Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có buổi làm việc bàn các giải pháp liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là sản phẩm đầu ra của Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ. Mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa 2 đơn vị, giảm tới mức thấp nhất lượng nhập khẩu các loại xơ sợi của ngành dệt may vốn đang thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài.
Kỳ vọng lớn
Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ tại Hải Phòng do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (Pvtex) đầu tư với tổng vốn 324 triệu USD, công suất thiết kế 150.000 tấn xơ sợi/năm, với mục tiêu có thể đáp ứng được một phần nhu cầu xơ sợi Polyester cho ngành dệt may trong nước.
Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, sau một thời gian chạy thử, Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ đã được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 5/2014.
Tính từ thời điểm vận hành thương mại nhà máy đến nay, Pvtex đã sản xuất hơn 15.500 tấn sản phẩm các loại và ký hợp đồng bán cho khách hàng hơn 8.600 tấn sản phẩm. Trong số này, gần 5.500 tấn sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Điều quan trọng hơn là, nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với mục tiêu chất lượng sản phẩm luôn được đặt hàng đầu, tỷ trọng sản phẩm đạt loại A ngày càng ổn định và gia tăng. Hiện tại, dây chuyền sản xuất sợi Filament của Pvtex đã và đang sản xuất được nhiều chủng loại sợi khác nhau, gồm sợi xơ ngắn, sợi Filament và hạt Pet chip.
Đây là những sản phẩm xơ sợi polyester có chất lượng cao, có nhiều đặc tính tốt như có độ bền cơ học cao, khả năng chịu nhiệt tốt; không bị co, chống nhăn, chống nhầu tốt… đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với công đoạn dệt, nhuộm và may mặc trong ngành dệt may.
Việc đưa Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ vào vận hành thương mại sau một thời gian khá dài chạy thử, sản phẩm đạt chất lượng loại A, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp dệt may có thể mua xơ sợi ngay trong nước, với nhiều điều kiện thuận lợi về giá và vận chuyển.
“Khi nhà máy chạy ổn định, đạt 100% công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, thì có thể đáp ứng tới 40% nhu cầu xơ sợi cho ngành dệt may”, đại diện Pvtex cho hay.
Chất lượng cần được nâng cao
Năm 2009, Dự án Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ được khởi công xây dựng, với sự liên kết của PVN và Vinatex, để khi nhà máy đi vào vận hành sẽ đáp ứng xơ sợi phục vụ cho các doanh nghiệp dệt may trong nước và một phần dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, Dự án có thời gian sử dụng thử tương đối dài, từ năm 2011, cho tới tháng 5/2014, mới vận hành thương mại. Suốt thời gian chạy thử, Pvtex đã cung cấp xơ cho 5 đơn vị sử dụng thử sản phẩm xơ PSF, là CTCP Dệt may Hà Nội, CTCP Sợi Hoàng Thị Loan, CTCP Sợi Phú Xuyên (Phú Bài), CTCP Dệt may Nam Định và CTCP Dệt kim Đông Quang.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp mới chỉ sử dụng xơ của Pvtex vào các sản phẩm sợi CVC, TR, TCM (sợi pha polyester với tỷ trọng thấp), chứ chưa dùng như là nguyên, phụ liệu chính.
Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex cho biết, sản phẩm từ Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ ổn định và đạt chất lượng cao hơn sẽ kéo các doanh nghiệp trong Tập đoàn sử dụng xơ của Pvtex và sẵn sàng trở thành đối tác lâu dài của Pvtex. “Tất nhiên, để làm như vậy, Pvtex cần nâng cao chất lượng sản phẩm, công suất của nhà máy’, ông Nghị khuyến cáo.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Pvtex, cho biết, sắp tới, nhà máy sẽ tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, với mục tiêu đạt sản lượng 77.500 tấn vào cuối năm 2014. Qua 3 tháng Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ vận hành thương mại, sản phẩm đạt loại A của nhà máy ngày càng chiếm tỷ trọng cao, lượng phế phẩm chỉ vào khoảng 2-3%. “Khi nâng công suất, tiếp tục hoàn thiện công nghệ, chắc chắn sản phẩm của Pvtex sẽ có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị kéo sợi, dệt kim trong nước”, ông Tuấn khẳng định.