Dẹp loạn lướt sóng nhà đất sau những phiên đấu giá 'bạo phát, bạo tàn'

0:00 / 0:00
0:00
Như một thông lệ, khi thị trường bất động sản bắt đầu có tín hiệu hồi phục, thì nỗi lo về tình trạng đầu cơ, thổi giá đất đai thông qua bàn tay của những nhà đầu tư lướt sóng lại gia tăng.
Dẹp loạn lướt sóng nhà đất sau những phiên đấu giá 'bạo phát, bạo tàn'

Những phiên đấu giá đất “bạo phát, bạo tàn” rồi lướt sóng, cùng hành vi bỏ giá đấu giá cao ngất ngưởng, sau đó “chạy làng”, bỏ luôn tiền đặt cọc diễn ra tại một số khu vực ở Hà Nội trong thời gian gần đây một lần nữa cho thấy chiêu trò của những nhà đầu cơ lướt sóng, “mua ngay, bán ngay”.

Nhà đầu tư lướt sóng - vốn được đánh giá là những bậc thầy về khả năng đánh hơi thông tin - nghe ở đâu sắp có hạ tầng đẹp, đấu giá đất, thậm chí là những tin đồn, tin dự thảo về chính sách, thì họ sẵn sàng bay đến điểm nóng, ưng ý thì mua ngay, không chần chừ và không có khái niệm chờ đợi. Và khi sóng đến, họ cũng bán ngay trong tích tắc để chốt lời. Họ liều lĩnh hơn bất cứ ai, thậm chí không đủ tiền thì sẵn sàng đi vay để “tham chiến”.

Song, nhà đầu tư lướt sóng chính là những người khơi nguồn của nhiều cơn sốt nhà đất. Có lẽ không quá khi nói rằng, lực lượng nhà đầu tư lướt sóng, hiện chiếm số lượng áp đảo nhà đầu tư trên thị trường, cũng chính là đối tượng khuấy đảo, khiến thị trường lên cơn sốt.

Thị trường đất nền, đúng như bản chất của nó, là một sản phẩm dễ đầu cơ và có tiềm năng tăng giá cao. Nhưng mức giá tăng từng ngày, từng tuần khiến không chỉ cơ quan quản lý, mà cả những nhà đầu tư thận trọng e ngại. Đó là lý do Bộ Xây dựng mới đây đã phải gửi công văn đến các địa phương yêu cầu kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Bộ Xây dựng nhận xét, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng tung tin đồn, đầu cơ bất động sản, giá nhà tại một số khu vực tăng cao bất thường và các vụ đấu giá đất có giá thầu cao hơn nhiều lần giá khởi điểm tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Là một trong những đơn vị thường xuyên theo dõi về tình hình thị trường bất động sản, trong bản tin vừa công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hệ thống pháp luật vẫn chưa có cơ chế, chính sách xác định và kiểm soát, ngăn chặn hữu hiệu hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá, lướt cọc của nhà đầu tư cá nhân.

Theo đó, khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Việc mua đất để ở, cho thuê hay chuyển nhượng là hợp pháp và là hoạt động đi liền với cơ chế của thị trường trên cơ sở tự chịu trách nhiệm lời ăn, lỗ chịu, nhưng hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát là nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Cũng cần phải nói thêm, dù cơ quan quản lý bắt đầu có động thái mạnh hơn trước diễn biến nóng của phân khúc chung cư, nhưng công văn còn mang tính chất hành chính, chưa giải quyết được căn nguyên, vì hiện tại, trong lĩnh vực đất đai cũng chưa có những quy định xác định thế nào là đầu cơ, làm giá bất động sản. Do vậy, một lần nữa, vấn đề tiếp tục được đặt ra là cần sớm có quy định về đánh thuế bất động sản để đưa đất đai vào sử dụng và đưa sản phẩm này về đúng giá trị thực.

Như vậy, để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, để giá đất tăng giảm theo đúng nhu cầu thực của thị trường, thì việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách. Ở đây, việc đánh thuế bất động sản hiệu quả và minh bạch, nhắm vào những đối tượng tích lũy, đầu cơ, thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất, kinh doanh vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản.

Việc các cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt vào cuộc nhằm chấn chỉnh và kiểm soát tình trạng đầu nậu làm giá đất sẽ phần nào giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư chân chính, nhưng quan trọng nhất là phải triệt tiêu được động cơ của giới tạo sóng.

Như vậy, chính sách thuế sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ sẽ trở nên rủi ro hơn. Khi đó, hoạt động mua đi bán lại bất động sản nhằm ăn chênh lệch, hay tạo cung - cầu ảo nhằm thổi giá bất động sản sẽ dần trở nên vô nghĩa.

Tin bài liên quan