đã được xử lý, bù đắp bằng nguồn rủi ro là 189,5 tỷ đồng, tăng 114% so với năm ngoái.

Năm 2023, Saigonbank thu được hơn 332 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 267 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập các quỹ và dự phòng, Saigonbank còn lại gần 227 tỷ đồng. HĐQT Saigonbank trình ĐHĐCĐ quyết định việc trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động, quỹ của người quản lý và dành nguồn tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Saigonbank đã có thông báo 24/04/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, Ngân hàng dự kiến phát hành 30,8 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8%. Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ 2016 trở về trước, năm 2017-2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ năm 2023 của Saigonbank. Theo đó, NHNN chấp thuận cho SaigonBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu được ĐHĐCĐ thông qua. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Saigonbank sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có mức vốn thấp nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Chủ tịch Vũ Quang Lãm cho hay, việc chia cổ tức đã được ĐHĐCĐ 2023 quyết định, nhưng đến tháng 4/2024 mới được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chia cổ tức 10% theo quy định. Sau khi được chấp thuận, Saigonbank mới thực hiện phân phối được. Ngoài ra, Saigonbank sẽ trình ĐHĐCĐ bất thường để quyết định cổ tức của năm 2024 này, dự kiến bước đầu thêm 8% nữa nếu không có gì thay đổi. Thẩm quyền vẫn thuộc về ĐHĐCĐ.

Đồng thời, Saigonbank cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới, do nhiệm kỳ cũ chấm dứt vào tháng 10/2024. Hiện Saigonbank đang làm công tác nhân sự và trình NHNN xem xét, chấp thuận.

Chủ tịch HĐQT Saigonbank ông Vũ Quang Lãm cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay hoạt động của ngành ngân hàng có khó khăn nhất định và thách thức khá lớn. Tuy nhiên, Saigonbank đã đạt được mức lợi nhuận phù hợp trong năm qua và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Việc chia cổ tức, theo ông Lãm, Saigonbank có đủ tiền mặt còn lại để chia, nhưng với việc khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay là chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Do đó, Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Vả lại, nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông cũng có thể dễ dàng hoán đổi bằng tiền mặt qua giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCom.

Theo kế hoạch, Saigonbank sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE/HNX. HĐQT Saigonbank cho hay, hiện các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Đây là quá trình dài và phức tạp, mong làm sớm nhất câu chuyện chuyển sàn trong thời gian tới. Nhưng Chủ tịch HĐQT cho hay, việc chuyển sàn khó có thể thực hiện được ngay trong năm nay.

Về cơ cấu cổ đông tại Saigonbank (SGB) theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thì nhà băng này hiện có một số cổ đông nắm giữ tỷ lệ trên 10% cổ phần như: Văn phòng thành ủy TP.HCM nắm 18,815% cổ phần; Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận sở hữu 16,640% tỷ lệ cổ phần chi phối; Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ hòa sở hữu 16,325% cổ phần và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM sở hữu 14,081% cổ phần tại Saigonbank tính đến thời điểm tháng 6/2023.

Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 có một quy định đáng chú ý là giảm trần sở hữu tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông tổ chức, cổ đông và người liên quan sẽ giảm, nhưng không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, giới hạn trần sở hữu tại một ngân hàng đối với cá nhân không đổi ở mức 5%.

Tuy nhiên, một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của TCTD, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn thay vì 20% như trước. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác

Tin bài liên quan