CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM - sàn HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Theo đó, TCM ghi nhận doanh thu tháng 4/2024 đạt 11.927.543 USD, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 907.047 USD, tăng trưởng 399%.
Doanh thu dệt may tháng 4/2024 của Công ty đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 75%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu.
Doanh thu TCM 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. |
Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu TCM đạt 51.678.540 USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 33% so với kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 3.408.629 USD, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm.
Về tình hình đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã và đang nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III/2024.
Năm 2024, Công ty đề ra mục tiêu doanh thu 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD), tăng khoảng 12% so với kết quả thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế là 161,2 tỷ đồng (6,68 triệu USD), tăng khoảng 21% so với năm 2023.
Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và việc tiếp nhận đơn hàng hiện tại của Công ty, TCM hy vọng năm 2024, lượng đơn hàng xuất khẩu của Công ty sẽ khả quan hơn trong năm 2023 và đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.
Về tình hình xuất khẩu, TCM xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường lớn trên thế giới. Tháng 4/2024, xuất khẩu của Công ty sang thị trường châu Á chiếm 62,86%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 24,09%, thị trường Nhật chiếm 21,56%, Việt Nam chiếm 8,26%, Trung Quốc chiếm 5,38%. Tiếp đến thị trường châu Mỹ chiếm 32,2%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 28,66%, Canada chiếm 3,56%; còn lại thị trường châu Âu chiếm 3,8%, trong đó thị trường UK chiếm 2,83%.
Xuất khẩu TCM trong tháng 4/2024 theo các quốc gia, vùng lãnh thổ. |
Bên cạnh xuất khẩu những sản phẩm truyền thống, Công ty đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phầm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng khách hàng tại các thị trường còn nhiều dư địa cũng như tìm kiếm và mở rộng khách hàng và các thị trường mới để gia tăng doanh thu xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa hiện tại và trong thời gian tới.
Về tình hình chung của ngành dệt may, TCM nhận định, mặc dù những tháng đầu năm, nền kinh tế nước ngoài và trong nước có tín hiệu phục hồi, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng tốt tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các yếu tố như xung đột địa – chính trị đang tiếp diễn căng thẳng dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ đẩy các chi phí như năng lượng, vận tải lên cao.
Áp lực giá gia công chưa cải thiện làm hiệu quả sản xuất không cao trong khi đó, các chi phí đầu vào như tiền lương, giá điện sẽ tăng từ giữa năm. Thêm vào đó, các yếu tố bất lợi với doanh nghiệp dệt may, như những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may đang ngày càng rõ nét.
Các yếu tố thách thức vẫn còn đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải thận trọng, luôn sẵn sàng chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện bất ổn của thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/5, cổ phiếu TCM tăng kịch trần lên mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong hơn 2 năm qua của TCM.