Dệt may, da giày lập kỳ tích xuất khẩu 71 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Khó khăn bủa vây, đơn hàng quý IV/2022 sụt giảm sâu, nhưng hai ngành dệt may và da giày vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.
Dệt may, da giày lập kỳ tích xuất khẩu 71 tỷ USD

Chinh phục thành công mốc 71 tỷ USD

Năm 2022, ngành dệt may và da giày đã mang về kim ngạch xuất khẩu 71 tỷ USD, trong đó dệt may đạt 44 tỷ USD; da giày - túi xách đạt 27 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.

Đặc biệt, trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy vậy, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số.

Còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022” cuối quý III năm ngoái, Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Lê Tiến Trường chia sẻ, tăng trưởng của các ngành xuất khẩu nói chung phụ thuộc rất nhiều vào tổng cầu của thế giới. Quý IV/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn tăng trưởng tốt của ngành dệt may, nhưng quý IV/2022, đơn hàng quay đầu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động.

Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu năm 2022 đã hoàn thành với tăng trưởng khá, song điều này không bảo đảm rằng, ngành dệt may và da giày sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do đang có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

Theo đó, đối chiếu tình hình đơn hàng thực tế, ngành dệt may, da giày dự báo, thị trường xuất khẩu sẽ trầm lắng, ít nhất đến hết quý I/2023.

Phấn đấu để có tăng trưởng

Năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.

Năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.

Về giải pháp, các doanh nghiệp dệt may, giày dép đều cho hay, sẽ cố gắng ở mức cao nhất để giữ lao động lành nghề, giữ vị trí trong chuỗi, quyết định hy sinh lợi ích tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để giữ ổn định cao hơn về lao động.

Lý do các doanh nghiệp giữ lao động là để khi có đơn hàng trở lại, thì có thể tăng tốc sản xuất, giao hàng nhanh, ghi điểm với các nhà mua hàng và tạo sức hút riêng biệt so với đối thủ ở các quốc gia xuất khẩu khác.

Tại Công ty Giày Pousung Việt Nam (Đồng Nai), lượng đơn hàng sụt giảm từ quý IV/2022 đến nay. Tình trạng này dự báo kéo dài hết quý I/2023, thậm chí cả quý II/2023. Dù vậy, doanh nghiệp này linh hoạt sắp xếp đảm bảo hoạt động sản xuất cho công nhân, như không tăng ca, cho nghỉ luân phiên một ngày trong tuần và không tuyển dụng thêm lao động mới.

Với sự nỗ lực đó, doanh nghiệp vẫn đang duy trì công việc cho 22.300 lao động, chỉ giảm khoảng 5% so với năm trước.

Đối với ngành da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho hay, ngành da giày Việt Nam đã có vị trí nhất định trên thị trường toàn cầu. Đơn hàng giảm do tình hình suy giảm kinh tế, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn tin tưởng chọn Việt Nam.

Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích nghi trước yêu cầu của thị trường và các nhãn hàng về tiêu chuẩn phát triển bền vững đối với sản phẩm, giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất, tăng sử dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm có tính bền vững cao…

Trong dài hạn, dệt may, da giày vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.

Đặc biệt, ngành dệt may và da giày tiếp tục thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành...

Tin bài liên quan