ĐHCĐ KSB: Năm 2020, sẽ hoàn tất chi phối doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn ở Đồng Nai

ĐHCĐ KSB: Năm 2020, sẽ hoàn tất chi phối doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn ở Đồng Nai

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) diễn ra sáng nay (29/5), ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc KSB cho biết, Công ty đang ủy thác đầu tư vào một công ty vật liệu xây dựng tại Đồng Nai, với tỷ lệ nắm giữ gián tiếp 41% và sẽ tăng tỷ lệ trong thời gian tới. Quy mô của công ty này còn lại 250 triệu tấn đá, gấp nhiều lần KSB và mức định giá rất lớn. 

Theo ông Đạt, mục tiêu của KSB khi mua công ty này là mở rộng kinh doanh và hướng tới trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực đá xây dựng. Trong năm nay, KSB dự kiến hoàn tất sở hữu chi phối ở công ty này và hợp nhất vào kết quả kinh doanh.

Nếu thực hiện thành công thương vụ này, áp lực bù đắp sản lượng khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa đối với KSB sẽ không còn đáng kể. Hiện KSB đang có khoản ủy thác đầu tư lên đến 1.300 tỷ đồng để tăng sở hữu cổ phần tại công ty vật liệu xây dựng này. 

Theo quy định của luật, mỏ Tân Đông Hiệp hết thời gian khai thác, Công ty phải hoàn trả lại Nhà nước sau khi hoàn nguyên. Hiện nay, KSB có đề án đầu tư vào đó một khu thương mại dịch vụ, nhà ở, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, KSB đang xin chủ trương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa có đề án quy hoạch chi tiết.

Chia sẻ thêm về kế hoạch bù đắp sản lượng khi mỏ đá Tân Đông Hiệp chính thức đóng cửa, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cho biết, sản lượng tồn kho dự trữ của KSB hiện khoảng 1,5 triệu m3, tương đương 75% cả năm 2019 (2,2 triệu tấn) - là số lượng đảm bảo bù đắp cho năm 2020. 

Trong năm 2019, KSB đã tận dụng khai thác và kế hoạch tiêu thụ năm nay để đảm bảo đủ sản lượng cho cả giai đoạn 2020-2021. Đồng thời, Công ty cũng đang có đề án cải tạo đóng cửa mỏ, tận thu thêm một phần. Song song đó, Công ty đã gia tăng công suất khai thác, chế biến, tiêu thụ ở các mỏ đá Phước Vĩnh, Tân Mỹ, Thăng Long. 

Hiện KSB cũng đang làm thủ tục để trình đề án, xin mở rộng mỏ Phước Vĩnh; tăng quy mô, xin giấy phép khai thác mỏ Tân Lập, và tiến hành mua lại một số mỏ đá khác trên thị trường. Với mỏ đá Tân Mỹ, Phước Vĩnh, công ty sẽ vừa mở rộng, vừa khai thác xuống sâu lần lượt 150 m và 100 m. 

Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn 2 sẽ cho thuê theo hình thức cuốn chiếu

Năm 2020, KSB đặt kế hoạch 1.476 tỷ đồng, lợi nhuận 320 tỷ đồng, không có sự tăng trưởng mạnh. Theo ông Đạt, về cơ bản, nếu không tăng công suất sẽ không tăng được sản lượng, nên muốn tăng trưởng, phải tăng công suất và nhanh chóng tìm kiếm mỏ đá mới, hoặc tăng gía bán. 

Năm 2019, giá không tăng do thị trường tiêu thụ chậm, sản lượng nơi khác ra nhiều, ngành xây dựng tăng trưởng âm. Vì thế, tiêu thụ hết tồn kho đã là thành công rồi. Năm nay, KSB kỳ vọng giải ngân mạnh cho đầu tư công tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng cao, qua đó cũng có giá bán tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế các tháng đầu năm nay chưa có nhiều thay đổi.

Đối với mảng khu công nghiệp, đóng góp khoảng 40% doanh thu, lợi nhuận năm 2019 và dự kiến tỷ trọng này không thay đổi nhiều trong năm 2020. Tuy nhiên, với tốc độ dịch chuyển dòng vốn nước ngoài, nhà máy ra khỏi Trung Quốc, thì bất động sản khu công nghiệp đang được kỳ vọng hưởng lợi khi nhu cầu tăng, kéo theo giá thuê tăng lên. 

Khu công nghiệp Đất Cuốc của KSB đang thực hiện đền bù giai đoạn 2 khoảng 200 ha (giai đoạn 1 đã bền bù xong 320 ha). Ông Đạt cho biết, trong 320 ha đã được đền bù, Công ty đã cho thuê hết khoảng 200 ha, còn lại đã cho thuê, ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, dự kiến cho thuê hết trong năm nay.

Với 200 ha giai đoạn 2, Công ty dự kiến năm nay sẽ vừa đền bù, vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thuê theo hình thức cuốn chiếu. Dự án còn 36 năm khai thác, giá cho thuê khoảng 80 USD/m2 cho 36 năm còn lại, đóng tiền sử dụng đất một lần và thu tiền thuê một lần.

Về vấn đề cổ đông đề nghị điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 của KSB theo hướng tăng thêm lợi nhuận, ông Đạt cho rằng, kế hoạch cần bám sát tình hình thị trường và KSB sẽ nỗ lực tối đa, tìm kiếm mọi giải pháp, nếu điều kiện thuận lợi sẽ gia tăng mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Theo ông Đạt, làn sóng đầu tư công và khu công nghiệp tăng nhưng mới chỉ là xu hướng, từ chủ trương đến thực tiễn là lâu dài. Trong khi đó, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng, dự án công trình chậm, kéo dài. Trong 5 tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ rất chậm, giãn cách xã hội làm ảnh hưởng nhiều hoạt động kinh doanh....

Tin bài liên quan