Thưa ông, giá sợi giảm khiến biên lợi nhuận gộp của TCM giảm. Xu hướng này có tiếp diễn trong quý tới hay không?
Sau khi Mỹ công bố sẽ tăng thuế với hàng dệt may Trung Quốc thì doanh nghiệp nước này đã giảm mua sợi để hạn chế rủi ro, cộng với đồng nhân dân tệ giảm giá đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, trong đó có TCM. Biên lợi nhuận sản phẩm sợi của TCM trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận chung như báo cáo tài chính đã công bố. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, TCM đã tái cấu trúc, giảm sản lượng sợi xuống còn 50%, nên doanh thu từ sợi không lớn trong tổng doanh thu, vì thế ảnh hưởng đến kết quả chung không nhiều.
Như vậy, TCM được hưởng lợi như thế nào khi có cuộc thương chiến Mỹ - Trung?
Về logic, khi Mỹ tăng thuế hàng dệt may từ Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi, bởi lẽ Trung Quốc là nhà xuất khẩu số 1 vào Mỹ và Việt Nam giữ vị trí số 2. Thực tế, điều này đã có tác động tích cực đến TCM trong thời gian qua, khi doanh thu đến từ thị trường Mỹ đã tăng hơn mức dự báo của chúng tôi hồi đầu năm là 18%. Hai sản phẩm đóng góp doanh thu chủ yếu cho TCM là vải và áo vẫn tăng trưởng, đặc biệt là vải.
Với sản phẩm sợi, tỷ trọng nhỏ, TCM đã phát triển các loại sợi mới có biên lợi nhuận cao hơn và tìm các khách hàng mới từ những thị trường ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng số lượng sợi sử dụng nội bộ để sản xuất áo có biên lợi nhuận tốt hơn, từ đó sẽ giảm lượng sợi bán ra ngoài.
Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm thì khả năng TCM hoàn thành kế hoạch cả năm là 245 tỷ đồng lợi nhuận có khả thi không, thưa ông?
Tính đến thời điểm này, TCM đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2019, chúng tôi phải tìm thêm nhà sản xuất để đặt gia công vì đã hết công suất. Theo tình hình đơn hàng thì 6 tháng cuối năm 2019 sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm. Dẫn chứng cụ thể là doanh thu tháng 7 của TCM đạt 16,8 triệu USD và có khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch mà Ðại hội đồng cổ đông đã thông qua.
TCM có kế hoạch gì để tăng công suất, tiếp tục tăng trưởng khi cơ hội cho ngành dệt may mở ra từ Mỹ và từ thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực?
Năm 2020, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy nhuộm tại Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long, với công suất bằng 50% công suất của nhà máy hiện tại. Trong giai đoạn 2020-2025, chúng tôi sẽ đầu tư thêm khoảng 75 triệu USD cho nhuộm, dệt và may để nâng công suất lên gấp đôi so với hiện nay.
Chuẩn bị cho mở rộng đầu tư, bên cạnh những thị trường chính như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường EU vốn chiếm tỷ trọng còn nhỏ trong doanh thu của TCM, khi mà EVFTA được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực trong đầu năm 2020. Trong tháng 9 tới đây, chúng tôi sẽ tham dự triển lãm tại Paris (Pháp) để tiếp cận khách hàng tại EU với hy vọng sẽ tăng thêm thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng đã tiếp cận thị trường Canada nằm trong khối CPTPP và bước đầu có những đơn hàng đầu tiên xuất vào thị trường này trong thời gian qua.
Với thị trường Mỹ, bên cạnh những khách hàng truyền thống, gần đây chúng tôi đã làm việc với khách hàng Adidas và đã có những đơn hàng đầu tiên cho TCM sản xuất tại nhà máy mới Vĩnh Long. Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp cùng các chuyên gia của Adidas để sản xuất vải theo yêu cầu của khách hàng này và hy vọng đơn hàng sẽ ngày càng nhiều hơn từ Adidas.
Việc đầu tư dự án bất động sản TC Tower được triển khai đến giai đoạn nào, thưa ông?
Hiện tại, Công ty đang xin gia hạn giấy phép đầu tư cho dự án TC Tower, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến của các sở, ban ngành liên quan để xem xét phê duyệt. Trong khi chờ đợi được chấp thuận gia hạn giấy phép đầu tư, TCM đã phối hợp với E.Land E&C thực hiện song song các công tác thiết kế, lập kế hoạch và thủ tục thực hiện dự án…, để ngay sau được gia hạn, Công ty sẽ xúc tiến nhanh việc xây dựng. Nguồn vốn đầu tư dự án ước khoảng hơn 60 triệu USD, là vốn góp từ đối tác nước ngoài.