Việc bắt tay giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với doanh nghiệp Ấn Độ là hoàn toàn khả thi
Không chỉ nỗ lực tìm nhà cung cấp các sản phẩm nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp đã tính chuyện xa hơn, có thể “bắt tay” với doanh nghiệp Ấn Độ sản xuất nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam.
Bà Phạm Ngọc Diệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt kim Đông Xuân nhận xét, Ấn Độ có nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất nguyên phụ liệu dệt may quy mô lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đó là một yếu tố thuận lợi khi tính chuyện liên kết với doanh nghiệp Ấn Độ để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại cả Việt Nam lẫn Ấn Độ.
“Việc bắt tay giữa doanh nghiệp trong nước với Ấn Độ là hoàn toàn khả thi, bởi Việt Nam là nước đứng trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may, trong khi Ấn Độ có giá trị sản xuất hàng dệt may hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Việc liên kết hợp tác sản xuất nguyên phụ liệu nên được triển khai càng sớm càng tốt”, bà Diệp nhấn mạnh.
Là nước sản xuất dệt may lớn trên thế giới, Ấn Độ có thế mạnh về bông sợi và dệt, cung ứng cho thị trường thế giới trên 25% mặt hàng vải cotton và nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có 3% nguyên liệu dệt may đầu vào của Việt Nam có xuất xứ từ Ấn Độ. Trong nỗ lực gia tăng mạnh hơn tỷ lệ này, mới đây, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM đã tổ chức sự kiện khởi động Chiến dịch “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) nhằm đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất, cung cấp nguyên phụ liệu dệt may trên thế giới.
Việc chủ động tiếp cận các doanh nghiệp Việt Nam tại những sự kiện giao thương tại chuyến đi xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Ấn Độ cũng thể hiện rõ mục tiêu “Make in India” của ngành dệt may nước này.
Qua thực tế khảo sát về thị trường nguyên phụ liệu tại Ấn Độ, bà Bùi Phượng Ngọc, Giám đốc Vifutex cho biết, trong khi Việt Nam yếu về khâu nhuộm, hoàn tất vải, thì Ấn Độ lại làm rất tốt khâu này. “Vifutex đang đàm phán với một số đối tác Ấn Độ để cùng đầu tư, chuyển giao công nghệ nhuộm hoàn tất cho phía Việt Nam”, bà Ngọc nói.
Các tập đoàn, doanh nghiệp dệt hàng đầu của Ấn Độ, gồm SRF, Kusumgarh Corporates, Supreme Nonwovens, Garware Wall Ropes, Century Enka, Techfab India, Ahlstrom, Pacific Non Woven, Vardhman và Unimin… đều là đối tác được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đàm phán.
Công ty cổ phần Sợi Phú Bài (sở hữu 7 doanh nghiệp liên kết với năng lực cung ứng 32.400 tấn sợi/năm) cũng đang gấp rút cụ thể hóa mục tiêu tìm đối tác Ấn Độ để đẩy mạnh quy mô sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Ông Bùi Nguyên Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Phú Bài cho rằng, Công ty có thể sản xuất được sợi, còn phía Ấn Độ có công nghệ nhuộm hoàn tất rất tốt, vì thế, hai bên hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để thành lập các liên doanh dệt, nhuộm hoàn tất tại các khu công nghiệp chuyên biệt của Việt Nam.
“Đó cũng là kỳ vọng hợp tác, lập liên doanh của Sợi Phú Bài với các đối tác Ấn Độ nhằm gỡ nút thắt nan giải của ngành dệt may Việt Nam trong khâu này”, ông Tiến nói.