Toàn cảnh ĐHCĐ BaF Việt Nam sáng nay (15/3)

Toàn cảnh ĐHCĐ BaF Việt Nam sáng nay (15/3)

ĐHCĐ BAF: Tham vọng Top 3 về chuỗi hoàn thiện 3F, dự kiến chào đón quỹ đầu tư trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự kiến sau khi tăng vốn trong năm 2022, cộng thêm lợi nhuận dự kiến năm 2022 - 2023, vốn vay và khả năng cao sẽ có 2 quỹ đầu tư lớn trên thế giới tham gia, BAF có thể sẽ đảm bảo được nguồn vốn đầu tư đến năm 2025.

Tại ĐHCĐ thường niên 2022 CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) diễn ra sáng nay (15/3), các cổ đông đã đặt câu hỏi về kế hoạch phát triển chuỗi khép kín 3F để đạt mục tiêu dẫn đầu vào năm 2030 của Công ty.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá (hiện là Chủ tịch Tân Long group, đại diện pháp luật Siba Holdings – cổ đông lớn sở hữu 20,5% vốn điều lệ của BAF) cho biết, có 5 yếu tố quyết định thành công của mảng chăn nuôi heo.

Đầu tiên là phải chủ động được nguồn con giống, không thể kinh doanh chăn nuôi trên nền tảng mua giống trôi nổi trên thị trường. Đây là vấn đề cốt lõi nên BaF đã ký hợp đồng độc quyền với Genesus - top 3 nhà sản xuất con giống lớn nhất thế giới. Hiện BAF đã ký độc quyền với đối tác này tại Việt Nam và Myanmar về con giống.

Thứ 2 là thức ăn chăn nuôi phải chủ động cho chính đàn heo của mình, BAF có lợi thế là có đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng top đầu Việt Nam, để làm chất lượng thức ăn có giá thành tốt hơn thị trường, (thức ăn chăn nuôi chiếm 65% tổng giá thành cấu thành nên con heo hơi), đảm bảo chất lượng thức ăn tốt để có được chất lượng thịt heo đảm bảo, ngon nhất thị trường. Đồng thời, thông qua các kênh phân phối để tiêu thụ trên khắp thị trường với thương hiệu BaF Meat.

Thứ 3 là hệ thống chuồng trại, hiện đại, chuẩn an toàn sinh học cao, để đảm bảo con heo ít sử dụng thuốc kháng sinh, ít bị dịch bệnh, đảm bảo chất lượng thịt. Trại heo của BAF được xây dựng chuẩn tiên tiến nhất thế giới hiện nay, với trại heo giống Phú Yên có 5.000 heo giống là một trong các trại số 1 tại Việt Nam.

Thứ 4 là hệ thống quản trị, nhân sự và kỹ thuật chăn nuôi. Ông Trương Sỹ Bá cho biết, nuôi heo "tưởng dễ nhưng lại rất khó", bởi với đặc điểm khi mức cân nặng tầm 90 - 110 kg, nếu không xuất bán thì con heo ăn rất nhiều mà không tăng cân nhanh như giai đoạn trước, càng nuôi càng lỗ. Còn nếu số kg nhiều hơn, thì giá bán rất rẻ vì mỡ nhiều. Do vậy cần một bộ máy, hệ thống chuyên nghiệp, hệ thống quản lý kỹ thuật, chuyên nghiệp để giám sát và vận hành tối ưu.

Thứ 5 là an toàn sinh học. Cuối năm 2019 - 2020, dịch tả lợn châu Phi hoành hành nghiêm trọng, làm tổng đàn heo ở Việt Nam giảm và giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg. Bảo vệ đàn heo không bị dịch bệnh là sống còn với chăn nuôi.

Theo ông Trương Sỹ Bá, nếu BAF chỉ dừng lại nuôi heo hơi rồi bán ra thị trường, tức chuỗi 3F chỉ dừng lại ở Feed - Farm thì không phải là mục tiêu chiến lược của công ty và sẽ không cạnh tranh được với các tập đoàn FDI.

“BAF bắt buộc phải khép kín chuỗi 3F, trong đó Food là mảng quan trọng, giúp công ty không bán heo hơi mà tiến tới 100% giết mổ, thông qua kênh phân phối và chuỗi Siba Food, quầy Meat Shop để tiêu thụ tới người tiêu dùng cuối. Ngoài ra, chế biến sâu ra sản phẩm giò chả, xúc xích để nâng cao giá trị gia tăng của con heo”, ông Bá nói tại đại hội.

Nếu xây dựng được chuỗi 3F hoàn chỉnh mới tạo được khác biệt, vì chưa có công ty nào có đủ chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến bàn ăn, các tập đoàn lớn cũng chỉ làm được 5 - 7% tổng đàn. Mục tiêu giá bán heo hơi tối thiểu 50.000 đồng/kg ở các chuỗi bán lẻ của mình.

Với tốc độ phát triển chuỗi thì hiện nay, số đàn BAF chưa đáp ứng kịp lượng heo cần cung ứng cho chuỗi, nên BAF sẽ phải đưa cám và giống ra thị trường và thu mua heo, có đội ngũ kiểm soát chất lượng để đảm bảo chất lượng như BAF tự nuôi.

Dự kiến đến năm 2025, BAF sẽ có 5.000 cửa hàng Siba Food (cửa hàng mẹ) và 15.000 cửa hàng Meat shop (cửa hàng con), đến năm 2030 là 1.500 cửa hàng mẹ và 15.000 cửa hàng Meat Shop và mỗi cửa hàng Meat shop bán 1 - 1,5 con heo/ngày.

Trong báo cáo chiến lược 5 năm tới, BAF đặt mục tiêu trở thành Top 3 công ty về chuỗi hoàn thiện 3F, có 35 - 40 trại tới năm 2026, tổng đàn nái sinh sản 65.000 - 70.000 con, tổng đàn heo thịt bán ra thị trường 2,5 triệu con thương phẩm. Đến 2030, tổng đàn nái sinh sản lên 200.000 con, bán ra thị trường 6 triệu con nái thương phẩm (đây là số heo mang đi giết mổ và bán ra tới tận tay người tiêu dùng). Toàn bộ sẽ bán vào hệ thống cửa hàng trên, không bán dạng heo hơi, đảm bảo biên lợi nhuận BAF luôn trên 30%.

Trong nội dung tờ trình ĐHCĐ, BAF tiếp tục có kế hoạch đầu tư mở rộng lớn nhằm nâng số lượng trang trại nuôi và nhà máy chế biến, giết mổ. Năm 2022, BAF dự kiến đầu tư 10 dự án mới ở nhiều tỉnh thành, đồng thời mới đây, ngày 7/3/2022, BAF thông qua kế hoạch đầu tư 2 dự án nuôi heo tại Gia Lai với tổng quy mô 120 ha, cung cấp 10.000 nái và 120.000 heo thịt/lứa, tổng vốn đầu tư hai dự án không quá 35% tổng tài sản, tương đương 1.910 tỷ đồng.

Với kế hoạch đầu tư như trên, bài toán nguồn vốn được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ông Phan Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT BAF cho biết, nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2023 là 4.500 tỷ đồng. Sau khi được ĐHCĐ thông qua, BAF sẽ tăng vốn lên 1.435,2 tỷ đồng, đủ vốn đối ứng để có thể dùng vay nợ ngân hàng, ước tính lợi nhuận năm 2022 - 2023 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng - tức Công ty sẽ dư tiền mặt nếu không có kế hoạch đầu tư thêm. Tuy nhiên, Công ty sẽ tính toán bài toán chi phí hiệu quả, sử dụng nhiều kênh để có nguồn vốn đầu tư.

Ông Ấn chia sẻ thêm, Công ty dự kiến trong năm 2022 sẽ có quỹ đầu tư lớn trên thế giới tham gia vào BAF. Nguồn vốn Công ty khi đó sẽ được tăng lên khá lớn, đảm bảo cho cả nhu cầu đầu tư năm 2025, khi đó Công ty chỉ cần tập trung vào vận hành, kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả hoạt động cao nhất.

Năm 2022, BAF lên kế hoạch doanh thu thuần 5.950 tỷ đồng, giảm đến 43% so với thực hiện năm 2021 nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại tăng 25% lên mức 402 tỷ đồng.

Trong cơ cấu lợi nhuận, chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng chăn nuôi, với doanh thu dự kiến 1.272 tỷ đồng, nâng tỷ trọng đóng góp từ 7% (năm 2021) lên 21% tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 294 tỷ đồng, tương ứng đóng góp 73% tổng lợi nhuận. Kế đến là kinh doanh nông sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

ĐHCĐ BAF cũng thông qua nội dung tăng vốn điều lệ từ 780 tỷ đồng lên 1.435,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 84% thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.

Cụ thể, phát hành 35,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 45% (mỗi cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, 100 quyền sẽ được nhận thêm 45 cổ phiếu mới). Nguồn vốn sử dụng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2021.

Và phát hành 30,43 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 39%, nguồn vốn sử dụng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021.

Dự kiến sẽ thực hiện trong quý II/2021.

Đại hội cũng tiến hành miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Anh Tuấn (có đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT từ ngày 15/3/2022). Đồng thời, ĐHCD BAF tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 là ông Trương Sỹ Bá - nhân sự đề cử từ cổ đông lớn Siba Holdings (nắm 20,5% vốn BAF).

BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu 3F (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến.

Năm 2021, BAF có sự chuyển mình trong chiến lược trở thành tập đoàn chăn nuôi theo mô hình hiện đại, khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Theo đó, định hướng kinh doanh mới của BAF là giảm tỷ trọng ngành thương mại nông sản thuần túy sang chăn nuôi theo mô hình khép kín – cũng là mảng có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra, BAF dịch chuyển dần từ kênh phân phối từ bán thương lái sang bán cho kênh nhà phân phối và Sibafood (chuỗi hệ thống bán lẻ phân phối độc quyền cho thịt heo BAF. Định hướng sắp tới, chuỗi cửa hàng siêu thị mini Sibafood với các quầy hàng Meat shop sẽ tiêu thụ toàn bộ đầu ra của BAF.

Tin bài liên quan