Phần lớn nền kinh tế toàn cầu vẫn quay cuồng với các biện pháp phong tỏa và dãn cách xã hội đã làm giảm bất kỳ triển vọng tăng trưởng kinh tế nào trong năm nay.
Tuy nhiên, Trung Quốc được xem là một trong số ít nền kinh tế vẫn phát triển. Michael Spencer, chuyên gia kinh tế, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương của Deutsche Bank cho biết, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ rất ấn tượng với mức tăng trưởng 5 - 6% trong quý II so với mức tăng trưởng âm trong quý I.
“Nhu cầu nội địa đã giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục khá tốt”, ông nói.
Ông cũng cho biết, một vài các chỉ số khác như doanh số bán bất động sản và ô tô cũng bắt đầu quay trở lại bình thường ở Trung Quốc. Tình hình xuất khẩu ở Trung Quốc cũng tốt hơn so với dự báo nhưng có thể sẽ tiêu cực trong vài tháng tới do kinh tế suy yếu ở các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc.
Rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu chính là Mỹ. Michael Spencer cho biết, Mỹ đã mở cửa trở lại quá sớm, điều này có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 và các biện pháp hạn chế sẽ bị lặp lại. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn, bất chấp sự tăng vọt bất ngờ trong số liệu việc làm.
Biểu đồ dữ liệu việc làm của Mỹ
Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ Trung cũng trở nên gay gắt hơn trong thời gian gần đây. “Những quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên rất đáng lo ngại, và tôi nghĩ rằng chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong mùa hè này. Không có triển vọng nào giữa 2 quốc gia để có thể đi đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 2”, ông nói.
Hai nước đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1 và đã tạm dừng cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm. Chính quyền Trump đã có dự tính bắt đầu các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
“Thỏa thuận hiện tại là điều gì đó rất mong manh ngay cả khi rủi ro thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn có thể bị phá vỡ trong vài tuần hoặc vài tháng tới”, Michael Spencer cho biết.