“Loạn” ấn chỉ thường xảy ra với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới

“Loạn” ấn chỉ thường xảy ra với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới

Dẹp “loạn” ấn chỉ, liên tục hô quyết tâm!

(ĐTCK) Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tình trạng “loạn” ấn chỉ đã diễn ra từ nhiều năm nay và giờ đây trở thành vấn đề bức xúc nổi cộm.

Không quá lạ khi trên trang web của nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ liên tục có những thông báo về việc mất ấn chỉ, nhằm cảnh báo tới khách hàng không mua phải bảo hiểm có ấn chỉ không còn giá trị. Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng chịu thiệt hại vì mua phải ấn chỉ không còn giá trị đó.

Tại Hội nghị CEO phi nhân thọ diễn ra mới đây, vấn đề kiểm soát ấn chỉ khống đã được đưa lên bàn nghị sự. Có ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ việc bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy nên vẫn để đại lý và hệ thống “chân rết” của đại lý tổ chức bán dạo hạ phí, bán nhiều năm trên một chứng nhận bảo hiểm. Thậm chí, có hiện tượng hai ấn chỉ cùng seri, công ty không quản lý được đại lý dẫn đến tình trạng bán hàng đa cấp đại lý, không ghi tên chủ xe nên truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu bằng thông tin ảo (có tên và địa chỉ không đúng tên người mua).

Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhận xét, đây là câu chuyện dài kỳ và chủ yếu xảy ra ở các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện.

Thực tế, ấn chỉ thường được in sẵn chữ ký và dấu của công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm chỉ cần điền thông tin về phương tiện được bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm sẽ có hiệu lực sau một thời gian nhất định. Về nguyên tắc, sau khi bán cho khách hàng, đại lý phải có phiếu thu, với hợp đồng có giá trị lớn phải có hóa đơn giá trị gia tăng, thì giấy chứng nhận bảo hiểm mới có giá trị. Điều này để tránh trường hợp đại lý trục lợi, thông báo mất ấn chỉ nhưng vẫn âm thầm bán báo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm (trong số ấn chỉ đã báo mất) và thu tiền bỏ túi riêng.

Tuy nhiên, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, do việc quản lý đại lý, quản lý ấn chỉ lỏng lẻo, nên có hiện tượng đại lý mang đi bán nhưng không nộp, không khai với công ty để lấy tiền, hoặc nhân viên kinh doanh không đòi được ấn chỉ thì khai báo là mất rồi nộp phạt (tiền phạt làm mất ấn chỉ rất thấp so với hoa hồng). Sau khi đại lý báo mất, công ty chỉ lập biên bản mất ấn chỉ, hủy cuốn ấn chỉ này, không tìm kiếm, thu hồi nên nhiều đại lý đã lợi dụng kẽ hở này bán bảo hiểm cho khách hàng với giá rẻ hơn giá công ty nhằm thu lợi bất chính.

“Hiện tượng trên xảy ra ở hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”, vị đại diện trên nói.

Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính, cần xử phạt nghiêm khắc các doanh nghiệp upload dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới không kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị Bộ Tài chính cho phép phát hành đại trà ấn chỉ điện tử để hạn chế nạn ấn chỉ giả, ấn chỉ khống.

Được biết, phát hành ấn chỉ điện tử không phải là một việc làm mới tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có triển khai bán bảo hiểm qua mạng đã áp dụng hình thức này.

Đại diện một công ty bảo hiểm đang triển khai ấn chỉ điện tử nhìn nhận, ấn chỉ điện tử sẽ giải quyết được vấn nạn ấn chỉ giả, ấn chỉ khống, vì mọi dữ liệu phải nhập vào hệ thống, nhưng thời gian phát hành ấn chỉ điện tử lâu hơn so với ấn chỉ giấy. Vị đại diện này ủng hộ việc áp dụng ấn chỉ điện tử và cho rằng, áp dụng ấn chỉ điện tử sẽ hạn chế được những khiếm khuyết của ấn chỉ giấy. Tuy nhiên, để thực sự dẹp loạn ấn chỉ, thì bản thân các doanh nghiệp phải nghiêm túc nhìn lại cách quản lý của mình.

“Sự lộn xộn trong việc phát hành ấn chỉ vừa qua khiến khách hàng ít nhiều mất niềm tin vào ngành bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều biết vấn đề bắt nguồn từ đâu. Nếu không vì doanh thu và thực sự quyết tâm, các doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn sẽ dẹp được tình trạng loạn ấn chỉ”, vị đại diện trên nói.

Tin bài liên quan