Doanh thu hoạt động khai thác cảng đạt 2.338 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh lĩnh vực cảng duy trì tăng trưởng ổn định và đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của Tập đoàn.
Khu vực phía Bắc, với việc quản lý theo mô hình quản trị tập trung, tối ưu hóa nguồn lực trong mọi hoạt động từ khai thác, kỹ thuật đến hoạt động marketing nên khu vực này giữ vững được kết quả kinh doanh đáng khích lệ.
Khu vực phía Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt với hiệu suất kinh doanh cao do sự phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng và doanh nghiệp.
Hoạt động Logistics năm vừa qua tăng trưởng khá tốt, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 30%, tăng 23% so với cùng kỳ. Năm 2019, GMD đã triển khai khai thác giai đoạn 2 của Trung tâm Logistics hàng ô tô (KGL) đầu tiên tại Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An, tiếp tục đầu tư đội tàu sông, mở rộng dịch vụ chuỗi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển khách hàng mới, đầu tư mở rộng kho bãi, và các loại xe tải đa dạng… để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, sự hợp lực với đối tác CJL đã bắt đầu mang lại nhiều kết quả tốt, qua đó, GMD đã vươn lên trở thành nhà khai thác chuỗi cung ứng tích hợp và giải pháp logistics toàn diện số 1 cả nước.
Về khai thác Cảng: Các Cảng Phước Long - Bình Dương, Cảng Dung Quất đạt kết quả tốt, vượt mức kế hoạch cả về sản lượng thông qua và doanh thu. Cụm các cảng tại Hải Phòng gồm Cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ, Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD trong năm 2019 giữ vững được tốc độ tăng trưởng mặc dù tình hình cạnh tranh hết sức gay gắt.
Về logistics: Giữa bối cảnh thị trường vận tải biển vẫn còn đang rất khó khăn, GMD là đơn vị hiếm hoi ghi nhận mức lợi nhuận vượt xa kế hoạch trong hoạt động shipping.
Các hoạt động tiêu biểu của GMD logistics trong năm 2019 bao gồm mở rộng dịch vụ chuỗi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thêm khách hàng mới, đầu tư mở rộng kho bãi, phương tiện vận tải…, GMD đã tích hợp thế mạnh chuỗi Logistics, cho ra đời các sản phẩm dịch vụ mới trong đó có dịch vụ tư vấn giải pháp Logistics toàn diện, giúp thiết kế tối ưu chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Lĩnh vực cao su: GMD dừng trồng mới, tập trung chăm sóc diện tích đã trồng từ các năm trước để vừa đảm bảo tốc độ sinh trưởng vừa giảm chi phí đầu tư,khi thị trường thuận lợi sẽ tiến hành khai thác mủ và nghiên cứu hợp tác - chuyển nhượng dự án.
Về tiến độ các dự án: Trong năm 2019, GMD đã triển khai nhiều hạng mục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực khai thác như: Nâng cấp bãi và văn phòng Cảng Nam Hải; Nâng cấp CY và lắp đặt hê thống 8 cẩu RTG tại cảng Nam Hải Đình Vũ; Mở rộng diện tích và lắp đặt thiết bị tại Cảng Bình Dương; Đóng thêm tàu S1 loại lớn nhất cả nước... là tiền đề cần thiết để GMD tiếp tục nâng cao công suất cảng và đẩy mạnh doanh thu, lợi nhuận cho các năm tiếp theo.
Về đầu tư mới, đáng chú ý nhất là vào tháng 2/2019, GMD và CMA-CGM đã tổ chức khởi công cảng Gemalink. Đây sẽ là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất Việt Nam, năng lực tiếp nhận megaship - loại tàu container thế hệ lớn nhất thế giới - phục vụ cho các liên minh hàng hải lớn có các tuyến tàu đi thẳng tới châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…
Tính đến cuối năm 2019, các hạng mục của cảng đã được thi công đồng bộ, đúng tiến độ và dự kiến sẽ khai thác kỹ thuật vào quý IV/2020. Cảng Gemalink là cảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng tiếp nhận các tàu lớn nhất thế giới, đến 200.000 DWT. Dự án đang được triển khai đúng tiến độ và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác chính thức từ quý I/2021.
Tại Hải Phòng, tháng 11/2019, GMD và Tập đoàn Sao Đỏ đã khởi công dự án Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2. Đây là bước tiếp theo của dự án cụm cảng Nam Đình Vũ đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đầu tư cam kết với Chính phủ và Thành phố Hải Phòng.
Đây sẽ là Cụm cảng lớn nhất của GMD tại miền Bắc. Tuy nhiên, sau đó đại dịch xảy ra nên doanh nghiệp tạm dừng triển khai, theo dõi sát diễn biến của thị trường; dự án Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 sẽ được tái khởi động vào thời gian thích hợp.
Về định hướng năm 2020
Chia sẻ tại ĐHCĐ sáng nay (22/6), Chủ tịch HĐQT ông Đỗ Văn Nhân cho biết, ngành của GMD là 1 trong 15 ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi đại dịch. Doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm một phần lương thưởng của cán bộ công nhân viên và Ban Lãnh đạo để duy trì dòng tiền, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên 2 kịch bản. Nếu như GDP tăng trưởng 4,8% thì doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 2.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt bằng 81% và 71% thực hiện năm 2019. Nếu như kịch bản GDP tăng trưởng 4% thì doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 430 tỷ đồng, lần lượt bằng 76% và 61% thực hiện năm 2019.
Về sản xuất kinh doanh: Ngay từ đầu quý I/2020, Công ty đã chủ động và đề ra nhiều biện pháp quyết liệt và xây dựng các kịch bản ứng phó để giải quyết những hệ lụy và tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19, cố gắng giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất từ việc sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng, vận tải nội địa, vận tải quốc tế do phải cắt bỏ tuyến chuyến tới nhiều quốc gia.
Về các chỉ tiêu tài chính: HĐQT xem xét báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông những tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp để trình Đại hội các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận phù hợp. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh, chú trọng công tác cắt giảm chi phí, tăng nguồn thu và lợi nhuận, xây dựng mức chi trả cổ tức phù hợp trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt cho năm 2020.
Đối với việc mua tối đa 25 triệu cổ phiếu quỹ, hiện nay chưa thực hiện được. Theo ý kiến của UBCK, phương án mua cổ phiếu quỹ của GMD có thể không đảm bảo được tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trình ĐHCĐ kế hoạch chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%.
Tầm nhìn đến năm 2025
Đến năm 2025, GMD hướng đến mục tiêu trở thành một tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực về khai thác cảng và logistics. Từ năm 2019-2020, Công ty đã và đang thực hiện 9 dự án quản trị để phát triển bền vững.
Đây là nhóm dự án tạo nền tảng cho Gemadept trở thành công ty hàng đầu logistics và cảng tại Việt Nam và khu vực.
Các xu hướng Mega Port - Mega Ship, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cơ hội từ các FTAs và cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt.