Sau khi gửi văn bản kiến nghị về thời giời làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tiếp tục gửi kiến nghị tới Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và xã hội về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tiền lương tối thiểu...
Theo Vitas, từ giác độ ngành dệt may, Hiệp hội cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào quy định trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần này chưa phải thời điểm thích hợp.
"Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ “dân số vàng”, khả năng còn kéo dài đến năm 2035. Lao động làm việc trong bộ máy hành chính sự nghiệp hiện đang dư thừa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ duy trì một bộ máy kém hiệu quả. Chưa kể, hiện tại đang có khoảng 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ đang chưa cân đối...", Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm nêu quan điểm.
Tuổi thọ người Việt hiện nay cao chủ yếu do tiến bộ về y tế và không đồng nghĩa với khả năng làm việc khi tuổi cao. Đặc biệt với các ngành dệt, may, da giày cần nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân, người lao động phải ra khỏi dây chuyền rất sớm.
Bởi vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm tỷ lệ hưởng lương hưu, do mỗi năm về hưu trước tuổi phải trừ 2%. Như vậy, sẽ hình thành một tầng lớp người dân có thu nhập rất thấp là những người hưởng lương hưu khi về hưu trước tuổi.
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, Vitas khẳng định, thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu khi Việt Nam kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng", khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp và các cơ quan Nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp đã tiến hành tinh giản bộ máy đến mức hợp lý.
Đồng thời, khi tăng tuổi nghỉ hưu nên tăng cho khu vự hành chính sự nghiệp trước, khu vực sản xuất cần có độ trễ có thể từ 5 – 10 năm.
Thời gian qua, trong nhiều cuộc họp của các Bộ, ngành lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động sửa đổi, Vitas và nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đều giữ nguyên quan điểm không đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo một Báo cáo của Oxfam cho biết, ngành dệt may của Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 80% là lao động nữ, phải chịu áp lực công việc khổng lồ.
Ông Bùi Đức Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sông Hồng cho rằng, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu theo luật định Bộ Lao động tức 55 đối với nữ và 60 đối với nam.
Ông giải thích rằng, các nữ công nhân ngành dệt may phải làm việc từ 8-10 tiếng một ngày và phải tập trung cao độ, áp lực công việc cao và mệt mỏi nên thường lao động nữ đến 45 tuổi đã muốn nghỉ hưu nên nếu tăng theo dự luật thì họ sẽ không đủ khả năng làm việc.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, với kinh nghiệm của một nguyên Bộ trưởng LĐ-TB-XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tuổi nghỉ hưu phải tính đến các yếu tố sức khoẻ, khả năng làm việc của người lao động, thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.