Theo đó, GIL dự kiến phát hành hơn 4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 21%. Sau khi hoàn tất trả cổ tức, GIL sẽ phát hành tối đa 1 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tiếp theo đó, Công ty sẽ phát hành 12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1, giá phát hành 15.000 đồng/cp. Vốn điều lệ dự kiến sau các đợt phát hành là 360 tỷ đồng.
Ngoài ra, GIL cũng có tờ trình phát hành tối đa 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, kỳ hạn tối thiểu 1 năm, tối đa 5 năm; lãi suất theo lãi suất thị trường vào thời điểm phát hành và tùy theo thỏa thuận.
Cổ đông ý kiến về chính sách cổ tức
Tại ĐHCĐ, nhiều ý kiến cổ đông cho rằng HĐQT nên đưa ra phương hài hòa lợi ích cổ đông và CBCNV, bằng cách cân nhắc lại cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời xem xét lại mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là 15.000 đồng/cp, trong khi thưởng cổ phiếu ESOP.
Thậm chí có cổ đông đề nghị, có thể không cần trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vào đó chuyển hết sang phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 11.000-12.000 đồng/cp.
Theo ban lãnh đạo Công ty, nội dung phát hành cổ phiếu ESOP đã xin ý kiến ĐHCĐ năm 2018 thông qua nhưng do trong năm, công ty tiến hành cải tổ nên tạm dừng chưa thực hiện việc phát hành ESOP, nay được chuyển sang năm 2019. Phương án phát hành được giữ nguyên, còn về giá, HĐQT GIL sẽ ghi nhận ý kiến cổ đông và để cổ đông biểu quyết thông qua.
Ông Nguyễn Việt Cường, TV HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành GIL nhấn mạnh, ESOP dành cho tất cả người lao động, được công ty tính tới cả cán bộ chủ chốt, chuyền trưởng, chuyền phó, công nhân lành nghề…, những người mà công ty cho rằng cần giữ họ lại. Tuy nhiên, số lượng phát hành là 1 triệu cổ phiếu, với quy mô 2.000 người lao động, thì con số này không bao nhiêu.
Về cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, cũng sẽ do cổ đông quyết định. Tuy nhiên, theo ông Cường, thành quả mà công ty đạt được đến ngày hôm nay là nhờ sự chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng từ 3 năm trước. Đến nay, năng lực sản xuất của công ty đã tới cực hạn, tức không thể nhận thêm đơn hàng gia tăng của khách hàng.
"Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đầu tư mở rộng, phải tuyển thêm lao động mới thì mới đảm bảo được tăng trưởng của công ty", ông Cường chia sẻ.
Tại Đại hội, GIL cũng thông qua tổng ngân sách đầu tư năm 2019 là 1.450 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh doanh dự kiến khoảng 450 tỷ đồng, vay ngân hàng tài trợ hoạt động vốn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, GIL sẽ tăng công suất các nhà máy sản xuất ngành hàng chính là hàng gia dụng (vải kết hợp với nhưa, vải kết hợp với kim loại). Hiện GIL có tổng cộng 63 chuyền may, bao gồm 21 chuyền ở nhà máy Bình Thạnh, 14 chuyền nhà máy Thạnh Mỹ, và gia công bên ngoài 28 chuyền. Năm 2019, GIL dự kiến đầu tư tăng lên 77 chuyền.
Đồng thời, mở rộng sản xuất thêm hàng may mặc, may gia dụng tại các vùng có chi phí lao động cạnh tranh như vùng 3, 4. Triển khai dự án đầu tư hệ thống kho tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch, Bà Rịa – Vũng Tàu. Và tìm kiếm cơ hội M&A trong ngành.
Ông Cường cho biết, GIL đang chờ đợi để tham gia đấu giá trong đợt thoái vốn Nhà nước tại CTCP dệt may Gia Định có khả năng diễn ra trong năm 2019 - 2020. Mục tiêu của GIL là nắm được tỷ lệ kiểm soát, trên 51% tại dệt may Gia Định. Hiện GIL đang sở hữu 25% tại công ty này.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019 căn cứ vào hợp đồng có sẵn
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu từ 1.800 – 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 85 – 95 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 10% - 30%.
Với thắc mắc của cổ đông về kế hoạch đi ngang trong bối cảnh thị trường chung đang tốt, ông Cường cho biết, đặc điểm hoạt động của GIL là biết trước doanh thu của cả năm 2020. Khách hàng đặt đơn hàng ở GIL cho cả 3 năm, ký hợp đồng đàng hoàng. Trên hợp đồng đó, GIL biết luôn sẽ đạt được bao nhiêu, trừ khi khách hàng có sự đột biến về nhu cầu thì họ đặt thêm, cái này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Liên quan đến thông tin đầu năm 2019, đợt hàng 57 container bị lỗi và Amazon đã trả về để công ty sửa, ông Cường cho biết, trong lĩnh vực sản xuất, thời gian và chất lượng là rủi ro mà doanh nghiệp thường gặp phải, đây cũng là điều bình thường. Hiện Công ty đã hoàn thành việc sửa và xuất lại bình thường cho khách hàng này.
Năm 2018, GIL đạt doanh thu 2.253 tỷ đồng, tăng 3,86% và vượt 25% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 163 tỷ đồng, tăng 13,68% so với năm 2017, vượt gần 72% so với kế hoạch.
Nguyên nhân chính là đơn hàng của khách hàng Mỹ gia tăng thì việc tổ chức lại mua hàng hiệu quả, tìm nhà cung cấp có giá cạnh tranh hơn. Cộng thêm tiết giảm chi phí, giảm hao hụt nguyên liệu và việc phát triển sản phẩm, khách hàng thuận lợi đã giúp GIL ghi nhận kết quả tích cực.
ĐHCĐ cũng tiến hành miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Hiếu theo đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT Công ty từ 10/4/2019. Đồng thời, đại hội bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Khánh cho nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Khánh hiện là Giám đốc điều hành của CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk và không sở hữu cổ phần nào tại GIL.