ĐHCĐ Quốc Cường Gia Lai (QCG): Phải trả lại cho Sunny Land hơn 1.440 tỷ đồng, dự án Phước Kiển không rõ khi nào được tháo gỡ

ĐHCĐ Quốc Cường Gia Lai (QCG): Phải trả lại cho Sunny Land hơn 1.440 tỷ đồng, dự án Phước Kiển không rõ khi nào được tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo hợp đồng, QCG nhận từ Sunny Land 2.882 tỷ đồng, nếu QCG vi phạm sẽ phải trả số tiền cộng thêm 50%. Tuy nhiên, theo phán quyết VIAC, QCG thực hiện đúng hợp đồng nên chỉ cần trả 50%, tương đương 1.441 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực trong 30 ngày nếu Sunny Land không kháng cáo.

Đây là thông tin được bà nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) trả lời chất vấn của cổ đông tại ĐHCĐ diễn ra chiều nay (24/6/2023).

Bà Loan cho biết, sổ đỏ của 65ha Phước Kiển hiện không còn do Sunny Land nắm giữ mà đang nằm ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C03). C03 đã mời công ty tới đối chiếu, và đang xem xét liệu có liên quan tới Vạn Thịnh Phát không, sau đó mới xác định số tiền cụ thể sẽ trả lại. Đến giờ này chưa có câu trả lời chính thức.

Nếu C03 yêu cầu QCG trả cho Sunny nhiều hơn số tiền theo phán quyết của VIAC, thì QCG sẽ trả cho Sunny theo quyết định của C03.

Trả lời cổ đông lý do bán nhà máy thủy điện, bà Loan cho biết, nguồn vốn đi vay hạn chế nhưng cần huy động tiền để trả cho Sunny Land, nên sẽ bán được những tài sản mà không bị lỗ, có lãi hoặc huề vốn. “không bán thủy điện thì bán gì, bán dự án rẻ 50% so với giá mua vào, hay bán thủy điện không lỗ, thì mình chọn gì. Thủy điện có nguồn thu ổn định, may mà còn có thủy điện mà bán, chứ nếu chôn hết vào bất động sản thì giờ không có gì trả cho Sunny Land”, bà Loan nói.

Liên quan đến dự án Phước Kiển, bà Loan chia sẻ, không chỉ QCG mà cả ngành hiện nay đều gặp vướng mắc về pháp lý bất động sản, muốn tháo gỡ dự án này để đền đáp cổ đông QCG nhưng hiện tại không thể trả lời chính xác khi nào dự án Phước Kiển được tháo gỡ.

Đối với phần da beo của dự án Phước Kiển, còn khoảng vài phần trăm diện tích đất chưa đền bù được, công ty thương lượng với các hộ dân là khi nào thực hiện dự án đến phần đất của họ sẽ hỗ trợ đền bù. Theo quy định mới, công ty phải đền bù 100% mới được thực hiện dự án và công ty đang không thể thương lượng được với các hộ dân này.

QCG đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng để nhờ giải thích với các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. QCG cũng lo ngại việc vướng pháp lý hơn về việc đất công xen cài hơn là việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cổ đông cũng bày tỏ lo lắng các dự án của QCG để lâu sẽ bị thu hồi đất. Bà Loan cho biết, dự án không làm sẽ bị thu hồi, còn QCG vẫn cố gắng từng ngày để làm nhưng hiện không làm được do pháp lý bị tắc nghẽn.

Về kế hoạch chuyển rừng cao su sang Khu công nghiệp, QCG cho biết, hiện tại 1.000ha đất cao su là đất thuê, QCG chưa đóng tiền thuê đất do còn thời hạn miễn tiền thuê đất. Công ty chưa có kế hoạch chuyển thành KCN do KCN phải gần cảng biển còn vị trí của rừng cao su lại không được thuận lợi.

Theo tờ trình ĐHCĐ 2023, QCG cũng dời việc chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu năm 2021 đến năm 2025. Theo bà Loan, việc không chia cổ tức giúp công ty có số vốn nhất định thì việc thương thảo với đối tác sẽ dễ dàng hơn.

“Nếu chia cổ tức, tôi hưởng nhiều nhất, không nhận cổ tức tôi đau lòng lắm. Nếu vì lợi ích cá nhân, gia đình thì tôi chia cổ tức. Nhưng mỗi lần đi gặp gỡ đối tác, họ hỏi tài sản là gì, vốn điều lệ bao nhiêu… máu thịt của tôi ở Quốc Cường Gia Lai, tôi không thể vì quyền lợi cá nhân mà chia cổ tức để tăng vốn”, bà Loan giãi bày tại Đại hội.

Bên cạnh đó, vụ việc với Sunny Land cũng là nguyên nhân khiến QCG dời ngày trả cổ tức.

Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán viên lưu ý vấn đề công ty chưa ghi nhận khoản nợ tiềm tàng liên quan kết quả vụ kiện với Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Tại thời điểm đó, sự việc đang được Trung tâm trọng tài VIAC thụ lý giải quyết, mãi đến ngày 10/05 2023, VIAC mới có phán quyết cuối cùng về việc xử lý tranh chấp này.

Do thời gian chờ đợi phán quyết của Trung tâm trọng tài, QCG đã chậm trễ hồ sơ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, đến nay vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến vượt qua thời gian kế hoạch phát hành đã trình xin ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua.

Hơn nữa, phán quyết trọng tài cần có thời gian 60 ngày theo quy định để thi hành, chưa kể về pháp lý dự án phải thực hiện lại thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu Tư năm 2020 do trước đây Công ty thực hiện theo Luật nhà ở, Nghị định 71.

Năm 2023, QCG đặt kế hoạch doanh thu doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 71% và 113% so với thực hiện năm trước.

Bà Loan chia sẻ tại đại hội, QCG đã không giải quyết được dự án ở nội đô nào trong 3 năm qua 2021-2023. Trong quá trình chờ chính sách được tháo gỡ, Công ty đã gặp gỡ nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng nhiều đối tác vẫn còn lo ngại do tình trạng pháp lý.

“Câu đầu tiên khi mời dự án là thủ tục pháp lý tới đâu, họ mong pháp lý sạch. Mình thì hiểu pháp lý sạch thì mình đủ khả năng làm, không cần mời hợp tác đầu tư”, bà Loan nói.

Tình hình hiện nay rất thách thức, phải chọn phương án, muốn đầu tư rộng cũng không được, mua dự án hoàn thành 50% pháp lý thì rẻ nhưng rủi ro cao, vay mượn để nằm chờ thì không nên. HĐQT và Ban Lãnh đạo QCG xác định chọn phương án bảo toàn vốn, không áp lực nợ và lãi vay, với tinh thần mời gọi đối tác không bị áp lực, không chấp nhận lãi suất cao, không bán rẻ dự án bằng mọi hình thức.

"Không áp lực tài chính, đây là may mắn của QCG", bà Loan chia sẻ với cổ đông.

Hiện QCG tập trung các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, khoanh vùng làm những dự án khả thi, ít rủi ro.

“Năm nay, công ty không dám đưa kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao, nhiều công ty lớn thận trọng thì QCG cũng vậy. Mong cổ đông chia sẻ cùng công ty vì chúng tôi đã cố gắng giữ thứ quý giá nhất của công ty”, bà Loan chia sẻ.

ĐHCĐ QCG cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT độc lập đối với bà Trịnh Thị Mỹ Hạnh, đồng thời bầu bổ sung ông Lại Thế Hiển thay thế vị trí của bà Hạnh.

Tin bài liên quan