Quý II/2020, doanh thu FRT có thể giảm 10-15% do Covid
Chia sẻ tại Đại hội, bà Điệp cho biết, quý I/2020, FRT có kết quả khá tốt so với quý IV/2019, tuy nhiên, quý II/2020, doanh thu có thể giảm 15-20% so với quý I do tác động của dịch Covid khiến 1/3 tổng số lượng FPT shop, tương ứng 170 shop đóng cửa và sang tháng 5 dù đã mở cửa trở lại nhưng nhu cầu của người dân vẫn giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đóng cửa, FRT có gửi thư xin điều chỉnh giá thuê mặt bằng và cũng đạt được chấp thuận. Thời gian giảm giá trong 3 tháng, từ tháng 4 - 6/2020. Điều này sẽ hỗ trợ khá nhiều cho kết quả kinh doanh chung của công ty.
Năm 2020, doanh thu chuỗi nhà thuốc tăng trưởng, chuỗi FPT shop giảm
Năm 2020, FRT đặt kế hoạch doanh thu 15.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với thực hiện năm 2020.
Về cơ cấu doanh thu, bà Điệp cho biết, sau khi đánh giá ảnh hưởng của dịch bênh Covid, FRT đặt mục tiêu doanh thu từ chuỗi FPT shop 13.820 tỷ đồng, trong khi năm 2019 là 16.100 tỷ đồng. Và năm 2019, nhìn thấy lỗ hổng cũng như điểm chưa tốt của F-Friends và Subsidy nên 2020 sẽ chủ động giảm, cũng sẽ điều tác động đến doanh thu của công ty.
“Năm 2020 có thể xem là điểm đáy của hệ thống FPT retail”, bà Điệp nói.
Để đạt được mục tiêu doanh thu ở trên, theo bà Điệp, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng online cho chuỗi FPT shop. Trong mùa dịch vừa qua, doanh thu online đã có đóng góp lên tới 50% tổng doanh thu Công ty, trong khi trung bình có tỷ trọng là 25%.
Bên cạnh đó, với câu chuyện khó khăn của thị trường chung, độ giảm về nhu cầu mua sắm tiêu dùng không thiết yếu và lưu lượng khách hàng đến shop sẽ ảnh hưởng nên FRT đạt mục tiêu khai thác triệt để cơ hội bán hàng.
Bà Điệp lấy ví dụ cụ thể, nếu trước đây, 10 khách hàng ghé cửa hàng, chỉ chốt thành công 3 khách, thì nay mục tiêu là phải chốt được thành công trên 5 khách. Và đồng thời tăng trưởng trung bình giá trị hoá đơn, chẳng hạn 1 hoá đơn của khách mua trung bình 5 triệu đồng, thì nay cố gắng kích thích chi tiêu lên 7 triệu, thông qua chính sách trả góp chẳng hạn.
Ngoài ra, mở rộng mở tập khách hàng liên kết, không chờ khách chủ động vào shop đang có xu hướng sụt giảm. Cụ thể FRT sẽ liên kết mobifone, hay khách hàng từ DH FPT, hay với FPT telecom.
Đối với chuỗi Long Châu, doanh thu tăng mạnh đến từ việc tiếp tục mở rộng cửa hàng.
“Biên lợi nhuận gộp của Long Châu cao hơn mảng di động, khoảng 3%. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu, sau giai đoạn đầu tư, lấy thị trường, đến quy mô ổn định, đàm phán với hãng tốt hơn, và triển khai chiến lược tự sản xuất một số nhóm hàng thì sẽ cải thiện biên lợi nhuận rất tốt”, bà Điệp nói.
Liên quan đến việc mở rộng chuỗi Long Châu trong khi Công ty chưa có lãi từ mảng này, cùng với khoản vay nợ nhiều và bị tác động bởi dịch covid, bà Điệp cho rằng, việc mở chuỗi kinh doanh mới, sẽ cần đầu tư và lỗ thời gian đầu. Quan trọng, khi số shop mở mới nhỏ hơn số shop tồn tại thì cơ hội hoà vốn sẽ đến.
Bên cạnh đó, khi mở quy mô đủ lớn thì khả năng đàm phán với các chủ đất sẽ có hiệu ứng. Ngoài ra, khả năng quản trị chi phí triển khai đội back office để hỗ trợ các khối kinh doanh sẽ càng tối ưu, và dần dần sẽ là chi phí cố định.
“Câu chuyện của FPT shop cũng như vậy, từng có 2-3 năm lỗ trong quá trình mở rộng. Các năm sau thì tăng trưởng nhanh”, bà Điệp nói và cho biết: “Ở cửa hàng nhà thuốc Long Châu thì 6 tháng sẽ hoà vốn và sau 6 tháng sẽ có lợi nhuận”.
Chia sẻ thêm tại Đại hội, Ban Chủ toạ FRT cũng cho biết, ổn định dòng tiền cũng là mục tiêu trọng tâm của công ty, nhờ dòng tiền từ 600 FPT shop (chưa có kế hoạch mở rộng thêm), quản lý tối ưu hàng tồn kho, đàm phán với các nhà cung cấp về thời gian giao hàng và thời gian thanh toán.
Còn với mục tiêu để đạt được lợi nhuận 220 tỷ đồng, bà Điệp cho rằng, Công ty sẽ phải nỗ lực để đạt 1.000 tỷ đồng từ phụ kiện (năm 2019 chỉ mới đạt 800 tỷ đồng). FRT kỳ vọng, với sự đầu tư nâng cấp về công nghệ trong năm 2019 sẽ giúp tối ưu hoá chi phí hơn trong 2020.
Sẽ mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh mới
Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc cho biết, FRT hướng đến trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam trong 3 năm tới, thông qua việc đa dạng mặt hàng ngành nghề kỹ thuật số, phát triển tiếp mô hình shop in shop. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mạnh vào chuỗi dược phẩm Long Châu sau khi đã tìm ra công thức để thành công trong năm 2019.
Hiện FRT và Ban lãnh đạo Long Châu đã tiến hành mở rộng, trong tuần qua đã công bố có 100 cửa hàng trên toàn quốc. Mục tiêu năm 2020 sẽ mở rộng lên 220 cửa hàng Long Châu.
Đồng thời, FRT sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, ngành nghề mới có thể phát huy kinh nghiệm sẵn có như quản trị chuỗi bán lẻ, quản trị trên nền tảng công nghệ, kinh nghiệm phục vụ khách hàng… Trong các tờ trình đại hôi, có nội dung bổ sung ngành nghề kinh doanh là để chuẩn bị cho mục tiêu này.
“Đây là những động lực cho FRT trong 3 năm tới”, ông Kiên nói.
Năm 2019, FRT phải trích lập dự phòng khoảng 100 tỷ đồng để xử lý nợ xấu
Năm 2019, doanh thu của FRT đạt 16,634 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 278 tỷ đồng, giảm 36%. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do FRT thực hiện trích lập dự phòng, nợ xấu trong quý IV/2019; đầu tư thực hiện chuyển đổi số cho FRT, bao gồm 2 chuỗi FPT Shop và Long Châu và do mở rộng chuỗi cửa hàng Long Châu. Bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết, năm 2019, 2 chương trình F-Friends và Subsidy giảm mạnh, kéo doanh thu Công ty giảm. Cụ thể, doanh thu F-Friends đạt 800 tỷ doanh thu, giảm 1,4%; Subsidy đạt 100 tỷ đồng, giảm tới hơn 85% cùng kỳ (năm 2018 đạt doanh số 764 tỷ đồng). Lợi nhuận năm 2019 do ảnh hưởng bởi hệ thống khiến Tập đoàn phải xử lý nợ xấu cho 2 chương trình F-Friends và Subsidy. Trích lập dự phòng trong năm 2019 khoảng 100 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn trích lập khoảng 10-15 tỷ đồng.Ngoài ra, theo định hướng nhập hàng phụ kiện quốc tế để gia tăng biên lãi, Công ty năm 2019 phải tiến hành thanh lý tất cả các phụ kiện nhập trong nước. |