ĐHCĐ Sacombank (STB): Ngân hàng đang trình xử lý 32,5% cổ phiếu ông Trầm Bê, sẽ không mua lại Chứng khoán SBS

ĐHCĐ Sacombank (STB): Ngân hàng đang trình xử lý 32,5% cổ phiếu ông Trầm Bê, sẽ không mua lại Chứng khoán SBS

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB - sàn HOSE) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 14.650 tỷ đồng, chia cổ tức tăng vốn và mua lại công ty chứng khoán, nhưng không phải là SBS. 

Sẽ chia cổ tức sau khi xử lý được 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê

Trả lời cổ đông về việc tại sao đến thời điểm này, Sacombank vẫn chưa thể xử lý được 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê và những người liên quan để chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn, Phó chủ tịch thường trực Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, đối với các khoản nợ đảm bảo này, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phía thanh tra NHNN cũng đánh giá rất cao Đề án tái cơ cấu của Sacombank, nhưng hiện Ngân hàng vẫn đang trong quá trình chờ ý kiến từ NHNN.

Theo Sacombank, Ngân hàng đã sẵn sàng cả về trách nhiệm và nghĩa vụ, chờ NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu, nếu được chấp thuận, sẽ tiến hành xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, hoàn tất các nghĩa vụ, trình thủ tục để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tăng vốn.

Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối lũy kế đến năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng này còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cũng cho biết, nếu được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Ngân hàng sẽ tiến hành xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, hoàn tất các nghĩa vụ và sau đó trình thủ tục để thực hiện chia cổ tức.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank tại ĐHCĐ Ngân hàng sáng ngày 25/4

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank tại ĐHCĐ Ngân hàng sáng ngày 25/4

Đề án tái cơ cấu Sacombank (sau sáp nhập Southern Bank) được phê duyệt từ năm 2016. Suốt 9 năm qua, Sacombank đã ráo riết xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, đồng thời tăng cường phục hồi lợi nhuận. Năm 2024, Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu 1.587 tỷ đồng và còn lại sẽ thu theo tiến độ pháp lý dự án (dự kiến thu thêm 30 - 40% trong năm 2025 và phần còn lại sẽ thu dứt điểm trong năm 2026).

Sacombank không mua lại công ty chứng khoán SBS

Trước câu hỏi của cổ đông về việc liệu Sacombank có ý định mua lại Công ty chứng khoán SBS trực thuộc Sacombank trước đây không (hiện Ngân hàng đã thoái sạch vốn), Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết, Ngân hàng sẽ không mua lại Công ty chứng khoán SBS.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết thêm, trước đây Ngân hàng đã từng có Công ty chứng khoán từ rất sớm, nhưng sau đó đã bán vốn tại SBS. Nay Sacombank nhận thấy có nhiều cơ hội nên lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán, song Ngân hàng không có nhu cầu mua lại vốn Công ty Chứng khoán SBS, mà sẽ lựa chọn công ty chứng khoán mới.

Ngân hàng sẽ tìm chọn các công ty chứng khoán đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: báo cáo tài chính rõ ràng minh bạch, đánh giá được rõ ràng chất lượng tài sản; đầy đủ các nghiệp vụ cung ứng cho nhà đầu tư; quy mô vốn phù hợp. Hệ thống vận hành ổn định, có khả năng kết nối với các đối tác; ưu tiên công ty chứng khoán đang niêm yết.

Mục tiêu lợi nhuận 14.650 tỷ đồng, quý I đạt 3.674 tỷ đồng

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Ngân hàng đã thông qua với mục tiêu tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024. Dự kiến nguồn vốn huy động tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, với mục tiêu lợi nhuận trên, đứng trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2025 diễn biến phức tạp, không riêng gì Sacombank mà các ngân hàng đều đứng trước những thách thức lớn, bởi áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) suy giảm.

Thêm vào đó, tác động từ yếu tố bên ngoài - chính sách thuế của Mỹ và toàn cầu ngày càng rõ nét. Nhận định về vấn đề này, một lãnh đạo Sacombank cho biết, nếu Mỹ tăng thuế hoặc siết chính sách thương mại với Trung Quốc và các đối tác, dòng vốn FDI và xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm cầu tín dụng từ doanh nghiệp xuất khẩu.

Trước bối cảnh đầy thách thức trên, Sacombank sẽ phải nỗ lực hơn với mục tiêu lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ giao phó. Tuy nhiên, với những thế mạnh sẵn có kết hợp các định hướng chiến lược đúng đắn sẽ giúp Sacombank đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay. Với chỉ tiêu tín dụng đưa ra cho 2025 ở mức 14%, Ngân hàng sẽ tập trung mạnh vốn vào các phân khúc, như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

"Năm 2025, Sacombank cũng phải cân đối phù hợp giữa đồng hành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Những tháng đầu năm cũng đã tung ra gói trên 30.000 tỷ đồng với lãi suất phù hợp. Sacombank cũng không quá lệ thuộc vào thị trường 1 mà tập trung vào thị trường 2. Sau khi tăng mức tín nhiệm cao, nhiều ngân hàng nước ngoài đã cung cấp hạn mức lớn cho Sacombank, thời gian tới sẽ có nhiều nguồn vốn do các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ, sẽ tăng nguồn lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng và duy trì NIM phù hợp", bà Diễm cho biết thêm.

Kết thúc quý I/2025, Sacombank tăng trưởng quy mô khá tốt, cụ thể, huy động vốn thị trường 1 tăng 3,3% so với đầu năm, đạt 33% kế hoạch tăng trưởng năm; cho vay tăng 4,6% so với đầu năm, đạt 33% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch năm, tăng 38,4% so với quý cùng kỳ năm trước.

Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, do thị trường bất động sản còn phục hồi chậm nên Ngân hàng chưa thể đẩy nhanh xử lý các tài sản đảm bảo tồn đọng. Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank được kiểm soát ở mức 2,2%, tăng 0,2% do khách hàng bị ảnh hưởng bởi khó khăn, kinh tế phục hồi chậm.

Tin bài liên quan