ĐHCĐ Saigonbank (SGB): Cổ đông mong mỏi cổ tức, ngân hàng chưa được chia

ĐHCĐ Saigonbank (SGB): Cổ đông mong mỏi cổ tức, ngân hàng chưa được chia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, mã chứng khoán SGB - UPCoM) diễn ra sáng 27/4 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2021, với mục tiêu lợi nhuận 135 tỷ đồng trước thuế. Năm nay, Saigonbank không có kế hoạch tăng vốn và chưa chia cổ tức.

Theo kế hoạch trình ĐHCĐ thông qua, Saigonbank đề ra mục tiêu tính đến cuối năm 2021 với tổng tài sản đạt 24.336 tỷ đồng, tăng 1,64% so với đầu năm 2021.

Vốn huy động và dư nợ tín dụng sẽ đạt lần lượt 20.230 tỷ đồng và 16.560 tỷ đồng; tăng 1,77% và 4,5% so với đầu năm nay. Thanh toán đối ngoại dự kiến khoảng 300 triệu USD, tăng 10,16% so với năm 2020.

Ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 135 tỷ đồng, tăng 11,45% so với năm 2020.

Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho biết, các chỉ tiêu kế hoạch được Saigonbank xây dựng trên bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Năm nay, Saigonbank sẽ tập trung các biện pháp xử lý nợ xấu (nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn và nợ VAMC), kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, trình cấp có thẩm quyền tổ chức triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Về thù lao của người quản lý, HĐQT Saigonbank cũng trình ĐHĐCĐ quyết toán quỹ tiền lương, thù lao cho người quản lý năm 2020 là gần 7,9 tỷ đồng, tỷ lệ 80,37% quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của người quản lý năm 2020 (9,8 tỷ đồng).

Đồng thời, HĐQT Saigonbank cũng trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch thù lao cho người quản lý năm 2021 là gần 7, 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một vấn đề mà ngay cả HĐQT Saigonbank cũng phải thay đổi kế hoạch trước khi ĐHCĐ diễn ra. Đó là, theo kế hoạch ban đầu, HĐQT Saigonbank dự trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5%. Lợi nhuận lũy kế còn lại dùng để chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ là hơn 168 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo ông Vũ Quang Lãm, do chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền nên HĐQT Saigonbank đã không trình ĐHCĐ về vấn đề chia cổ tức trong đại hội kỳ này.

Thảo luận:

Vì sao Saigonbank lại đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn trong năm 2021, chỉ ở mức 4,5%?

Ông Vũ Quang Lãm: Ngay từ đầu năm 2021, HĐQT quyết tâm tăng trưởng dự nợ khoảng 10 - 12%, tuy nhiên chỉ tiêu 4,5% là chỉ tiêu bắt buộc của NHNN giao cho Saigonbank.

HĐQT và Ban điều hành Saigonbank cũng có ý thức rằng trong quá trình thực hiện sẽ có mức tăng trưởng cao hơn, điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế.

Cổ đông Saigonbank kiến nghị được chia cổ tức sau nhiều năm không nhận được đồng nào
Cổ đông Saigonbank kiến nghị được chia cổ tức sau nhiều năm không nhận được đồng nào

Mục tiêu lợi nhuận Saigonbank đưa ra năm nay ở mức 135 tỷ đồng có quá khiêm tốn?

Với mục tiêu lợi nhuận 135 tỷ đồng trước thuế mà Saigonbank đưa ra cho năm nay là lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng 227 tỷ đồng.

"Thực chất, kế hoạch năm nay chúng tôi quyết tâm khoảng 362 tỷ đồng. Tuy nhiên như cổ đông biết, tình hình những năm vừa rồi là chung xu thế nợ xấu rất lớn. Do đó, hàng năm Saigonbank đều phải trích lập nợ xấu theo đúng quy định của NHNN. Saigonbank luôn trích lập dự phòng đầy đủ, không xin NHNN giảm trích lập.

Mặt khác, hiện nay đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nên kế hoạch lợi nhuận Saigonbank đưa ra năm nay cũng phải thận trọng, bảo đảm hoạt động của Ngân hàng ổn định, an toàn, có lợi nhuận để đảm bảo giá trị cổ phiếu cho quý cổ đông.

HĐQT và Ban điều hành Saigonbank cũng quyết tâm nếu đại dịch Covid-19 không bùng phát và tình hình hoạt động kinh tế trong nước ổn định lại thì chúng tôi sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn", ông Lãm nói.

Kế hoạch tăng vốn của Ngân hàng?

Năm nay, Saigonbank chưa có kế hoạch tăng vốn cho các hoạt động của mình. Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng đạt mức trên 3.000 tỷ đồng.

Saigonbank có thực hiện niêm yết cổ phiếu trong năm nay?

Chủ tịch Vũ Quang Lãm cho biết: "Saigonbank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM trong năm 2020 và hướng tới niêm yết. Tất cả hoạt động của chúng tôi đều hoạt động bảo đảm tính minh bạch, tính giải trình và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của UBCKNN".

Vì sao 3 tháng đầu năm 2021, cả tín dụng và huy động của Saigonbank đều tăng trưởng âm?

Tín dụng 3 tháng đầu năm giảm do thời gian này rơi vào tháng Tết Nguyên đán. Đồng thời, Saigonbank kiểm soát chặt chất lượng khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu trong dịch bệnh.

Nhưng bắt đầu từ tháng 4/2021, Saigonbank khởi động lại việc cho vay đối với bà con nghèo để phát triển sản xuất.

HĐQT Saigonbank đã đưa ra kế hoạch dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 5%, tại sao lại thay đổi dù mức cổ tức này thấp hơn lãi suất tiết kiệm và nhiều năm qua Saigonbank đã không chia cổ tức?

Theo Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm: Hơn ai hết, HĐQT Saigonbank cũng mong muốn được chia cổ tức cho cổ đông. Mức chia cổ tức của năm 2020 theo như dự kiến là 5% bằng tiền mặt.

"Tình hình hoạt động của Saigonbank đã cải thiện trong những năm gần đây và năm nào chúng tôi cũng đề xuất chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền thì phải giữ lại để tăng cường khả năng tài chính, vượt qua đại dịch", ông Lãm nói.

Ông Lãm cho biết, năm nay Saigonbank vẫn chưa được chia cổ tức. Nhưng sau khi được ĐHCĐ ủy quyền, HĐQT tiếp tục làm việc với cấp thẩm quyền, báo cáo rõ tình hình tài chính lành mạnh của Saigonbank để được phép chia cổ tức như đề nghị của cổ đông.

Tuy nhiên, theo ông Lãm: "Cổ tức chưa chia thì vẫn tích lũy nằm đó, trong bảng cân đối kế toán vẫn còn nguyên ở mục lợi nhuận chưa chia tích lũy cho các năm sau".

Việc góp vốn của Saigonbank ở các đơn vị khác hiệu quả ra sao?

Thật ra ngân hàng chỉ có góp vốn vào 5 đơn vị bao gồm CTCP Du lịch khách sạn Sài Gòn Hạ Long (18 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bản Việt (72 tỷ đồng), CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (2 tỷ đồng), quỹ bảo lãnh tín dụng (500 triệu đồng), CTCK Saigonbank Berjaya (3.3 tỷ đồng).

Cổ tức hiện nay tại 2 doanh nghiệp có hiệu quả, có chia cổ tức là CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam, với tỷ lệ 10%, tương đương 200 triệu đồng; và CTCP du lịch khách sạn Sài Gòn Hạ Long chia cổ tức năm 2019 là 6%, tương ứng số tiền là 1,21 tỷ đồng.

Còn 3 đơn vị, đối với CTCK Saigonbank Berjaya chúng ta có góp 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, CTCK Saigonbank Berjaya có liên quan đến vụ án bà Huyền Như cách đây 2 năm, do đó hiện nay không có hiệu quả, thậm chí năm ngoái SGB đã trình ĐHCĐ thông qua việc lợi nhuận là phải trích 23 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho khoản này.

Kế hoạch xử lý nợ xấu của Ngân hàng trong năm nay thế nào?

Đây là một trong những nội dung trọng tâm bên cạnh việc phát triển của Ngân hàng. "Năm nay chúng tôi đã xử lý rất nhiều nợ xấu và thực chất đến nay Ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1,41%, dưới mức NHNN cho phép, đây là nợ được đánh giá sẽ tiếp tục xử lý", ông Lãm nói.

Chiến lược kinh doanh dài hạn cũng như chuyển đối số của Saigonbank?

Chắc chắn Saigonbank phải đi theo dòng chảy hiện nay là phải chuyển đổi sang ngân hàng số, phải có hoạt động bắt kịp xu hướng fintech, công nghệ 4.0. Hiện Saigonbank cũng đã có chiến lược bước đầu đầu tư, corebanking, core thẻ ngân hàng. Năm 2020 Saigonbank đã có smartbanking,.

Saigonbank (SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021.

Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản của Saigonbank giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn hơn 22.461 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 12%, đạt 4.718 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm 2%, chỉ còn 17.880 tỷ đồng.

Cho vay tổ chức tín dụng khác của Saigonbank cũng giảm 88%. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank giảm 3% so đầu năm 2021, đạt 14.927 tỷ đông.

Chính vì hoạt động cho vay tăng trưởng âm trong quý đầu năm nên kết quả kinh doanh của Saigonbank trong quý đầu năm này không được khả quan khi hầu hết hoạt động đều sụt giảm.

Cụ thể, nguồn thu chính của Saigonbank giảm đến 6% so cùng kỳ năm trước khi chỉ còn hơn 143 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng chỉ tăng nhẹ 3%, đạt 7,9 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 8%, còn 6,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác gấp đôi cùng kỳ, Saigonbank ghi nhận hơn 16 tỷ đồng trong quý này.

Saigonbank cũng được hoàn nhập gần 4 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2021, dẫn đến lãi trước và sau thuế tăng 21% và 22%, lần lượt đạt gần 59 tỷ đồng và gần 54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2021, tổng nợ xấu Saigonbank tăng 6% so với đầu năm, lên mức 235 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 47%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng 1,44%, lên mức 1,58%.

Tin bài liên quan