Khó khăn của ngành dệt may dần trôi qua

Khó khăn của ngành dệt may dần trôi qua

Dệt may dần nối lại đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình hình đơn hàng dệt may xuất khẩu đang có dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng nhu cầu tại các thị trường lớn sẽ hồi phục.

Mức giảm xuất khẩu nhỏ dần

Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 22,8 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tất cả các mặt hàng đều suy giảm như hàng may mặc đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,2%; vải đạt 1,37 tỷ USD, giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%; nguyên phụ liệu đạt 700 triệu USD, giảm 17%; vải không dệt giảm 25%.

Nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may sụt giảm là do xung đột địa chính trị, hậu quả dịch bệnh Covid-19, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tăng.

Dù vậy, tháng 7 đã có chuyển biến tích cực hơn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2023, giá trị xuất khẩu sợi và hàng may mặc của Việt Nam tăng 9,15% và 3,2% so với tháng 6, đạt 392 triệu USD và 3,2 tỷ USD; đặc biệt, giá trị xuất khẩu xơ sợi tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng dệt may.

Tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng dệt may.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%; hàng may mặc đạt 18,9 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022 (mức giảm của quý I/2023 lần lượt là 35,1% và 17,6%).

Xét cơ cấu thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 23,8%; Hàn Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 2,9%; Canada đạt 665 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hàng may mặc xuất khẩu sang Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 4,8%, đạt 2,2 tỷ USD và thị phần đạt 16,2%, mức cao nhất kể từ năm 2020.

Giá trị xuất khẩu hàng dệt may theo tháng.

Giá trị xuất khẩu hàng dệt may theo tháng.

Về xơ sợi, trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi. Xuất khẩu sợi sang Hàn Quốc giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn 223 triệu USD.

Ngoài ra, chi phí đầu vào của ngành dệt may được đánh giá đã chạm đáy. Giá bông gần đây có diễn biến đi lên, sau khi chạm mức thấp nhất 80 USD/pound vào tháng 7, cho thấy nhu cầu bông đầu vào cho ngành dệt may gia tăng, nhằm đón đầu triển vọng hồi phục thời gian tới. Giá dầu thô và chi phí vận chuyển đã tăng kể từ đầu quý III/2023, thể hiện sự cải thiện về nhu cầu chung.

Triển vọng nhìn về cuối năm

Kết quả hoạt động tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 của một số doanh nghiệp dệt may cho thấy bức tranh kinh doanh đang dần sáng lên.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM) cho biết, tình hình xuất khẩu gần đây có những tín hiệu tích cực và các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Việt Nam tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng so với trước. Kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu dệt may và nguyên liệu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo đó, lượng xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.

Riêng tại Dệt may Thành Công, trong tháng 7 vừa qua, tình hình kinh doanh khả quan hơn do thị trường Mỹ và EU bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sang quý IV, chuẩn bị cho mùa lễ, tết, hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực hơn.

Trong 7 tháng, Dệt may Thành Công đạt 78,9 triệu USD doanh thu, giảm 27%; lợi nhuận sau thuế 5,2 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Công ty đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 16%, sợi chiếm 6% tổng doanh thu.

Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công đã nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2023.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) cho biết, khó khăn nhất đã qua khi doanh thu tháng 7/2023 đạt 782 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng 6 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 4.116 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, 98% doanh thu của TNG đến từ xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ chiếm 47%, Pháp chiếm 15%, Canada chiếm 8%.

Với Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH), kết quả kinh doanh quý II/2023 được Công ty Chứng khoán SSI đánh giá là vượt trội so với các công ty cùng ngành khi trở thành doanh nghiệp duy nhất đạt được mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, mặc dù lợi nhuận sau thuế giảm 2%. Biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của May Sông Hồng trong nửa đầu năm 2023 là 10,6%.

Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK), doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 695 tỷ đồng, giảm 40,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 39,1 tỷ đồng giảm 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là trong quý II/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ, vì các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm của STK được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ sức cầu tiêu dùng có triển vọng tốt hơn.

Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP thực tế năm 2023 của các thị trường trọng điểm như Mỹ tăng 1,1%, Nhật Bản tăng 0,8%, Trung Quốc tăng 5,6%, dẫn đến sự gia tăng thu nhập, kéo theo niềm tin người tiêu dùng hồi phục. Với tâm lý tích cực hơn, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn mùa lễ, tết sắp tới.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của các thương hiệu thời trang lớn như Nike, H&M, GAP, Inditex đang thấp hơn nhiều so với hồi giữa năm 2022. Việc bổ sung hàng dự trữ trong thời gian tới sẽ đem lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp dệt may.

Hiện tại, đà phục hồi chậm khiến nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chật vật tìm kiếm đơn hàng và lo ngại khả năng khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành dệt may được một số công ty chứng khoán nâng mức đánh giá từ trung lập lên tích cực khi những khó khăn nhất của ngành dệt may dần đi qua, bức tranh kinh doanh sẽ cải thiện kể từ quý III.

Trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 dự kiến giảm 8 - 10%, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam năm nay ước đạt khoảng 40 tỷ USD, giảm 9 - 10% so với năm ngoái.

Tin bài liên quan