Đơn hàng mới của ngành dệt may hiện vẫn ít ỏi

Đơn hàng mới của ngành dệt may hiện vẫn ít ỏi

Dệt may khó về đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối mặt với khó khăn kéo dài, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp dệt may đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhưng đường về đích hiện vẫn gập ghềnh.

Lợi nhuận lao dốc

Tính đến hết tháng 9/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) đạt doanh thu 12.187 tỷ đồng, giảm 14,2%; lợi nhuận trước thuế 288 tỷ đồng, giảm 76%; lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.

Do đó, từ ngày 10/11 - 22/11/2023, Vinatex lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023: giảm mục tiêu doanh thu hợp nhất từ 17.500 tỷ đồng xuống 16.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất từ 610 tỷ đồng xuống 370 tỷ đồng. Riêng kế hoạch kinh doanh công ty mẹ, Vinatex giữ nguyên mục tiêu doanh thu 1.900 tỷ đồng, song điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận từ 210 tỷ đồng xuống 130 tỷ đồng.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) ghi nhận quý III/2023 đạt 1.206 tỷ đồng doanh thu và 51,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 27% và 54% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Công ty cho biết, đơn hàng giảm kéo theo doanh thu giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận giảm mạnh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, May Sông Hồng đạt doanh thu 4.379 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 163,9 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế đạt 205 tỷ đồng), lần lượt giảm 22,6% và 41,4% so với cùng kỳ. Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Garmex (mã chứng khoán GMC) có kết quả kinh doanh tệ hơn khi đối mặt với tình trạng gần như không có đơn hàng trong quý III/2023, khiến doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 73 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 8 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ và thua lỗ 44 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 66 tỷ đồng.

Không ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, nhưng được kỳ vọng sang năm 2024 sẽ phục hồi.

Khó khăn của Garmex đến từ Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL). Trong 9 tháng đầu năm nay, Garmex không phát sinh khoản doanh thu nào từ đối tác Gilimex, trong khi cùng kỳ năm ngoái, đối tác này mang lại 224 tỷ đồng doanh thu.

Tại đại hội cổ đông bất thường cuối tháng 9/2023, lãnh đạo Garmex cho biết, hàng tồn kho của Công ty liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng.

Bản thân Gilimex đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm nên doanh thu lao dốc, còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý III/2023 âm hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 128 tỷ đồng.

“Khi những bất ổn quốc tế gia tăng, con đường phục hồi của Gilimex vẫn còn nhiều khó khăn”, Công ty Chứng khoán Mira Asset nhận định, đồng thời dự báo doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp dệt may này là 948 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và khoản lỗ thuộc về cổ đông kiểm soát có thể lên tới 54,5 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng thua lỗ vì khan hiếm đơn hàng, quý III/2023 lỗ 12 tỷ đồng, sau khi lỗ 10 tỷ đồng trong quý II và lỗ hơn 35 tỷ đồng trong quý I.

Một doanh nghiệp trong ngành sợi là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (mã chứng khoán SVD) lỗ hơn 12,1 tỷ đồng trong quý III/2023, ghi nhận quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Công ty này chia sẻ, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc gần như đóng băng, nên sản phẩm sản xuất ra không xuất khẩu được. Thị trường trong nước bị thu hẹp do yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất sợi. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu ngày một tăng, đẩy giá vốn hàng bán lên cao, còn giá bán thành phẩm giảm bởi sức ép cạnh tranh.

Kỳ vọng năm 2024 sẽ khởi sắc

Lãnh đạo Garmex đánh giá, tồn kho hàng dệt may tại Mỹ và châu Âu còn nhiều, nhu cầu chưa tăng mạnh nên đơn hàng mới vẫn ít.

“Tình hình sắp tới thế nào phải đợi 3 quý nữa, trong khi lãi suất tại các thị trường lớn đang tăng”, lãnh đạo Garmex nói và cho hay, Công ty đang tập trung giải quyết những tồn đọng, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro, đồng thời tiến hành khai thác tài sản hiện có nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) Trần Như Tùng cũng thận trọng khi nói về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, dù tính đến hết tháng 9, Công ty đạt doanh thu 104.877.000 USD, lợi nhuận 6.728.000 USD, lần lượt bằng 73% và 74% mục tiêu cả năm.

TCM kỳ vọng, quý IV/2023, thị trường sẽ phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi chậm, đơn hàng vẫn ít và có giá trị nhỏ.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, sự suy giảm về giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may tính đến hết tháng 10 đã thu hẹp so với cuối tháng 7.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sợi là 3,6 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 20,9% của 7 tháng đầu năm; giá trị xuất khẩu hàng may mặc là 27,8 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 14,9% của 7 tháng đầu năm.

Thị phần hàng dệt may Việt Nam được cải thiện tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 10 lần lượt đạt 18,1% và 29,9%, trong khi thị phần của Trung Quốc tại hai thị trường này tiếp tục giảm. Tại Nhật Bản, thị phần hàng dệt may Việt Nam tăng lên 16,4%, từ mức 16,2% cuối tháng 7. Tại Trung Quốc, thị phần hàng dệt may Việt Nam vẫn giảm, nhưng xuất khẩu sợi đang tăng trở lại.

Nhờ đó, hoạt động sản xuất dệt may có diễn biến hồi phục, đặc biệt là mảng dệt. Chỉ số sản xuất công nghiệp của mảng dệt trong 10 tháng đầu năm 2023 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp mảng may mặc thu hẹp mức giảm còn 1,3% so với mức giảm 5,5% của 7 tháng đầu năm. Ngoài ra, chỉ số lao động ngành dệt may tính đến đầu tháng 10 ghi nhận mức tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP năm 2023 của các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng như Mỹ tăng 1,1%, EU tăng khoảng 0,4%, Nhật Bản tăng 0,8%, Trung Quốc tăng 5,6%, dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, nỗi lo về một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ giảm, qua đó hỗ trợ nhu cầu chi tiêu các sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của không ít thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M, Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong mùa mua sắm cuối năm 2023 và kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng tiếp tục tăng trong năm 2024.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) đạt doanh thu 1.073,3 tỷ đồng, giảm 36,3% và lợi nhuận sau thuế 55,7 tỷ đồng, giảm 71,8% so với cùng kỳ. Chứng khoán Mirae Asset dự báo, cả năm 2023, Sợi Thế Kỷ sẽ đạt doanh thu 1.631 tỷ đồng, giảm 22,9%; lợi nhuận sau thuế 90,6 tỷ đồng, giảm 62,6% so với năm 2022.

Sang năm 2024, nhu cầu sợi dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi, giúp sản lượng của Sợi Thế Kỷ tăng lên. Ngoài ra, dự án Unitex giai đoạn 1 dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2024 sẽ bổ sung khoảng 18.000 tấn sợi có giá trị cao vào tổng sản lượng. Do đó, Sợi Thế Kỷ được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 2.704,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 179,4 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG), Chứng khoán Mirae Asset ước tính, lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 217,2 tỷ đồng, giảm 25,7% so với năm 2022, nhưng sang năm 2024 có thể đạt 341,3 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư Kirin Capital cho biết, tình hình xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với nhiều khó khăn bởi những yếu tố bất ổn về kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm kìm hãm các chỉ tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ... Số lượng đơn hàng ký mới giảm 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm. Tuy nhiên, các công ty trong ngành đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng và thị trường mới, đồng thời tiết giảm chi phí, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay.

Trong dài hạn, ngành dệt may có những tính hiệu tích cực. Các mặt hàng xuất khẩu sang EU được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, trong đó các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0%. Điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại EU, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.

Các thị trường thuộc khuôn khổ Hiệp định CPTPP ghi nhận kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng tốt trong năm 2022 như Canada, Mexico, cho thấy khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ Hiệp định.

Tin bài liên quan