ĐHCĐ Gas Shipping (GSP): Chưa thống nhất được phương thức chia cổ tức 20% trong năm 2018

ĐHCĐ Gas Shipping (GSP): Chưa thống nhất được phương thức chia cổ tức 20% trong năm 2018

(ĐTCK) Sáng nay (10/4), Đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí Quốc tế - Gas Shipping (GSP - HOSE) đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2018 theo tỷ lệ 20%, nhưng bằng tiền hay cổ phiếu thì chưa có phương án cụ thể. Do đó, định hướng tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 460 tỷ đồng trong năm 2019 chưa được HĐQT trình tại Đại hội.

Với định hướng tái cấu trúc, GSP đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019 để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho việc đầu tư tàu. Do theo đánh giá của GSP, giá mua bán tàu vận tải khí hóa lỏng VLGC đang duy trì ở mức thấp, đây là cơ hội tốt để GSP đầu tư tàu mới, thay thế tàu cũ.

Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Phó tổng giám đốc GSP cho biết, HĐQT Công ty có kế hoạch tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu (tối đa 20%) và phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, thời điểm thực hiện cũng sẽ phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư tàu như dự kiến vào cuối quý IV/2019 hay dời sang năm 2020.

Tại Đại hội, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư trong năm 2019 lên tới 1.481 tỷ đồng nhằm đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 32% còn lại là vốn vay.

Theo đó, Công ty sẽ đầu tư gồm 1 tàu vận tải khí hóa lỏng (LPG) có sức chở khoảng 3.500 - 5.000 cbm không quá 14 triệu USD (322 tỷ đồng) vào cuối quý II và 1 tàu chở khí hóa lỏng loại VLGC có sức chở từ 75.000 - 85.000 cbm khoảng 50 triệu USD (1.150 tỷ đồng) vào cuối quý IV.

Về các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay, GSP thận trọng đặt tổng doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, giảm 22,6% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, giảm 29%.

Trong đó, mảng đóng góp lợi nhuận chính vẫn đến từ dịch vụ vận tải; mảng dịch vụ thương mại dự kiến đóng góp 50% doanh thu và tiếp tục không mang về lợi nhuận do chi phí bằng với doanh thu.

Năm nay, GSP sẽ tập trung khai thác đội tàu LPG, vận chuyển LPG cho PV Gas/ PV Gas Trading, BSR và nhà máy GPP Cà Mau; giữ vị thế hàng đầu ở thị trường nội địa thông qua sự hợp tác chặt chẽ với đối tác Nhật Việt (là đơn vị phụ trách việc điều phối phương tiện vận chuyển LPG cho nhà máy lọc dầu Dung Quất).

Bên cạnh đó, GSP sẽ sửa chữa trung gian 3/5 tàu, đầu tư thêm 2 tàu như kế hoạch nêu trên, đồng thời, tiếp tục triển khai vận chuyển tại Đông Nam Á và Bắc Á.

Tại phần thảo luận, cổ đông đại diện Quỹ đầu tư Nhật nêu ý kiến, việc đầu tư 2 tàu trong thời điểm hiện tại là thích hợp và tăng vốn là cần thiết.

Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, theo cổ đông này, GSP nên chia cổ tức tỷ lệ 10% tiền mặt và 10% cổ phiếu thay vì toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời, các hoạt động công bố thông tin phải được thực hiện tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Hiếu chia sẻ, sẽ cân nhắc với ý kiến về phương án phân phối lợi nhuận. Trong trường hợp đầu tư tàu LPG không thực hiện kịp trong quý IV/2019 thì toàn bộ cổ tức theo tỷ lệ 20% sẽ được thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của GSP vẫn là đầu tư tàu.

Một cổ đông khác tỏ ra lo ngại với số tiền đầu tư quá lớn, lên tới 1.482 tỷ đồng, gấp 2 lần tổng tài sản và 3,7 lần vốn chủ sở hữu (tại thời điểm 31/12/2018 theo báo cáo tài chính).

Trả lời thắc mắc trên, ông Hiếu cho rằng “Các chỉ số tài chính của GSP đang rất tốt. Các dự án khí hóa lỏng (LPG) lớn sẽ được triển khai tại Việt Nam. PV Gas cũng đang triển khai các dự án LPG, vậy nên Công ty có niềm tin lớn sẽ giành được hợp đồng vận chuyển. Ngoài ra, GSP cũng kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, vận chuyển LPG của Công ty sẽ vươn mạnh hơn ở quốc tế”.

Đại hội cũng thông qua tờ trình miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Tài Cương từ ngày 1/11/2019 theo chế độ nghỉ hưu và ủy quyền cho HĐQT bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT do PVTrans đề cử. 

Tin bài liên quan