Kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng
Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tăng 21,6%, cổ phiếu MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng 20,5%, cổ phiếu M10 của Tổng công ty May 10 - CTCP tăng 23,8%, cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công tăng 10,8%, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 12,6%..., đều cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index là hơn 9%.
Cổ phiếu nhóm dệt may tăng giá trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Quý III/2024, TNG đạt doanh thu gần 2.358 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 111,1 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, TNG đạt 5.884 tỷ đồng doanh thu và gần 241 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,2% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, ông Nguyễn Văn Thời cho biết, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính tăng mạnh nhờ việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Lượng đơn hàng hiện tại đã lấp đầy công suất đến hết năm 2024 nhờ các khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad, Sportmaster.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) ước tính, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt doanh thu 13.036 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 490 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện được gần 73% mục tiêu doanh thu và hơn 89% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay của Vinatex đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, nhiều doanh nghiệp dệt may đang có các đơn hàng đến hết quý II/2025, thậm chí quý III/2025.
Tại TCM, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý III/2024 ước đạt 89 tỷ đồng, tăng 65% so với quý III/2023. Doanh nghiệp đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024, kỳ vọng trong những tháng cuối năm, tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Đối với May 10, Tổng giám đốc Thân Đức Việt chia sẻ, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
MSH chưa có kết quả kinh doanh quý III/2024, song báo cáo tài chính bán niên soát xét cho thấy, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay đạt 138,6 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, kết quả kinh doanh năm 2024 của MSH sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu từ thị trường chính là Mỹ hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trở lại và câu chuyện đầu tư tại Ai Cập đem lại cơ hội lớn cho Công ty.
ABS dự báo, năm 2024, MSH có thể đạt doanh thu 4.877 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận sau thuế 309 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023. Sang năm 2025, MSH có thể đạt 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhìn lại ngành dệt may năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 10% so với năm 2022, chỉ đạt hơn 40 tỷ USD. Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, nguyên nhân chính đến từ sự suy giảm nhu cầu của thị trường Mỹ và EU do lạm phát cao, bên cạnh đó là sự cạnh tranh bởi ngành dệt may Bangladesh do có chi phí sản xuất thấp hơn đáng kể.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất, lạm phát trên thế giới hạ nhiệt, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada đang tăng trưởng trở lại, Vitas đánh giá, ngành dệt may có khả năng đạt được mục tiêu năm 2024 xuất khẩu 44 tỷ USD, bởi cuối năm là cao điểm mùa vụ của ngành để trả đơn hàng và sản xuất phục vụ nhu cầu dịp Noel, Tết 2025. Ngoài ra, bất ổn tại Bangladesh khiến nhiều thị trường nhập khẩu dệt may chuyển một phần đơn hàng sang Việt Nam để bù đắp số lượng thiếu hụt và giảm thiểu rủi ro.
Thách thức từ xu hướng tăng trưởng xanh
Dệt may và thuỷ sản được dự báo là hai nhóm xuất khẩu mạnh nhất trong giai đoạn cuối năm 2024.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024.
“Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thì trong cả năm 2024, khả năng cao Việt Nam sẽ chạm mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 732 tỷ USD vào năm 2022”, vị chuyên gia nhận định.
Ông Thịnh cho biết, cơ sở của nhận định là các số liệu tích cực về xuất nhập khẩu tính đến thời điểm hiện tại, trong đó xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng trưởng cao. Ngoài ra, thời điểm cuối năm là mùa vụ của ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa lợi thế thị trường, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh.
Tuy vậy, tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải 2024 diễn ra từ ngày 23 - 25/10/2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đánh giá, mặc dù đang đứng trước cơ hội lớn, song ngành dệt may Việt Nam cũng đồng thời chịu không ít thách thức trong chiến lược phát triển toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn cao hơn từ nhà mua hàng EU, Mỹ…, cũng như xu thế tất yếu phải phát triển xanh, bền vững, số hoá trong ngành đòi hỏi doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương nhận xét, doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với thách thức liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt phải đảm bảo yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA.
Trong báo cáo về ngành dệt may mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với các quốc gia khác mà còn giữa những doanh nghiệp nội địa. Khả năng sinh lời không có nhiều dư địa để mở rộng đối với các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại. Trong dài hạn, cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, hoặc định hướng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hàng thiết kế, tạo ra sự khác biệt nhằm cạnh tranh về chất lượng thay vì giá.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest dự báo, dệt may và thuỷ sản sẽ là hai nhóm xuất khẩu mạnh nhất trong giai đoạn cuối năm 2024. Nhưng ông lưu ý, việc xuất khẩu hồi phục và đầu tư cổ phiếu trong các nhóm ngành này là hai câu chuyện khác nhau. Triển vọng ngành đã được phản ánh phần lớn vào giá của nhiều cổ phiếu nên định giá hiện không còn rẻ. Nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ lưỡng từng doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội giải ngân.