“Đẹp - Đủ - Đúng” - để hiểu cho trúng!

“Đẹp - Đủ - Đúng” - để hiểu cho trúng!

(ĐTCK) Theo chuyên gia kinh tế Huy Nam, đó là 3 yếu tố rất rõ ràng để làm nên một báo cáo thường niên (BCTN) chuẩn mực.

>> Báo cáo thường niên tốt nhất 2013

Thế nhưng, để thấu hiểu nội hàm của từng yếu tố và triển khai nó trên BCTN lại không hề đơn giản. Từ thực tế gắn bó với Cuộc bình chọn BCTN nhiều năm qua, ông Nam cho rằng, tình trạng “xấu che, tốt khoe” còn phổ biến và rất dễ tạo nên tác dụng ngược. Nhưng cũng sẽ đáng tiếc không kém nếu tốt thật đấy mà không biết khoe, hoặc khoe không đáng.

Như ông từng nói, một BCTN tốt phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Đẹp đẽ - Đầy đủ - Đúng đắn. Thực tế, qua thống kê chất lượng BCTN từ năm 2008 trở lại đây, chúng tôi nhận thấy có khoảng 30% số DN niêm yết đáp ứng tương đối tốt cả 3 yếu tố này. Tuy nhiên, ngoài những DN thực sự chăm chút cho BCTN hàng năm, thì còn nhiều  DN có nội dung BCTN vẫn theo xu hướng "xấu che, tốt khoe". Người đọc có đọc kỹ BCTN cũng khó hiểu được bức tranh thực về DN. Ông có thấy hiện tượng này phổ biến ở các sản phẩm thông tin khác của DN không và theo ông, vì sao lại như vậy?

Tôi nghĩ một BCTN tốt sẽ luôn cần cả 3 yếu tố “đẹp, đủ và đúng”. Không nên xem nhẹ hoặc bỏ sót một yếu tố nào trong quá trình xây dựng và thực hiện (xin nhấn mạnh là xây dựng và thực hiện) bộ tài liệu quan trọng này. Thế nhưng, tình trạng “tốt khoe, xấu che” còn phổ biến là một thực tế đáng tiếc. Đã đến lúc không thể xem đây là chuyện thường tình, vì nó có thể bào mòn niềm tin vào TTCK. Dù không ai muốn và có lẽ cũng chẳng là chủ trương của lãnh đạo điều hành DN, nhưng do cách làm, do thiếu quan tâm đầy đủ, giao khoán BCTN cho một vài người làm, hay chỉ được thuê ngoài, nên khó tránh việc triển khai một cách máy móc.

“Đẹp - Đủ - Đúng” - để hiểu cho trúng! ảnh 1

Ông Huy Nam trao đổi với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital bên lề Cuộc bình chọn BCTN

Mặt khác, việc ta cho rằng, một BCTN “xấu che, tốt khoe” là thiếu chăm chút cũng chưa chắc đúng. Ngược lại, các BCTN ấy có thể được chăm chút rất kỹ, nhưng đó không phải là một BCTN thuần túy và đúng nghĩa. Do BCTN có bản chất là một “báo cáo”, cần sự nghiêm túc và trung thực, nên việc chỉ khoe cái tốt và che đậy yếu kém sẽ khó qua mắt người đọc, rất dễ phản tác dụng.

Tuy nhiên, điều đáng trách chỉ là “tốt khoe, xấu che”, chứ không ai trách việc khoe cái tốt. Và nếu việc khoe cái tốt thực sự là cần, thì không ít trường hợp tốt đấy mà không biết khoe, lại đi khoe cái không đáng, hoặc không biết cách khoe những chỗ yếu (yếu thật) mà hấp dẫn... Việc tinh ý biết khai thác “sự khác biệt” qua một báo cáo trong sáng ít được chú trọng.

Tình trạng cũng không chỉ là và không dừng lại ở các BCTN của DN niêm yết. Một ấn phẩm giới thiệu sản phẩm, hay mẫu quảng cáo, mà nếu có sự quá lời, vượt xa cái thật, thì cũng dễ là lợi bất cập hại thôi.

Ông có thể nói thêm đôi điều về ý nghĩa “đẹp, đủ, đúng” để được xem là tác phẩm “3Đ” như ông đã đề nghị trước đây trong việc xây dựng và thực hiện một BCTN?

Theo tôi, yếu tố Đẹp không quá thiên về màu mè, đường nét, tốn kém. Đẹp có thể chỉ đơn giản, mộc mạc, nhưng chặt chẽ, hợp lý, hài hòa. Nếu ta hình dung BCTN như một văn bản (bản chất BCTN là một báo cáo) thì, với cùng giấy mực, cùng chữ, cùng màu, một văn bản đẹp chủ yếu nhờ ở cách trình bày. Một BCTN sắc màu hiện đại, nhưng “rỗng ruột”, nếu đi cùng với kết quả làm ăn kém, giá cổ phiếu tóp teo, nhiều năm không cổ tức, thì chẳng khoe tốt được, ngược lại sẽ gây tâm lý phí phạm, đáng thất vọng.

Hai yếu tố Đủ và Đúng thuộc về nội dung, được xem là tối quan trọng để một BCTN có giá trị và được đánh giá cao. BCTN của bất cứ công ty niêm yết nào cũng cần có đủ các phần cơ bản, có thể tham khảo 9 nội dung đề nghị trong tài liệu trước đây tôi viết cho Báo Đầu tư. Thiếu các nội dung cơ bản là thiếu thông tin tối thiểu mà nhà đầu tư và giới quan tâm trông đợi. Thông tin không chỉ đủ mà cần đúng. Vì nếu một đối tác có ý định hợp tác với công ty mà sau thẩm tra (due diligence), họ phát hiện điều không thực trong BCTN thì sự thất tín sẽ khó tránh. Theo kinh nghiệm thế giới, các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất cần nội dung tóm lược số liệu 5, 10 năm để lưu giữ làm tư liệu. Ngay như thông điệp của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc cũng cần có nội dung đủ và đúng. Có thể tham khảo BCTN 2012 của IBM với thư ngỏ của bà Virginia M. Rometty, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Bà không vòng vo toàn cầu hay vĩ mô, mà đi thẳng vào nội tình DN về kết quả, các chỉ số, con số, sự so sánh, những hoạt động nổi cộm trong năm...

 

Minh bạch là một trong các tiêu chuẩn quan trọng nhất mà TTCK hướng tới và Việt Nam cũng đang nỗ lực để nâng dần sự minh bạch. Nếu đo chỉ số minh bạch của thị trường thông qua số lượng văn bản pháp quy được ban hành, hay số lượng các vụ vi phạm bị xử phạt hàng năm, có thể thấy, dường như mức độ minh bạch trên TTCK đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo ông, thế nào là một TTCK minh bạch và làm thế nào để cải thiện chỉ số này?

Một cách tổng quát, có thể nói một TTCK minh bạch là thị trường không có hay thực tế hơn, có rất ít vùng mờ ẩn náu. Ngoài các hành lang pháp lý, các chuẩn mực nghề nghiệp/chuyên nghiệp/chuyên ngành, các quy chuẩn hành xử và thông lệ được thừa nhận..., việc tổ chức và vận hành thị trường cần theo nền nếp trật tự, có khả năng duy trì sự tuân thủ, tạo điều kiện cho việc chấp hành tốt, ý thức kỷ luật cao. Các yêu cầu này chính là linh hồn của định chế TTCK. Tiếc rằng đến nay vẫn còn không ít người đang tham gia vào thị trường này vẫn chưa ý thức đầy đủ, hay thậm chí chưa biết quan hệ của họ với định chế này như thế nào, điểm chung về tôn chỉ là ở đâu... Việc giám sát, kiểm soát trong điều kiện như vậy sẽ rất vất vả và hạn chế.

Tôi nghĩ tình trạng trên sẽ khó được cải thiện nhiều nếu thiếu một nỗ lực đồng bộ và toàn diện. Đó không thể chỉ là lời kêu gọi, mà là việc tổng rà soát toàn diện ở đâu và cái gì là lỗ hổng, là vùng mờ, nơi ẩn náu, điều gì tiềm ẩn xung đột quyền lợi, gây hao hụt niềm tin... để chấn chỉnh và kiên trì cải thiện. Song song đó là cuộc vận động sâu rộng về hành xử đạo đức theo các tiêu chí nghề nghiệp. Nỗ lực xây dựng môi trường minh bạch mà chỉ xoáy vào yêu cầu thông tin thôi là chỉ mới làm khúc ngọn, sẽ khó hiệu quả. Nếu tình trạng đối phó còn cao và hoạt động tranh thủ còn phổ biến thì môi trường minh bạch sẽ xa vời.

 

Mấy năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, nên có quy định buộc các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước phải công bố thông tin tài chính như DN niêm yết, để minh bạch dần sức khỏe của khối DN này. Ông có ủng hộ quan điểm đó không?

Đối với DNNN, việc bám sát hoạt động, theo dõi, giám sát, kiểm soát là cần và sẽ quan trọng hơn, do đây là loại thực thể DN đặc biệt. Việc này là trách nhiệm và là đầu việc của chủ thể sở hữu. Ở đâu trên thế giới cũng vậy, ai “đẻ” ra DN thì phải cưu mang. Ở nhiều nước, DNNN có thể có cả luật riêng, việc thành lập, vận hành, giám sát, và ai làm gì rất rõ ràng. Có điều, DNNN ở họ chỉ hiện diện chừng mực. Ở ta, có lẽ do DNNN phổ biến quá, ngành nghề dàn trải, nhiều chủ thể sở hữu, sở hữu không rõ ràng, lại được gọi chung là “của toàn dân”, nên yêu cầu công khai tài chính để dân giám sát như DN niêm yết, để mong DNNN minh bạch và khỏe lên, nghe có vẻ hữu lý. Nhưng nếu ta tin như vậy để rồi thiếu tập trung ở chỗ khác, thiếu cách làm khác hợp lẽ và chặt chẽ hơn, thì có thể lại thất vọng. Theo tôi, việc công khai bắt buộc là cần, là chậm chứ không mới. Nhưng nếu trông đợi vào dân để cải thiện sức khỏe khu vực DNNN như DN niêm yết là khó ổn. Bởi nguyên lý giám sát, kiểm soát là của chủ sở hữu, và ai là chủ sở hữu thì cần cụ thể. Trách nhiệm rất cần có “địa chỉ” chứ không thể “toàn dân”. Không nên mơ hồ về nguyên lý này, vì quyền lực đích thực nó nằm ở chủ sở hữu định đoạt, chứ không ở “dân làm chủ” danh nghĩa.

 

Cũng có quan điểm cho rằng, Cuộc bình chọn BCTN hàng năm nên mở rộng ra đối tượng bình chọn là các công ty đại chúng (hiện nay chỉ bình chọn BTCN của DN niêm yết). Theo ông, ý tưởng này liệu có khả thi không trên hiện trạng việc công bố thông tin của khối công ty đại chúng còn lỏng lẻo như hiện nay?

Việc có nên mở rộng cuộc bình chọn BCTN ra các công ty đại chúng sẽ tùy thuộc chủ trương của “tác giả” hoạt động này. Nếu đây đơn giản là cuộc thi, hay liên hoan, mà đối tượng bình chọn chỉ là BCTN, không hạn chế là của DN niiêm yết, thì nên mở rộng. Ngược lại, nếu đã có chủ trương chọn lọc đối tượng là của DN niêm yết, để từ đó khuyến khích các DN đại chúng “lên sàn”, thì không. Tuy nhiên, việc mở rộng sự tham gia nếu có giúp lan tỏa mục đích, ý nghĩa của sự kiện, thì cũng chỉ là một cuộc chơi tự nguyện. Khả năng cải thiện tình trạng kém minh bạch thông tin của các DN đại chúng như hiện nay có như kỳ vọng và mức độ thế nào thì chưa thể xác định.