Ảnh Internet

Ảnh Internet

ĐHCĐ GTNFoods: Nhiều câu hỏi của cổ đông xung quanh phương án sáp nhập vào Vilico

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc họp trực tuyến Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) Công ty cổ phần GTNFoods (mã chứng khoán GTN: HOSE) tổ chức sáng nay (19/3) đã thông qua các phương án sáp nhập GTN và Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam (Vilico - mã chứng khoán VLC: UPCoM).

Sẽ chuyển hết lên niêm yết trên HOSE

Trình bày với cổ đông, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị GTN, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán VNM: HOSE) cho biết, thời gian thực hiện việc sáp nhập dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2021. Sau sáp nhập, GTN sẽ hủy niêm yết trên HOSE.

Chia sẻ lý do tại sao sáp nhập 2 công ty này, bà Liên cho rằng, việc sáp nhập nhằm đơn giản cấu trúc doanh nghiệp để khai thác chi phí hiệu quả hơn. Trước đó, thế mạnh của 2 công ty cũng chưa được khai thác hiệu quả, nên sáp nhập khai thác hiệu quả hơn. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập cũng sẽ khởi động dự án nuôi bò cho Tổng công ty.

“Việc nhập mẹ vào con hay con vào mẹ không quan trọng. Khi sáp nhập, chúng tôi lựa chọn phương án nào tốt hơn thì chọn. Thực tế, Vilico là thương hiệu lớn lâu đời, còn GTN là công ty mới, nên sáp nhập GTN vào Vilico sẽ phù hợp hơn”, bà Liên nói.

Trả lời câu hỏi của cổ đông rằng việc sáp nhập có công bằng với tất cả các cổ đông hay không và cơ sở nào để tính tỷ lệ hoán đổi, bà Mai Kiều Liên cho biết, trong ban lãnh đạo đã cân nhắc việc sáp nhập này với tỷ lệ hoán đổi như nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông.

Cơ sở xác định việc hoán đổi cổ phiếu căn cứ vào tỷ lệ giao dịch 30 phiên gần nhất của 2 cổ phiếu, căn cứ vào định giá của cơ quan kiểm toán với tỷ lệ hoán đổi là 1,6 cổ phiếu GTN lấy 1 cổ phiếu VLC.

“Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông nào không đồng ý với phương án sáp nhập thì có thể yêu cầu Công ty mua lại cổ phiếu theo điều lệ của Công ty”, bà Liên nói.

Về thủ tục và giá mua lại cổ phiếu của những cổ đông không đồng ý phương án sáp nhập, theo đại GTNFoods, cổ đông có thể liên hệ với bộ phận chuyên môn của Công ty để xác nhận phương án mua phù hợp theo điều lệ Công ty.

Cổ đông Sơn Trần, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hỏi: Tại sao GTN có kế hoạch lợi nhuận năm 2021 âm, còn Mộc Châu lại dương?

Cơ cấu cổ đông của VLC hiện tại gồm GTN đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 74,49% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông khác. Trong khi đó, VNM đang sở hữu 75% GTN, còn VLC sở hữu 51% MCM. Nếu sáp nhập thành công, VNM sẽ sở hữu 75% vốn VLC, còn VLC sở hữu 51% của MCM.

Đại diện GTNFoods cho rằng, kế hoạch kinh doanh này được lập trên cơ sở báo cáo hợp nhất, nên có những điều chỉnh nhất định trong báo cáo khi nhìn thấy các công ty con thu nhập tăng, nhưng GTN không tăng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh không đáng kể so với tổng thu nhập của công ty.

Cổ đông Ngọc Sơn Đinh hỏi: “Sau quá trình sáp nhập GTN hủy niêm yết HOSE, vậy cổ phiếu VLC trên UPCoM có chuyển sàn sang niêm yết HOSE không"?

Trả lời cổ đông, bà Mai Kiều Liên cho biết, tất cả chúng ta đều muốn công ty niêm yết công khai minh bạch để hoạt động kinh doanh tiếp cận quy trình quản trị thế giới, chính vì thế, chủ trương của tập đoàn là những doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường UPCoM sẽ chuyển lên HOSE. Tuy nhiên, vấn đề là phải đủ điều kiện thì mới lên được sàn HOSE. Theo bà Liên, Công ty Mộc Châu Milk (mã chứng khoán MCM - UPCoM) cũng đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển sàn HOSE.

Đối với câu hỏi, sau thương vụ sáp nhập GTN vào Vilico, liệu có thêm thương vụ sáp nhập nào của nhóm VNM, Mộc Châu hay Vilico nữa hay không, bà Liên trả lời, trong 5 tới 10 năm tới không có thêm vụ sáp nhập nào giữa các nhóm này.

“Sẽ không có chuyện sáp nhập Vilico với Mộc Châu, vì Vilico nghiêng về bên bò thịt, còn Mộc Châu nghiêng về bò sữa. Thương hiệu của 2 công ty đại diện cho 2 ngành khác”, bà Liên nhấn mạnh.

Tập trung phát triển dự án bò thịt, chưa tính tới phương án chăn nuôi lợn

Chia sẻ về vai trò của Vilico và VNM trong liên doanh dự án bò thịt, hợp tác với Sojitz Corporation - một tập đoàn lớn của Nhật Bản, ông Trịnh Quốc Dũng, thành viên Hội đồng quản trị GTNFoods cho biết, Vilico là thương hiệu lâu đời và có uy tín trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nên trong chiến lược của ban lãnh đạo sẽ tiếp tục phát huy và phát triển các ngành nghề cốt lõi của Vilico. Còn VNM đang có trang trại bò rất lớn trên toàn quốc, có thể nguồn cung bò thịt dồi dào.

“Khi định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt, chúng tôi rất trăn trở với câu hỏi phải phát triển như nào cho tốt nhất. Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy các sản phẩm thịt bò của Nhật đã phát triển ở tầm rất cao, chất lượng tốt, giá cả cũng luôn ổn định. Chính vì thế, khi thành lập liên doanh này với Sojitz Corporation, chúng tôi có thể ứng dụng kinh nghiệm sức mạnh thị trường của công ty này trong liên doanh. Tuy nhiên, Sojitz Corporation chỉ chiếm tỷ lệ cổ phiếu thiểu số trong liên doanh, nắm vốn chi phối vẫn là GTN và Vilico”, ông Dũng cho biết.

Cổ đông thắc mắc, Vilico là doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước đây, Công ty chuyên chăn nuôi về lợn và gia cầm, tuy nhiên sau đại dịch tả lợn châu Phi đã tạm ngừng hoạt động này cho đến nay. Sau này Vilico có khởi động lại việc chăn nuôi lợn hay không khi giá thịt lợn trên thị trường vẫn tăng cao?

Trả lời câu hỏi này, bà Mai Kiều Liên cho biết, Ban lãnh đạo Công ty vẫn chưa nghĩ tới phương án này, vì rủi ro dịch tả lợn châu Phi vẫn còn, trong khi Công ty đang có lợi thế về nguồn bê, nên sẽ tập trung vào bò thịt, vì nhu cầu thị trường về nguồn cung này rất lớn.

"Hy vọng trong năm nay, Công ty sẽ có nhiều sản phẩm thịt bò đưa ra thị trường”, bà Liên nói.

Tin bài liên quan