ĐHCĐ ACB: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, quý I đạt hơn 5.000 tỷ đồng

ĐHCĐ ACB: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, quý I đạt hơn 5.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2023.

Quý I đạt 5.100 tỷ đồng, tự tin với kế hoạch 2023

Năm 2023 ACB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng dự chi cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh, ACB đề ra mục đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế ACB đề ra cho năm 2023 là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.

Trong quý I/2023, ACB ước đạt lợi nhuận 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ 2022 và đạt 26% so với kế hoạch cả năm; tăng trưởng huy động hợp nhất 2,1% so với cuối năm 2022; CAR là 13,1%.

Trong các chỉ tiêu tăng trưởng thì tăng trưởng tín dụng của ACB đến quý I/2023 lại giảm 0,6%, nhưng theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, điều này đã được Ngân hàng dự báo trước. Bởi với diễn biến khó khăn của nền kinh tế và đặc thù của ACB là ngân hàng bán lẻ, nên việc sụt giảm tăng trưởng tín dụng là điều khó tránh trong quý I/2023.

Tuy nhiên, ACB sẽ tiếp tục ổn định NIM, hài hòa lợi ích của ngân hàng và người gửi tiền, đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp, làm sao giảm lãi suất cho vay.

Vừa qua, ACB đã giảm lãi vay 3%, làm sao hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, kinh tế. Đồng thời, ACB cũng cố gắng tiết giảm chi phí, ổn định NIM.

Tuy nhiên, dư nợ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã dần hồi phục từ tháng 3/2023. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đến cuối quý I/2023 vẫn được kiểm soát mức dưới 1%.

Trả lời cổ đông tại đại hội, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, trước bối cảnh tình hình khó khăn của kinh tế cũng tác động lên nợ xấu của ngành và ACB nói riêng. Nợ xấu của ACB đã tăng nhẹ lên 0,84 từ mức 0,74% cuối năm 2022. Tuy nhiên, điều này cũng đã được ACB lường trước được khó khăn và Ngân hàng cũng đã có phương án để kiểm nợ xấu ở mức dưới 1%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, ông Trần Hùng Huy cũng đưa ra nhận định, kinh tế năm 2023 được nhận định còn khó khăn hơn so với năm trước. Điều này cũng đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 của ACB. Song với kế hoạch kinh doanh đưa ra cho năm nay, theo ông Huy, Ngân hàng vẫn tự tin để đạt được.

Chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu và tiền mặt

Về phân phối lợi nhuận, HĐQT ACB trình ĐHĐCĐ thông qua việc chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Cụ thể, ACB dự kiến phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia (theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022).

Cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2023. Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2023, ACB dự trình chia cổ tức 2023 với tỷ lệ 25% (15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt).

Trước đó, báo cáo tài chính đưa ra kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm. Đến cuối năm 2022, tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%.

Cùng với tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ACB tiếp tục khẳng định thế mạnh ở chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% - thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.

Cũng theo ACB, trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất trong năm qua, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.

Năm 2022, ACB cũng đã chào đón thêm hơn 1 triệu khách hàng mới. Bước sang năm 2023, ACB tiếp tục tăng tốc số hóa nhằm mang đến hành trình trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng song song với chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nhà băng này cũng đặc biệt coi trọng yếu tố con người. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng đang thay đổi mạnh mẽ tư duy và văn hóa nội bộ theo hướng chuyển đổi số, từ đó cùng nhau làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm mang lại thành công cho khách hàng.

Không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ bất động sản thấp

Trả lời cổ đông về việc ACB có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hay không? Ông Từ Tiến Phát cho biết, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.ACB còn được đánh giá là ngân hàng có mô hình quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế hàng đầu khi hoàn thành BASEL III và ILAAP vào năm 2022.

Trả lời cổ đông tại đại hội, Tổng giám đốc ACB cũng cho biết, trước bối cảnh tình hình khó khăn của kinh tế cũng tác động lên nợ xấu của ngành và ACB nói riêng. Nợ xấu của ACB đã tăng nhẹ lên 0,84 từ mức 0,74% cuối năm 2022.

Tuy nhiên, điều này cũng đã được ACB lường trước được khó khăn và Ngân hàng cũng đã có phương án để kiểm nợ xấu ở mức dưới 1%.

Trong đó, tỷ lệ cho vay bất động sản là 24%, trong đó 82% là cho vay mua nhà để ở, còn lại là cho vay doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác.

Tỷ lệ cho vay bất động sản của ACB ở mức rất thấp và chủ yếu là bất động sản ở phân khúc cá nhân vay mua nhà, trong đó cho vay bất động sản kinh doanh chỉ chiếm 1% trên tổng dư nợ nên cũng không phải là điều đáng lo ngại về vấn đề nợ xấu.

Với kết quả đạt được trong quý đầu năm nay, theo ông Phát, ACB tự tin hoàn thành được kế hoạch đưa ra cho cả năm 2023. Đồng thời, dư nợ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cũng sẽ đạt mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép khoảng 13-14%, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ.

Trong đó, bán lẻ chiếm 60% và doanh nghiệp chiếm 40%. Nhưng với mảng bán lẻ của ACB khá đặc thù không giống với các ngân hàng khác đó là ACB chủ yếu tập trung cho vay hộ kinh doanh và cá nhân mua nhà. Còn với mảng doanh nghiệp, ACB cũng chỉ tập trung vào khách hàng SMEs.

Tin bài liên quan