ĐHCD PAN: Cổ đông chất vấn về việc nhận vốn đầu tư nhưng không có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2019

ĐHCD PAN: Cổ đông chất vấn về việc nhận vốn đầu tư nhưng không có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2019

(ĐTCK) Năm 2019, CTCP Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.513 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so, lãi ròng ở mức 340 tỷ đồng, tương đương năm 2018. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), cổ đông chất vấn về việc, sau khi nhận khoản đầu tư từ Sojitz để M&A và phát triển kinh doanh  nhưng vì sao lại không thấy công ty có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019.

Trong năm 2018, PAN đẩy mạnh huy động vốn từ tổ chức quốc tế, cụ thể đã huy động 1.135 tỷ đồng trái phiếu, 817 tỷ đồng từ việc phát hành 13,4 triệu cổ phiếu cho tập đoàn Sojitz (đã được dùng để tăng sở hữu tại VFG, khoảng hơn 510 tỷ đồng)

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN cho biết, sau M&A, PAN sẽ đầu tư công nghệ, cải thiện nhiều quy trình hoạt động tại các đơn vị thành viên, như nhà máy chế biến nông sản Vinaseed hoặc dự án mở rộng vùng nuôi tại Fimex.

"Không có dự án mới đầu tư nào mà có thể sinh lời ngay, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần thời gian mới thấy hiệu quả. Chính vì các khoản đầu tư sinh lợi cần có độ trễ, nên năm 2019, lợi nhuận không thay đổi đáng kể so với 2018".

“Phải chấp nhận bỏ ra chi phí vốn đầu tư trong giai đoạn đầu phát triển. Sau khi mọi thứ đi vào quỹ đạo, doanh thu cùng lợi nhuận sẽ bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn và Tập đoàn sẽ thu về thành quả”, ông Hưng nói.

Nói về chiến lược M&A của Tập đoàn, ông Hưng cho rằng, PAN sẽ không thực hiện M&A bằng mọi giá mà chỉ với những công ty mục tiêu có tiềm năng và giá trị hợp lý. Ngoài ra, M&A cũng phải đến từ mong muốn của các đơn vị mục tiêu.

Đó cũng là câu trả lời cho việc vì sao PAN chào mua cổ phiếu VFG không thành công để nâng tỷ lệ sở hữu từ 41,88% lên trên 51%. Theo ông Hưng “có thể do người ta không muốn bán hoặc có thể mức giá chưa đủ cao”.

Về mảng hạt điều được cho là thị trường đang khó khăn, ông Hưng cho biết, kinh doanh hạt điều có 2 hướng làm, gồm hướng giao dịch hàng hóa nhân điều thô thì phụ thuộc rất lớn vào biến độ giá thế giới. Đây là bài toán khó giải quyết; hướng còn lại là hướng PAN đang làm là tập trung sản xuất, kinh doanh điều giá trị gia tăng, ít phụ thuộc vào giá điều nguyên liệu.

Ông Hưng tiết lộ, năm 2019, mảng điều bắt đầu có lãi, kế hoạch lãi gần 15 tỷ đồng.

Còn với mảng cá tra, PAN hiện chưa xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mà xuất sang thị trường Nhật Bản, châu Âu. Tập đoàn hướng đến việc phát triển mô hình sản xuất cá tra khép kín, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm chứ không cạnh tranh về giá.

Năm 2018, PAN ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 7.828 tỷ đồng và 567 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 92% và 13% so với năm 2017. Kết quả được đóng góp bởi sự tăng trưởng của các công ty chủ chốt trong Tập đoàn như Vinaseed, Bibica (BBC),… cũng như sự tăng trưởng của các công ty trong mảng thủy sản như Aquatex Bến Tre (ABT) và Sao Ta (FMC).

Theo phương án phân phối lợi nhuận, năm 2018 sẽ không chia cổ tức vì công ty đang cần tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh và nắm bắt các cơ hội M&A nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp.

Với năm 2019, PAN dự chia cổ tức 10%.

Ngoài ra, năm 2019, PAN đề xuất phương án phát hành tối đa hơn 43 triệu cổ phiếu thưởng (tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1) cho cổ đông hiện hữu trong năm 2019. Và PAN cũng dự kiến phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan