ĐHCĐ PVTrans (PVT): Năm 2021 tiếp tục đầu tư thêm tàu mới, 6 tháng ước lợi nhuận 420 tỷ đồng

ĐHCĐ PVTrans (PVT): Năm 2021 tiếp tục đầu tư thêm tàu mới, 6 tháng ước lợi nhuận 420 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 15/6, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (Mã chứng khoán PVT - sàn HOSE) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2020, kết thúc năm tài chính doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 7.730 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, lần lượt bằng 125% và 192% so với kế hoạch mà Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 giao cho ban lãnh đạo.

Trong năm 2020, PVTrans tiếp tục giữ vững vị trí là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, trong năm đã thực hiện vận chuyển an toàn 1.745 chuyến hàng các loại, bao gồm vận chuyển hơn 5 triệu tấn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và lọc hóa dầu Nghi Sơn; hơn 2,2 triệu tấn dầu sản phẩm, 1,9 triệu tấn LPG. PVTrans tiếp tục duy trì 100% thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước; chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu tại nội địa.

Năm 2020, PVTrans cũng đẩy mạnh đưa tàu ra khai thác tuyến quốc tế với 2/4 tàu dầu thô, 10/11 tàu sản phẩm/hóa lỏng, 10/13 tàu LPG, 2/2 tàu hàng rời đang hoạt động.

Bước sang năm 2021, PVTrans đặt kế hoạch tổng doanh thu là 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế bằng 48,1% so với thực hiện trong năm 2020.

Trong năm tài chính 2021, doanh nghiệp dự kiến phấn đấu vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu khí đầu ra của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn do các đơn vị trong ngành phân phối. Tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô, các sản phẩm dầu khí trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu và tăng nguồn thu ngoại tệ.

Quản lý, vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả, đảm bảo không để xảy ra sự cố dừng sản xuất tàu FSO PVN Đại Hùng Queen tại mở Đại Hùng, duy trì dịch vụ O&M tàu FPSO Leweck Emas cho Premier Oil tại mỏ Chim Sáo và dàn CPP cho Idemitsu tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt.

Đối với kế hoạch đầu tư, công ty mẹ dự kiến đầu tư 2 tàu dầu/hoá chất khoảng 10.000 - 25.000 DWT với giá trị 39 triệu USD; 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 80.000 DWT với giá trị 15 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô Aframax khoảng 105.000 - 120.000 DWT với giá trị 26,5 triệu USD. Ngoài ra, các đơn vị thành viên dự kiến đầu tư mới 11 tàu.

Đội tàu của doanh nghiệp hiện đang có 34 chiếc, trong đó có gần 20 tàu chuẩn bị 20 năm tuổi vì vậy yêu cầu trẻ hoá đội tàu là bắt buộc và doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh đầu tư trong năm 2021.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVTrans cho biết, năm 2021 còn nhiều biến động và đặc biệt đại dịch Covid-19. Các tổ chức thế giới đều dự báo kinh tế dự báo tăng trưởng tốt ở Việt Nam và các nền kinh tế lớn. Trong khi đó, giá dầu cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh so với đầu năm. Hiện nay với nhu cầu năng lượng đã giảm khoảng 10% so với trước dịch. Mảng hàng thị trường hàng dời dự báo tăng trưởng.

Ông Việt Anh cho biết thêm, kết quả 6 tháng đầu năm dự kiến doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước tính 420 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 bằng 107% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm lưu ý, ông Phạm Việt Anh dự kiến sẽ chuyển sang chức Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Duyên Hiếu dự kiến sẽ thay ông Việt Anh giữ chức Tổng giám đốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thông qua kế hoạch cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10%

Phần thảo thuận

Kế hoạch của Công ty năm 2021 mua tàu mới khoảng 80 triệu USD, trong những năm tới sẽ đưa vào nhiều tàu để khai thác. Tỷ trọng từng mảng của doanh nghiệp trong những năm tới.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVTrans cho biết, doanh nghiệp đang rà soát kế hoạch 5 năm, doanh nghiệp đang dần đa dạng hoá nhiều mảng vào cơ cấu doanh thu.

Hiện nay, tỷ trọng dầu thô chiếm tỷ trọng lớn nhưng có xu hướng giảm, tỷ trọng mảng hoá chất có xu hướng tăng lên, tỷ trọng của LPG dự kiến cũng sẽ tăng lên. Nhờ chiến lược đa dạng hoá nhiều phân khúc vận tải giúp tình hình doanh nghiệp ngày một chắc chắn hơn.

Khi mỏ Bạch Hổ đã cạn dần, doanh nghiệp có lên kế hoạch thay thế như thế?

Sản lượng dầu ở mỏ Bạch Hổ đang giảm, BSR đang có kế hoạch sẽ tăng dần nhập khẩu dầu để bổ sung thêm nguồn dầu thô để chế biến. Năm 2021, BSR dự kiến tăng sử dụng dầu thô trong nước, trong dài hạn sẽ tìm nguồn cung mới từ nước ngoài.

Giá dầu tăng có tác động như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp?

Hiện nay, giá đầu tư tàu biến động không đáng kể nhưng giá cước biến động rất mạnh. Trong đó, lĩnh vực vận chuyển dầu thô biến động nhưng không ảnh hưởng quá lớn tới tình hình kinh doanh. Đặc biệt, giá dầu tăng sẽ giúp các khách hàng kinh doanh tốt hơn giúp công ty có thể đàm phán và hưởng lợi phí dịch vụ vận tải.

Ngoài ra, bản chất lĩnh vực vận tải cần đánh giá phụ thuộc vào lĩnh vực vận tải, các kho chứa… Nhìn chung, giá dầu chỉ là tham chiếu dự báo về thị trường.

Chính sách cổ tức trong thời gian tới?

Công ty đang cân nhắc lợi ích giữa Công ty, cổ đông và triển vọng phát triển trong tương lai. Vốn điều lệ 3.236,5 tỷ đồng vẫn không quá lớn so với khu vực và đặc biệt nếu công ty có kế hoạch tham gia thêm các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn.

Công ty dự kiến duy trì cổ tức 2 - 3 năm tới từ 10 - 15%, tuỳ vào tình hình thị trường và kết quả kinh doanh từng năm. Năm 2021 dự kiến cổ tức 10% bằng tiền mặt.

Việc thoái vốn?

Trước đây theo kế hoạch thoái vốn về 36%, hiện nay, kết quả cuối cùng chưa có và đang chờ quan điểm của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hiện Tập đoàn đang tạo cơ chế tốt cho PVTrans phát triển.

Tại sao doanh nghiệp quyết định gia tăng đầu tư đội tàu ở thời điểm hiện tại?

Việc đầu tư tàu hiện nay tương đối thận trọng. Trong khi nhiều nhà đầu tư chấp nhận một hoặc hai năm đầu sẽ lỗ. Tuy nhiên, PVTrans tất cả các dự án đầu tư tàu đều phải có lãi ngay năm đầu tiên.

Giá đầu tư tàu có tăng lên so với 2019, 2020 nhưng vẫn vùng đáy 10 năm. Vì vậy, PVT sẽ tiếp tục kế hoạch đầu tư trong vùng giá trung bình thấp của 10 năm để có giá vốn đầu tư trung bình đội tàu vùng đáy.

Sự đóng góp của chiến lược vận tải tuyến quốc tế như thế nào?

Hiện nay, PVT đang đẩy mạnh 80% đội tàu vận hàng quốc tế, nhưng chủ yếu là ký hợp đồng định hạn, cũng như một số hợp đồng cố định. Vì vậy nên phí cước vận tải quốc tế biến động chưa ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động của công ty trong thời gian qua.

Ngoài ra, hiện vận tải quốc tế chiếm 60% doanh thu và 50% lợi nhuận của PVT. Trong tương lai, định hướng vận tải quốc tế tiếp tục sẽ rất quan trọng đối với công ty.

Đề xuất kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới khi thị trường đang thuận lợi?

Công ty mong muốn có những nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tổ chức tham gia vào công ty trong thời gian tới.

PVT có kế hoạch thoái vốn công ty con không?

Hiện nay, công ty cũng đang có mong muốn giảm và có lộ trình giảm sở hữu tại một số đơn vị về 51% bằng phát hành cổ phiếu, hoặc thoái vốn để gia tăng sức mạnh tài chính.

Tại sao kế hoạch doanh thu năm 2021 thấp hơn khi giá dầu tăng?

Do kế hoạch kinh doanh được xây dựng từ tháng 10/2020, khi giá dầu đang giao dịch vùng thấp và không dự báo được chính xác biến động. Ngoài ra, Công ty luôn đặt kế hoạch thận trọng nhưng thực tế luôn vượt xa kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 84% kế hoạch lợi nhuận và bằng 107% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo về vận tải thị trường nội địa như thế nào?

Hiện nay, thị trường nội địa cơ bản khá ổn định và biến động không đáng kể. Trong đó, phân phối LPG khoảng gần 8.000 tấn/năm, nguồn sản lượng nội địa vẫn như vậy và chủ yếu vận chuyển cho BSR, PVGas... tổng vận chuyển LPG cũng hơn 1 triệu/năm, vận chuyển xăng dầu khoảng 2,5 triệu/năm, thị phần hiện vẫn đang giữ vững.

Tin bài liên quan