Các doanh nghiệp dệt may đang có cơ hội lớn để bán hàng trực tiếp qua các kênh Amazon, Alibaba, eBay…

Các doanh nghiệp dệt may đang có cơ hội lớn để bán hàng trực tiếp qua các kênh Amazon, Alibaba, eBay…

Dệt may Việt sẽ bán hàng qua Amazon

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa tới Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều phải qua trung gian. Do vậy, việc bán hàng qua Amazon có thể giúp cắt giảm chi phí, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Thâm nhập bằng Amazon

Thị trường EU với 28 quốc gia thành viên đã nhập khẩu lượng hàng dệt may Việt Nam trị giá khoảng 3,7 tỷ USD trong năm 2016, tăng gần 6% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu này hầu hết được các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức ký hợp đồng xuất khẩu kiểu truyền thống, chủ yếu thông qua trung gian.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các doanh nghiệp dệt may đang có cơ hội lớn để bán hàng trực tiếp qua các kênh Amazon, Alibaba, eBay…

Nắm bắt được xu hướng này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, Trung tâm phát triển thương mại điện tử tổ chức Hội thảo “Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon”.

Hiện các sản phẩm thời trang, may mặc luôn đứng đầu bảng trong danh mục các sản phẩm được tìm kiếm và mua sắm nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, và đây là một thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may khi bán hàng qua kênh này 

Ông André M. Åslund, chuyên gia thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH, thuộc Amazon cho biết, là một trong 5 nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới, các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được bán trên toàn thế giới với trị giá gần 29 tỷ USD trong năm qua. Để có được giá trị xuất khẩu lớn hơn trong những năm tới, các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ các kênh bán hàng trực tiếp qua nền tảng thương mại điện tử.

“Bán hàng trên Amazon là cách tốt nhất để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận với hàng triệu người mua sắm. Nếu doanh nghiệp lựa chọn bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, sẽ giảm thiểu được đáng kể chi phí cho trung gian như cách xuất khẩu truyền thống hiện nay, cùng với đó là các dòng sản phẩm có thể bán qua Amazon cũng đa dạng hơn”, ông André M. Åslund khuyến nghị.

Tại EU,  hiện có  tới 76% người dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm qua kênh điện tử, 50% người sử dụng di động sử dụng kênh Amazon. Cũng có tới 55% khách hàng vào thẳng trang Amazon để tìm kiếm sản phẩm, thay vì vào các trang bán hàng riêng của nhà sản xuất. Cũng tới 86% khách hàng tham gia thương mại điện tử đều là khách hàng thường xuyên của Amazon.

Chỉ riêng tại Đức, doanh thu từ thương mại điện tử đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2014, doanh thu thương mại điện tử đạt 45 tỷ USD và năm 2016 đã tăng lên gần 49 tỷ USD.

Không bỏ lỡ cơ hội

Tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận kênh bán hàng qua Amazon, ông Ryan Ong, đại diện Công ty Vorwärts - đơn vị môi giới bán hàng cho Amazon cho hay, sứ mệnh của Công ty là giúp khách hàng cải thiện doanh thu bán hàng qua Amazon, bên cạnh phương thức truyền thống.

“Các doanh nghiệp không thể chậm trễ, để tuột mất cơ hội gia tăng thị phần và doanh thu bán hàng khi bỏ qua xu hướng kinh doanh qua thương mại điện tử, vốn đang được cả thế giới sử dụng”, là lời khuyên của vị này.

Theo bà Lê Thị Nhật Linh, Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty TNHH Ban Mai (Hưng Yên), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ năm 2018, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường EU cho hàng hoá của Việt Nam và Công ty sẽ không đứng ngoài các xu hướng kinh doanh hiện đại, để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.

Bà Linh cho rằng, điều doanh nghiệp cần là có được những thông tin về xu hướng thị trường và những loại sản phẩm được ưa chuộng trên các kênh bán hàng trực tuyến, cụ thể là Amazon, để có những phương án cụ thể trong việc đầu tư cho sản xuất và tiếp cận khách hàng đúng hướng hơn.

Đánh giá của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho thấy, hiện Amazon là website thương mại điện tử uy tín trên thế giới và được nhiều người mua hàng online tin tưởng.

Amazon cũng là website thịnh hành tại Mỹ, EU, nơi mà thương mại điện tử đã phát triển từ khâu tiếp thị tới khâu thanh toán và giao nhận…. Nền tảng này hứa hẹn sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng trên toàn cầu.

Hiện các sản phẩm thời trang, may mặc luôn đứng đầu bảng trong danh mục các sản phẩm được tìm kiếm và mua sắm nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, và đây là một thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may khi bán hàng qua kênh này.

Riêng đối với hàng thời trang, người dùng sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin cao gấp đôi so với người dùng máy tính

Tất nhiên, việc tham gia một phương thức bán hàng mới không chỉ toàn cơ hội. Theo chuyên gia đến từ Amazon, thách thức lớn nhất chính là làm thỏa mãn khách hàng về chất lượng và thiết kế sản phẩm.

Nhận định về chất lượng hàng hóa Việt Nam, ông André M. Åslund cho biết, ông và các đồng nghiệp đã thực hiện những nghiên cứu và thấy rằng, các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng rất tốt, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu rất cao từ EU. “Nếu chúng ta làm khách hàng hài lòng, họ sẽ giới thiệu sản phẩm của Việt Nam cho những khách hàng khác”, ông André M. Åslund nói.

Tin bài liên quan