Đèo Cả đang đầu tư trực tiếp vào 5 dự án BOT hạ tầng giao thông đường bộ

Đèo Cả đang đầu tư trực tiếp vào 5 dự án BOT hạ tầng giao thông đường bộ

Đèo Cả: Chuyển sàn, tăng vốn, đổi nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Đèo Cả) đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi nộp hồ sơ chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE.

Kỳ vọng niêm yết

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Đèo Cả chia sẻ kỳ vọng, niêm yết trên HOSE sẽ giúp Công ty có điều kiện nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính minh bạch, cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường.

Niêm yết còn là tiền đề để Đèo Cả thực hiện công việc tiếp theo là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu tăng vốn, tiến tới mục tiêu chiến lược trở thành công ty cổ phần đa sở hữu, hoạt động theo thông lệ quốc tế, có chất lượng và hiệu quả quản trị hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Khi niêm yết, Đèo Cả sẽ là cầu nối quan trọng giữa các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đầu tư góp vốn phát triển các công trình hạ tầng giao thông của đất nước.

Đèo Cả tiền thân là Xưởng Thống Nhất thuộc Ban Xây dựng 67. Ngày 2/1/2014, doanh nghiệp chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM vào tháng 11/2015 với mã chứng khoán HHV. Ngày 29/5/2021, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE.

Hoạt động chính của Đèo Cả là đầu tư hạ tầng giao thông, thi công, quản lý, vận hành, bão dưỡng công trình hầm, cầu, đường bộ, cao tốc và các công trình hạ tầng giao thông khác. Công ty có 3 công ty con và 3 công ty liên kết, hiện đăng ký giao dịch 267,3 triệu cổ phiếu trên UPCoM. Gần đây, giá và thanh khoản của cổ phiếu HHV có diễn biến tăng sau khi có đợt sụt giảm trước đó, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Nợ lớn, nhưng nguồn thu ổn định

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 của Đèo Cả tăng 151% về doanh thu và 13% về lợi nhuận sau thuế so với năm 2019, nhưng không đạt kế hoạch đề ra (1.201 tỷ đồng doanh thu và 175 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt bằng 70% và 95% kế hoạch).

Doanh nghiệp cho biết, trong năm qua, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại đã trực tiếp ảnh hưởng đến lưu lượng và doanh thu thu phí của các dự án. Trong khi đó, cơ cấu doanh thu có đến 78% từ thu phí, 11% từ thi công xây lắp, còn lại là từ hoạt động bảo dưỡng và các hoạt động khác.

Thực tế, doanh thu hợp nhất năm 2020 của Đèo Cả tăng mạnh so với năm 2019 do năm 2019 Công ty chỉ thực hiện hợp nhất kết quả của các công ty con từ quý IV (sau thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con).

Doanh nghiệp có tổng tài sản 32.416 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, trong đó nợ phải trả là 25.032 tỷ đồng, chiếm 77,2% và gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2020, Đèo Cả có tổng tài sản 32.416 tỷ đồng, tăng hơn 2.412 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ phải trả là 25.032 tỷ đồng, chiếm 77,2% và gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu; các khoản nợ phần lớn là nợ dài hạn, với 21.455 tỷ đồng.

Theo Đèo Cả, doanh nghiệp đang đầu tư trực tiếp vào 5 dự án BOT hạ tầng giao thông đường bộ lớn, bao gồm gói thầu Phước Tượng - Phú Gia, hầm đường bộ qua Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đèo Cả Khánh Hòa.

Đặc thù của các dự án BOT là có tổng mức đầu tư lớn (như hầm đường bộ qua Đèo Cả có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng), trong đó, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu chỉ tham gia khoảng 20%, còn lại là huy động vốn tín dụng.

Hiện tại, các dự án đầu tư đã đi vào thu phí ổn định, đảm bảo được nguồn thu để thanh toán nghĩa vụ nợ đúng hạn với các tổ chức tín dụng, đồng thời vẫn cân đối được nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác của Công ty.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu

Năm 2020, Đèo Cả không chia cổ tức với lý do dành nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.

Tổng nhu cầu vốn của Công ty năm 2021 là 773 tỷ đồng, trong đó dự kiến góp 120 tỷ đồng vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, góp 93 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đèo Cả - doanh nghiệp dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung 560 tỷ đồng vốn điều lệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đại hội đồng cổ đông 2021 của Đèo Cả đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.533 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty sẽ phát hành 27,06 triệu cổ phiếu (270,6 tỷ đồng theo mệnh giá) để hoán đổi nợ với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông miền Bắc; phát hành 58,89 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (588,9 tỷ đồng theo mệnh giá). Ngoài ra, Đèo Cả có kế hoạch vay 400 tỷ đồng nhằm dự phòng cho hoạt động của Công ty.

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng miền Bắc hiện nắm giữ 88,23 triệu cổ phiếu HHV, dự kiến được phân phối 9,2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành hoán đổi nợ sắp tới, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 33,09%. Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến được phân phối 27,06 triệu cổ phiếu HHV, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,35%.

Năm 2021, Đèo Cả đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.285 tỷ đồng, lợi nhuận 265 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 23% so với năm 2020. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, liệu Công ty có hoàn thành mục tiêu này?

Lãnh đạo Đèo Cả cho biết, hiện tại, 4/5 dự án của Công ty đã đưa vào khai thác, vận hành, đem về nguồn doanh thu ổn định hàng năm. Trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án, đồng thời thúc đẩy hoạt động xây lắp, nỗ lực tiết giảm chi phí.

Kết thúc quý I/2021, Đèo Cả đạt doanh thu 365 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 59 tỷ đồng. Với 78% doanh thu đến từ hoạt động thu phí trên các tuyến đường giao thông trọng điểm, Công ty tin tưởng sẽ thực hiện được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án mới như dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, các dự án giao thông đường bộ tại khu vực miền Nam, miền Trung…

Tin bài liên quan