Ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT cho biết, tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang từng bước nới lỏng các hạn chế, mở cửa lại biên giới cho khách du lịch quốc tế, chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19 và xem như đây là một loại bệnh đặc hữu.
"Mặc dù vẫn còn đó những bất ổn trong năm 2022, tôi luôn tin tưởng vào khả năng của Chính phủ Việt Nam và có niềm tin mạnh mẽ rằng ở một phương diện khác, Sabeco sẽ vươn lên bằng các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền bỉ hơn, cũng như đạt được thành tích tốt hơn so với năm 2021".
Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc cho biết, trong năm vừa qua, chúng tôi tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu của mình thông qua việc đầu tư lắp đặt các biển quảng cáo và biển hiệu ngoài trời, quảng cáo trong nhà, mạng xã hội, quảng cáo truyền hình và các hoạt động tài trợ.
Ông Neo Gim Siong Bennett nhấn mạnh: “Trong năm 2021, chúng tôi tự hào khi nhìn thấy các thương hiệu Bia Saigon và 333 đã đạt thành công vang dội khi giành được nhiều huy chương Vàng và Bạc tại các giải thưởng bia quốc tế danh giá như Giải thưởng Bia Quốc tế Úc 2021 và Monde Selection 2021. Các nhà máy bia của chúng tôi tiếp tục hoạt động tốt, gia tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng và tiết giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, ngày một nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và hiệu suất”.
Về thị trường bia năm 2022, ông Neo Gim Siong Bennett đánh giá ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai vấn đề chưa từng có tiền lệ là dịch COVID-19 và quy định đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Bên cạnh đó, Nghị định 100 và Nghị định số 24 của Chính phủ đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình thức xử phạt nặng hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu hoặc hơi thở.
Về thị trường, ngành dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại sau thời gian dài hoạt động cầm chừng có thể giúp tăng tiêu thụ sản lượng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, ngành sản xuất kinh doanh bia vẫn gặp những thách thức chung như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hoá, cước vận tải tăng,… Thêm vào đó, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần.
Trong năm 2022, SAB dự kiến đặt kế hoạch doanh thu thuần 34.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 32% và 17% so với thực hiện trong năm 2021.
Kế hoạch năm 2022 của SAB (Đơn vị: Tỷ VNĐ). |
Công ty cho rằng, cuối năm 2021, đầu năm 2022, điểm sáng phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và ngành sản xuất - kinh doanh bia nói riêng là triển khai kích cầu hoạt động du lịch, nhà hàng. Các dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống đại dịch.
Mặc dù vậy, ngành sản xuất - kinh doanh bia vẫn gặp những thách thức do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hóa, tắc nghẽn giao thông và cước phí vận tải tăng cao (do tình hình dịch bệnh, thiên tai, các quy định phong tỏa) đã đẩy giá cả hàng hóa lên cao trong bối cảnh đại dịch.
Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP, đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình thức xử phạt nặng hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu hoặc hơi thở.
Ngoài ra, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn. Được biết, đồ uống có cồn tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế, thuế nhập khẩu (từ 5-80% tùy loại FTA), thuế GTGT (10%), và thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng mạnh từ mức 50% lên 65% năm 2018).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên công ty nhận định xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Trọng tâm trong năm 2022, công ty sẽ giữ vững thị trường trong nước và vươn tầm thị trường quốc tế. Trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phân phối, tiêu thụ phù hợp với xu hướng tiêu dùng, song song với việc cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng hiệu quả và hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc sản phẩm.
Về cổ tức, năm 2021 công ty thông qua kế hoạch cổ tức tiền mặt tỷ lệ 35% như kế hoạch tại ĐHCĐ thường niên năm 2021. Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến tiếp tục duy trì là 35%.
Một điểm đáng lưu ý, công ty đã thông qua việc bổ sung thêm ngành sản xuất điện (sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện khác) vào điều lệ công ty.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, SAB có lãi ròng 1,170 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Ban lãnh đạo đánh giá doanh thu và lợi nhuận quý 1 khá khả quan với mức tăng trưởng 2 con số. Các biện pháp kiểm soát chi phí được áp dụng đã giúp lợi nhuận tăng cao.
Phần thảo luận trong Đại hội:
Chi phí bao bì gia tăng, Công ty có biện pháp nào ứng phó?
Chi phí bao bì chiếm tỷ trọng khá lớn trong nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh các hợp đồng mua trước, chúng tôi cũng đánh giá lại các khoản chi phí liên quan. Đồng thời, SAB tìm cách tăng doanh thu để bù đắp các khoản chi phí gia tăng này.
Công ty có ý định với mảng điện gió không?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Với điện tái tạo hiện chúng tôi chỉ khai thác điện mặt trời chứ chưa quan tâm đến điện gió.
Tổng công suất của các nhà máy ở Lâm Đồng và Quãng Ngãi là bao nhiêu?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Nhà máy ở Lâm Đồng công suất 100 triệu lít/năm, theo đánh giá là đủ cung cấp tiêu thụ. Với nhà máy ở Quãng Ngãi, đến cuối tuần này sẽ đi vào hoạt động năng suất 250 triệu lít/năm. Qua đó, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ cung cấp đủ sản lượng cho khu vực miền Trung.
Chương trình hỗ trợ nhà phân phối do COVID có tiếp tục trong năm nay?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Chương trình hỗ trợ nhà phân phối do ảnh hưởng dịch COVID trong 2021 không tiếp tục trong 2022. Tuy nhiên, SABECO sẽ có những chương trình khuyến khích khác dành cho nhà phân phối
Mức tồn kho nguyên vật liệu có đủ dùng trong 2022?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Chúng tôi có những hợp đồng mua trước nguyên vật liệu theo kế hoạch sẵn. Với những nguyên vật liệu mang tính chiến lược chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và năm 2022 được đánh giá là an toàn, chúng tôi đang xem xét cho 2023. Tuy vậy, yếu tố chi phí nguyên vật liệu gia tăng là không thể tránh khỏi. Độ có sẵn của nguyên vật liệu cũng rất quan trọng. Điều này chủ yếu do ảnh hưởng các biến động địa chính trị, kinh tế trên thế giới.
Thị phần của SAB đang chiếm bao nhiêu?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Chúng tôi không thể tiết lộ thông tin về thị phần này. Điều quan trọng hơn là chúng ta nên nhìn vào xu hướng của thị phần đang đi lên. SAB hướng đến một mục tiêu thị phần cao hơn qua từng năm.
Hệ thống Sabeco 4.0 sẽ giúp Công ty tiết kiệm bao nhiêu?
Ông Neo Gim Siong Bennett: Hệ thống giúp SAB cắt giảm rất nhiều chi phí, qua đó giúp năng suất tăng cao hơn. SAB sẽ có góc nhìn tổng quan hơn, giúp so sánh về hiệu năng của Công ty. Ví dụ với hệ thống nhà máy của SAB, chúng tôi có thể thu thập dữ liệu về năng suất, số lượng, sản lượng… qua đó xem xét nhà máy nào hoạt động tốt nhất, nhà máy nào chưa đạt hiệu quả.