ĐHCĐ Điện lực TKV (DTK): Giải đáp thắc mắc mức chia cổ tức không bằng gửi tiết kiệm tại ngân hàng

ĐHCĐ Điện lực TKV (DTK): Giải đáp thắc mắc mức chia cổ tức không bằng gửi tiết kiệm tại ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 29/5, Tổng công ty Điện lực TKV (mã DTK – sàn HNX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 với nội dung chia cổ tức 5,5%.

Các khoản đầu tư “đáng tiền” của Điện lực TKV

Tính tới cuối năm 2022, Điện lực TKV đang có 3 khoản đầu tư vốn bên ngoài, bao gồm góp vốn tỷ lệ 7,21% tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng; 10,62% tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh và 5% tại Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Kết quả hoạt động sản xuất của các đơn vị trên năm 2022 tích cực. Cụ thể, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đạt doanh thu 10.566,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 546,8 tỷ đồng, lần lượt đạt 99,9% và 96,5% so với kế hoạch đặt ra.

Tỷ lệ chia cổ tức của Nhiệt điện Hải Phòng năm 2021 là 8%. Theo đó, Điện lực TKV đã nhận được số tiền cổ tức là 28,84 tỷ đồng. Dự kiến cổ tức của năm 2022 là 10%.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh ghi nhận doanh thu 10.452,73 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 764,14 tỷ đồng (đạt 175,3% so với kế hoạch). Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2022 của Nhiệt điện Quảng Ninh, tỷ lệ chia cổ tức của Công ty năm 2021 là 16%. Tổng công ty Điện lực KTV đã nhận đủ số tiền cổ tức tương ứng là 76,45 tỷ đồng.

Năm 2022, trên cơ sở kết quả kinh doanh tích cực, Nhiệt điện Quảng Ninh đã tạm ứng cổ tức ở mức 5%, thời gian thực hiện từ ngày 9/3/2023.

Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đạt doanh thu 612,55 triệu USD, đạt 107,9% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 153,29 triệu USD, đạt 117,76% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 152,94 triệu USD, đạt 98,9% kế hoạch. Nguyên nhân chính lợi nhuận sau thuế gần đạt kế hoạch là do chi phí trong kỳ tăng, do lãi vay dài hạn bằng USD tăng vọt, vượt dự kiến, khiến chi phí tài chính tăng 0,8 triệu USD.

Năm 2022, Tổng công ty thực nhận được 8,25 triệu USD tiền cổ tức từ Điện lực Vĩnh Tân 1. Việc chia cổ tức 2022 được thực hiện vào cuối năm 2023. Tổng giá trị lợi nhuận năm 2022 được Công ty dự kiến phân phối trong năm 2023 là 152,94 triệu USD, tuy nhiên theo kế hoạch, Công ty mới có kế hoạch thực thanh toán 60 triệu USD và như vậy Điện lực TKV sẽ thực nhận được 3 triệu USD trong năm 2023.

“Về nội dung này, Tổng công ty đã kiến nghị trong cuộc họp Hội đồng thành viên vào tháng 3/2023, đề nghị Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 thanh toán hết cổ tức của năm 2022 trong năm 2023 cho các nhà đầu tư”, lãnh đạo Điện lực TKV cho biết.

Đánh giá về các khoản đầu tư này, Điện lực TKV nhận định: nhìn chung các công ty đều có kết quả sản xuất – kinh doanh rất khả quan, hàng năm đều thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông.

Băn khoăn tỷ lệ chia cổ tức

Về dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022, Công ty cho biết, số dư lợi nhuận công ty mẹ năm trước chuyển sang là hơn 410 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 là hơn 776 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối trên Báo cáo tài chính công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.186 tỷ đồng, tại báo cáo hợp nhất là 1.188 tỷ đồng.

Công ty dành hơn 652 tỷ đồng phân phối lợi nhuận. Con số này giảm nhẹ so với số tiền dành phân phối lợi nhuận ở lần dự thảo tài liệu đại hội được công bố đầu tiên là 695 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức là 5,5%.

Theo ý kiến một số cổ đông, mức chia cổ tức này thấp so với hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty và các công ty con, công ty góp vốn.

Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Điện lực TKV đều vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu 11.136 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 851 tỷ đồng. Trong năm 2022, các nhà máy của Tổng công ty (ngoại trừ Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả tiến hành sửa chữa lớn) vận hành ổn định, vận hành với công suất tối đa những thời điểm giá bán điện cao.

“Nhà đầu tư, cổ đông chỉ mong có thể nhận cổ tức cũng tương đương gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Agribank hay BIDV thôi”, một cổ đông chia sẻ tại Đại hội.

Về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hiệu, Phó tổng giám đốc Điện lực TKV chia sẻ, khả năng chia cổ tức cao hơn từ việc sử dụng lợi nhuận để lại là không còn, vì phải lập các quỹ theo quy định, nhất là có quỹ dự phòng chênh lệch tỷ giá trong bối cảnh hiện nay.

Về tình hình cổ đông, tổng cổ đông tổ chức của DTK thay đổi từ 7 cổ đông lên 8 cổ đông, bao gồm TKV, Bitexco, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ NB Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Finansia Syrus Securities Public Company (Thái Lan), Krungthai Zmuco Securities Company Limited (Thái Lan), KB Securities, NH Investment & Securities (Hàn Quốc). Bổ sung thêm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ NB Việt Nam và KB Securities so với tài liệu họp đại hội cổ đông lần 1 (ngày 9/5) và MBS không còn là cổ đông lớn tại công ty này.

Trong đó, KB Securitites Co chỉ sở hữu 100 cổ phiếu, NH Investment & Securities Co sở hữu 300 cổ phần, Công ty Thương mại dịch vụ NB Việt Nam 300 cổ phần…

Danh sách cổ đông của Điện lực TKV

Danh sách cổ đông của Điện lực TKV

Trong năm 2022, Tổng công ty giải ngân vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh với giá trị 3.446 tỷ đồng. Trong đó, vay Công ty mẹ (TKV) là 3.276 tỷ đồng, Công ty cổ phần Than - Điện Nông Sơn – TKV là 170 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, Điện lực TKV sở hữu 5.036,3 tỷ đồng nợ ngắn hạn, trong đó có 3.257,8 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Khoản mục nợ dài đạt 3.249,8 tỷ đồng, trong đó 2.848,4 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Tin bài liên quan