Không phải đến bây giờ, ngành dệt may mới đề nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên phụ liệu

Không phải đến bây giờ, ngành dệt may mới đề nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên phụ liệu

Dệt may loay hoay tìm cách giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc

Trong bối cảnh tỷ lệ nội địa hóa còn tăng chậm, năng lực cung cấp từ thị trường Trung Quốc lại quá lớn, ngành dệt may vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho vấn đề đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên phụ liệu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành, đề nghị cung cấp số liệu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may gồm bông; xơ sợi, vải; các loại phụ liệu khác (chỉ, bông tấm lót, mex, cúc, khóa kéo...); thuốc nhuộm từ thị trường Trung Quốc năm 2013-2014.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Vitas, từ số liệu mà các doanh nghiệp cung cấp, Vitas nắm rõ hơn chủng loại, số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn cung ứng trong nước, cũng như tìm kiếm thị trường cung ứng thay thế, hướng đến mục đích cuối cùng tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc đang được Vitas đề xuất doanh nghiệp chủ động giao thương, tìm kiếm nhà cung ứng là Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, Ấn Độ.

Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đã chạm mốc 13 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc xấp xỉ 6 tỷ USD. Ước tính, nhập khẩu bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu các loại trong 5 tháng đầu năm 2014 là 5,7 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm hơn 50%.

Không phải đến bây giờ, ngành dệt may mới đề nghị các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên phụ liệu, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Tại các cuộc họp của ngành, các chuyên gia thương mại, thậm chí là nhiều doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu đều bày tỏ mong muốn này.

Nhưng mong muốn là một chuyện, còn thực tế lại khác hẳn, khi năng lực cung cấp nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc quá lớn, với những ưu điểm về nguồn hàng phong phú, giá cả hợp lý, vận chuyển nhanh…

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 5 và 5 tháng của Bộ Công thương, trao đổi về giải pháp giảm phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, bền vững nhất là đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước. Thực tế, câu chuyện đẩy mạnh sản xuất trong nước với các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ đã được nói đến nhiều năm nay, nhưng các nhà quản lý và kể cả doanh nghiệp vẫn chưa quyết liệt triển khai đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

So với những năm trước, nguồn cung cấp vải từ nội địa cũng đã tăng lên, song giá thành sản xuất còn cao, nên giá bán tới tay doanh nghiệp cao hơn giá nhập khẩu. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn cho biết, Công ty đã thăm dò các thị trường nhập khẩu khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia…, nhưng đây không phải là những thị trường mạnh về nguyên phụ liệu dệt may và giá còn cao, nên Công ty vẫn chưa tìm được thị trường khác thay thế thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, cách làm của Công ty Hóa chất nhuộm vải - Hóa chất trợ nhuộm (TP.HCM) chuyên cung cấp các loại hóa chất nhuộm là một điển hình đáng chú ý. Đó là thay vì chọn nguồn cung cấp thuốc nhuộm từ Trung Quốc, ông Vũ Văn Trịnh, đại diện Phòng Kinh doanh của Công ty cho biết, Công ty đã đàm phán với khách hàng trong nước về các loại hóa chất nhuộm nhập từ Ấn Độ và Indonesia có mặt bằng giá cao hơn hàng xuất xứ Trung Quốc và đã được các khách hàng chấp nhận.

Tin bài liên quan