Deutsche Bank: Nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với chu kỳ bùng nổ - suy thoái thường xuyên hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích của Deutsche Bank dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ có sự thay đổi từ giai đoạn tăng trưởng vượt trội kéo dài 40 năm từ 1980 đến 2020, sang mô hình được đánh dấu bằng các chu kỳ bùng nổ và suy thoái thường xuyên hơn.
Deutsche Bank: Nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với chu kỳ bùng nổ - suy thoái thường xuyên hơn

Dự đoán này dựa trên một số yếu tố bao gồm lạm phát gia tăng có thể hạn chế tính linh hoạt của các ngân hàng trung ương cả trong nước và toàn cầu khi họ cố gắng cân bằng tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đã đạt mức cao chưa từng thấy trong những thập kỷ gần đây. Diễn biến này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của việc sử dụng thâm hụt ngân sách để kéo dài chu kỳ kinh doanh trong bối cảnh chi phí vay cơ cấu ngày càng tăng. Bất chấp những lo ngại này, các nhà phân tích đã chỉ ra một điều may mắn là suy thoái thường xuyên thường dẫn đến tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ hơn.

Trong các cuộc thảo luận gần đây giữa các nhà đầu tư về thời điểm và khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ, nhóm các nhà phân tích của Deutsche Bank đã xác định 4 chỉ số chính thường xảy ra trước một cuộc suy thoái trong khoảng thời gian 12 tháng: lạm phát tăng, đường cong lợi suất đảo ngược, lãi suất ngắn hạn tăng và giá dầu tăng cao.

Kể từ tháng 1/1980, Mỹ đã trải qua 6 cuộc suy thoái, trong đó có 4 cuộc kéo dài từ hai đến tám tháng.

Các nhà phân tích cũng tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phá vỡ một số ngành công nghiệp và công việc, có khả năng đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của chu kỳ kinh doanh kéo dài. Các nhà phân tích lập luận rằng, điều này không nhất thiết có tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế dài hạn nhưng có thể gây ra biến động kinh tế vĩ mô lớn hơn.

Trong lịch sử ở Mỹ, các cuộc suy thoái đã góp phần đáng kể khiến chỉ số S&P 500 giảm hơn 10%. Mức giảm trung bình trong các cuộc suy thoái này lần lượt là 21% và 26%, trong đó đợt bán tháo lớn nhất được ghi nhận vào năm 1932 trong thời kỳ Đại suy thoái.

Tuy nhiên, phân tích của Deutsche Bank cho thấy, bất chấp những đợt suy thoái này, Mỹ vẫn liên tục vượt trội so với các quốc gia khác trong G7 về hiệu quả dài hạn của thị trường chứng khoán, nhờ hệ thống tài chính thân thiện với doanh nghiệp hơn. Kết luận này được hỗ trợ bởi dữ liệu về lợi nhuận danh nghĩa và thực tế của nhiều loại tài sản đối với nhiều nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi kéo dài hơn 200 năm.

Vào tháng 4/2022, Deutsche Bank là ngân hàng lớn đầu tiên dự đoán Mỹ sẽ suy thoái. Dự báo được đưa ra trước khi lãi suất quỹ liên bang lên gần 5%.

Tin bài liên quan