Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu đề ra
NHNN cho biết, tính đến ngày 22/9/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%.
Thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm 2013, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 23/9/2014 tăng 6,73% so với cuối năm 2013, trong đó tín dụng bằng VND tăng 4,39%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 20,77%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao, đến cuối tháng 8/2014, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 6,1%, xuất khẩu tăng 4,37%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 12,73%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12%, DN nhỏ và vừa tăng 2,57%; tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi, tăng 9,85%.
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn chưa được đẩy mạnh...
“Cập nhật đến ngày 23/9 cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,73% so với cuối năm 2013. Diễn biến này cộng với thông thường tín dụng tăng cao vào cuối năm, nên năm nay có khả năng tăng trưởng tín dụng đạt 10-12%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra...”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Tích cực chủ động xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD), chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
NHNN tiếp tục cho phép các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, tuy nhiên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.
Theo đó, ngày 18/3/2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, cho phép các TCTD tiếp tục được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 1/4/2015 nhưng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần.
Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tích cực chủ động xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua: (1) Khách hàng trả nợ: 14,3 nghìn tỷ đồng; (2) Bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: 1,56 nghìn tỷ đồng; (3) Bán cho các tổ chức, cá nhân: 14,49 nghìn tỷ đồng; (4) Xử lý bằng dự phòng rủi ro: 8,3 nghìn tỷ đồng...
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay (27/9), VAMC đã mua được hơn 89.000 tỷ đồng nợ gốc, 73.000 tỷ đồng giá mua từ 37 TCTD với hơn 6.000 khoản nợ của 3.500 khách hàng. VAMC đã thu tiền về từ bán nợ là 1.500 tỷ đồng, dự kiến thu tiếp 1.200 tỷ đồng trong tuần này”.